Những “thủ đoạn” chủ yếu để một cá nhân “gian lận” thuế thu nhập cá nhân hiện nay
Luật Thuế thu nhập cá nhân được ban hành năm 2007 và có hiệu lực từ năm 2009. Trong quá trình thực thi, Luật này đã phát sinh một số hạn chế nhất định và đã được điều chỉnh bổ sung bởi Luật số 26/2012/QH13 của Quốc hội. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta, cùng với những bất cập còn tồn tại thì việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân là cần thiết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người nộp thuế, tạo sự bình đẳng, công bằng về nghĩa vụ thuế của công dân, đảm bảo thực hiện mục tiêu cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế.
Thuế thu nhập các nhân (TTNCN) là loại thuế trực thu đánh vài thu nhập thực nhận của các cá nhân trong một năm, từng tháng hoặc từng lần. Thực trạng cho thấy, hành vi trốn thuế, gian lận thuế ngày càng phức tạp, tinh vi.
1. “Thủ đoạn” thay đổi chủ thể của giao dịch
Các cá nhân tạo ra các hồ sơ, giấy tờ hay các giao dịch hợp pháp để đi vòng và khiến các giao dịch đi đến bước cuối cùng gian lận được khoản thuế TNCN đáng nhẽ phải nộp. Trong Thuế thu nhập cá nhân chuyển nhượng bất động sản phải nộp thuế TNCN với mức thuế suất là 2%. Nhưng lợi dụng kẽ hở của pháp luật các cá nhân có thể gian lận được nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân qua việc chuyển nhượng bất động sản, tại Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế thu nhập cá nhân quy định: “Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; bố vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau”. Quy định này là phù hợp với văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Tuy nhiên, chính quy định này lại tạo cơ hội cho các cá nhân có bất động sản chuyển nhượng và có hành vi tránh thuế. Cụ thể, theo quy định trên nếu như hai anh em rể muốn chuyển nhượng bất động sản cho nhau là đối tượng phải nộp thuế. Nhưng để tránh thuế thì người anh rể chuyển nhượng sang cho vợ (tức chị gái), sau đó chị gái làm thủ tục chuyển nhượng sang cho người em. Cả hai lần chuyển nhượng này đều thuộc đối tượng miễn thuế. Bằng việc đi vòng, thực hiện thêm thủ tục hành chính, họ đã gian lận được nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân. Ngân sách nhà nước mất đi một khoản thu đáng kể từ giao dịch chuyển nhượng bất động sản nói trên.
2. “Thủ đoạn” khai thấp né thuế
Cụ thể, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất ghi trên hợp đồng thấp hơn rất nhiều so với giá đất do UBND cấp tỉnh quy định; có sự chênh lệch lớn về giá chuyển nhượng cùng bất động sản của các lần giao dịch khác nhau trong một thời gian ngắn; bất hợp lý hơn là giá tính thuế bất động sản hình thành trong tương lai cao hơn nhiều lần so với giá tính thuế của bất động sản đã hoàn thành, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thực tế trên thị trường bất động sản, giá đất mua bán thường cao hơn giá đất do UBND tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương quy định. Nhưng vì lợi ích của cả người mua và người bán, nên họ thường thoả thuận ghi giá trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn thực tế. Và để được cơ quan nhà nước chấp nhận hồ sơ, họ chỉ ghi trên hợp đồng mức giá ngang bằng hoặc cao hơn chút đỉnh so với giá UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định. Như thế sẽ được nộp thuế thấp hơn số thực tế phải nộp. Kết quả là, cả đôi bên mua bán đất cùng có lợi, chỉ riêng Nhà nước chịu thất thu thuế.
Ví dụ: Ông A bán một lô đất giá thực tế mua bán là 2 tỷ đồng, giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng là 1,5 tỷ đồng (tương đương giá đất do UBND tỉnh quy định) thì số thuế TNCN sẽ bị thất thu là: (2 tỷ đồng - 1,5 tỷ đồng) x 2% = 10 triệu đồng. Đây chỉ là một trường hợp với giá trị mua bán không lớn. Trên thực tế, mỗi ngày có biết bao giao dịch diễn ra với giá trị mỗi giao dịch lên đến hàng chục tỷ đồng thì chắc chắn số thuế thất thu là rất lớn.
3. “Thủ đoạn” chuyển đổi giao dịch
Thực tế cho thấy, giới nghệ sĩ luôn biết cách để giảm khoản thuế TNCN họ phải nộp, đó chính là hướng đến các khoản thu nhập được miễn thuế và né tránh các khoản thu nhập chịu thuế được quy định trong Luật Thuế thu nhập cá nhân. Trước hết là “chiêu” thành lập doanh nghiệp để hợp thức hóa chi phí hợp lý; nhất là từ khi bỏ đi quy định được trừ 25% thu nhập trước khi tính thuế TNCN. Tại Điều 10 Luật Thuế TNCN 2007 quy định: “Thu nhập chịu thuế từ kinh doanh được xác định bằng doanh thu trừ các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập chịu thuế từ kinh doanh trong kỳ tính thuế”. Trong khi đó chi phí hợp lý (được quy định tại khoản 3 Điều 10): Tiền lương, tiền công, các khoản thù lao và các chi phí khác trả cho người lao động; chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, năng lượng, hàng hoá sử dụng vào sản xuất, kinh doanh, chi phí dịch vụ mua ngoài; chi phí khấu hao, duy tu, bảo dưỡng tài sản cố định sử dụng vào sản xuất, kinh doanh; chi trả lãi tiền vay; chi phí quản lý… được các ông “bầu” – nhà đại diện quản lý cho các nghệ sĩ rất dễ dàng “đẻ” ra và hợp thức hóa chứng từ, theo hướng kê khai cao chi phí hoạt động, dẫn đến lợi nhuận thấp nhằm nộp thuế ít. Không thể “quơ đũa cả nắm” việc các nghệ sĩ thành lập doanh nghiệp là để trốn thuế, song có thể nói bằng “chiêu” thành lập doanh nghiệp, luôn có lợi cho các nghệ sĩ, đặc biệt nhìn từ góc độ nộp thuế TNCN. Theo đó tiền thù lao hàng trăm triệu mỗi show diễn của nghệ sĩ thay vì phải khấu trừ 10% thuế TNCN tạm thu, được biến thành doanh thu công ty. Trong khi họ ghi nhận thu nhập đóng thuế trên sổ sách bằng tiền công, tiền lương, thưởng và thường “tự biên” giá trị hợp đồng xuống mức khiêm tốn. Bởi mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TTNDN) sau khi cân đo đong đếm bao giờ cũng nằm ở mức thấp hơn nhiều so với mức cao nhất của thuế TNCN. Đó là chưa kể tình trạng doanh nghiệp khai báo thua lỗ, không phải nộp thuế TNDN…
4. Thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt
Việc thực hiện các quy định của pháp luật về đăng ký, kê khai thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động hành nghề tự do như giảng dạy, bác sĩ khám bệnh ngoài giờ, luật sư, môi giới,... chưa được cơ quan thuế quản lý đầy đủ. Trong khi đó, những khoản thu nhập bên ngoài cũng là những khoản đáng kể của những người lao động tự do. Có những trường hợp, các khoản thu nhập góp phần chủ yếu vào tổng thu nhập lại không phải thu nhập từ tiền lương, mà là từ các khoản tiền thưởng và bổng lộc khác không mang tính đều đặn, nên cơ quan thuế cũng không dễ dàng giám sát, kiểm tra.
Việc thanh toán tiền lương, tiền công và các thu nhập khác vẫn chủ yếu là thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt chứ không phải qua chuyển khoản ngân hàng. Nếu như nhận tiền lương, tiền công qua tài khoản ngân hàng, thì việc kiểm tra thu nhập sẽ rất dễ dàng cho cơ quan thuế, chỉ cần kiểm tra qua ngân hàng, khiến cho các cá nhân khó có thể gian lận. Tuy nhiên, ngược lại, thực tế đa số các đơn vị trả lương bằng tiền mặt, khiến cơ quan thuế khó xác định được chính xác thu nhập tính thuế, nên càng tạo điều kiện cho các cá nhân trốn thuế.
5. Làm tăng thêm những khoản giảm trừ
Luật thuế thu nhập cá nhân có quy định về các khoản giảm trừ gia cảnh và giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo. Hơn nữa cũng vẫn bởi nguyên nhân là cơ quan thuế không nắm được thông tin của người nộp thuế, cơ chế tự kê khai tự nộp thuế khiến các thông tin về thu nhập của cá nhân không chính xác mà cá nhân lại có thể dễ dàng xin xác nhận về người phụ thuộc tại Uỷ ban nhân dân để được giảm trừ gia cảnh, hoặc đơn giản hơn là tham gia vào các hoạt động từ thiện, hoạt động nhân đạo, xin giấy xác nhận để được giảm trừ khi nộp thuế. Đây có lẽ là một cách phổ biến được những người có thu nhập cao như chủ các doanh nghiệp, người nổi tiếng,… áp dụng để giảm bớt khoản thuế thu nhập cá nhân phải nộp.
Công ty luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi liên quan đến lĩnh vực tài chính – ngân hàng để tư vấn cho Quý khách hàng những phương án tối ưu và hiệu quả. Trân trọng!