Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

CƠ CẤU TỔ CHỨC QUẢN LÝ CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN TẠI VIỆT NAM

16:22 CH
Thứ Bảy 30/09/2023
 13388

Căn cứ pháp lý: 

Luật doanh nghiệp 2020 (LDN 2020).

Các từ viết tắt: 

LDN: Luật doanh nghiệp

CTCP: Công ty cổ phần 

HĐQT: Hội đồng quản trị

BKS: Ban kiểm soát

GĐ/ TGĐ: Giám đốc/ Tổng giám đốc

 

1. Khái niệm, đặc điểm công ty cổ phần.

a. Khái niệm công ty cổ phần

- Khái niệm công ty cổ phần được quy định tại Điều 111, Luật Doanh nghiệp 2020:  công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp mà vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau là cổ phần và được phát hành ra ngoài thị trường nhắm huy động vốn tham gia đầu tư từ mọi thành phần kinh tế. Người sở hữu cổ phần được gọi là các cổ đông. Tổ chức và quản lí công ty cổ phần là hệ thống các thiết chế, theo đó việc tổ chức quản lí công ty được thực hiện trên cơ sở phân định rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của các chủ sở hữu, người quản lí, những người có lợi ích liên quna, và các phương pháp áp dụng theo một trình tự, thủ tục nhằm đảm bảo tổ chức và hoạt động của công ty một cách hiệu quả nhất.

b.  Đặc điểm công ty cổ phần

  • Về cổ đông công ty :

+ Thành viên công ty cổ phần được gọi là các cổ đông. Cổ đông là những người sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty.

+ Pháp luật chỉ quy định về số cổ đông công ty cổ phần tối thiểu là 03 và không giới hạn số lượng tối đa. Điều này giúp công ty cp có thể mở rộng số lượng thành viên tuỳ theo nhu cầu của mình.

  • Vốn điều lệ của công ty :

+ Vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.

+ Vốn điều lệ của công ty cổ phần được chia thành các phần bằng nhau gọi là cổ phiếu. Tổ chức hoặc cá nhân tham gia vào công ty bằng cách mua cổ phiếu, có thể mua một hoặc nhiều cổ phiếu.

  • Các loại cổ phần: Theo quy định tại Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2020, có các loại cổ phần như sau: Cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi.
  • Đặc điểm về tư cách pháp nhân:

+ Theo Bộ luật dân sự 2015 thì một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: Được thành lập hợp pháp; Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

+ Công ty cổ phần có đầy đủ tư cách pháp nhân. Công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty. Công ty có thể trở thành nguyên đơn hoặc bị đơn dân sự trong các tranh chấp dân sự, thương mại nếu có. Công ty có quyền sở hữu tài sản riêng. Các cổ đông chỉ được sở hữu cổ phần công ty chứ không sở hữu tài sản của công ty.

2. Quy định của pháp luật về cơ cấu bộ máy tổ chức quản lí Công ty cổ phần.

  Theo quy định tại Điều 137. Cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần của Luật Doanh nghiệp 2020:

1. Trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác, công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:

a) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;

b) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị. Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm toán quy định tại Điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động của Ủy ban kiểm toán do Hội đồng quản trị ban hành

Như vậy, CTCP sẽ có hai mô hình chủ yếu:

Mô hình 1. Mô hình có ban kiểm soát

  • Đối với mô hình 1, việc tổ chức quản lý công ty có sự phân công, phân nhiệm và chế ngự lẫn nhau giữa các cơ quan quản lý, điều hành và kiểm soát. Về mặt lý thuyết, đây là mô hình truyền thống và điển hình của các CTCP. Đây là bộ máy tổ chức quản lý phù hợp và hiệu quả trong trường hợp CTCP mang tính “ đại chúng”, tức là có sự tham gia đông đảo của các cổ đông khác nhau. Tuy nhiên, trong những trường hợp khác, bộ máy này sẽ trở nên cồng kềnh, khiên cưỡng. Có lẽ xuất phát từ cách nhìn nhận đó mà LDN 2020 quy định đối với những CTCP có trên 11 cổ đông là cá nhân thì phải có BKS. Bên cạnh đó, cũng theo LDN 2020 thì cả trong trường hợp CTCP có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50 % tổng số cổ phần của công ty thì cũng bắt buộc phải có BKS.

Mô hình thứ hai: mô hình không có Ban Kiểm soát.

  • Trong mô hình này, công ty cổ phần không có Ban kiểm soát. Tuy nhiên, Hội đồng quản trị trong mô hình này ngoài thành viên điều hành còn có thành viên độc lập (ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị là thành viên độc lập) và Ban kiểm toán nội bộ. Các thành viên độc lập sẽ thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiếm soát đối với việc quản lý điều hành công ty như chức năng của Ban kiểm soát trong mô hình thứ nhất.
  • Việc có Ban kiểm soát hay không còn tùy thuộc vào số lượng cổ đông của công ty và tỷ lệ cổ phần mà cổ đông sở hữu, cụ thể: Công ty cổ phần không bắt buộc phải có Ban kiểm soát nếu công ty có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng sô cố phần của công ty.  Công ty cổ phần bắt buộc phải có Ban kiểm soát là mô hình tổ chức quản lý truyền thống và điển hình của công ty cổ phần. Với mô hình này việc tổ chức quản lý công ty có sự phân công, phân nhiệm và chế ngự lẫn nhau giữa các cơ quan quản lý, điều hành và kiểm soát công ty.
  • Về Hội đồng quản trị (HĐQT):

+ Nhiệm vụ và quyền hạn của HĐQT đươc pháp luật quy định tại  Điều 153, Luật Doanh Nghiệp 2020:  HĐQT là cơ quan quản lý của công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định mọi vấn đề liên đến mục đích, quyền lợi của công ty trừ những vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ bầu ra, HĐQT có thể hiểu là cơ quan đại diện chủ sở hữu, thay mặt chủ quan sở hữu thực hiện chức năng quản trị điều hành công ty.

  • Về Thành viên HĐQT:

+ Thành viên HĐQT do ĐHĐCĐ bầu ra, gồm 3 đến 11 thành viên trong đó số thành viên phải cư trú ở Việt Nam do điều lệ cộng ty quy định. Nhằm tạo lập khung pháp lý cho việc tô chức hoạt động của doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định HĐQT có ít nhất 3 thành viên và không quá 11 thành viên nếu điều lệ công ty công có quy định khác; nhiệm kì của HĐQT là 5 năm. Nhiệm kì của thành viên HĐQT không quá 5 năm và thành viên HĐQT có thể được bầu lại với số nhiệm kì không hạn chế. Thành viên HĐQT không nhất thiết phải là cổ đồng của công ty.

+ Thành viên của HĐQT phải là người có đủ năng lực hành vi dân sự, không thuộc đối tượng bị cấm quản lý doanh nghiệp và là cổ đông cá nhân sở hữu ít nhất 5% tổng số cổ phần phố thông hoặc người khác có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm quản lý kinh doanh hoặc ngành nghề kinh doanh chủ yếu của công ty hoặc tiêu chuẩn, điều kiện khác theo quy định của điều lệ công ty đối với công ty con là công ty mà nhà nước sở hữu cổ phần trên 50% vốn điều lệ thì thành viên hội đồng quản trị không được là người liên quan của người quản lý, người có thẩm quyền bổ nhiệm quản lý công ty mẹ.

  • Chủ tịch Hội đồng quản trị:

+ Cơ sở pháp lí: Điều 156, Luật Doanh Nghiệp 2020: Chủ tịch Hội đồng quản trị do Hội đồng quản trị bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trong số các thành viên Hội đồng quản trị.

+ Triệu tập và thể thức tiến hành cuộc họp HĐQT được quy định tại Điều 157, Luật Doanh Nghiệp 2020:  Họp HĐQT là một nội dung quan trọng trong hoạt động của HĐQT. HĐQT họp định kì hoặc bất thường nhưng phải họp ít nhất 1 quý 1 lần tại trụ sở chính hoặc nơi khác. Cuộc họp HĐQT được Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định cụ thể tại Điều 157. Theo đó chủ tịch HĐQT phải triệu tập họp HĐQT khi có đề nghị của BKS; của GĐ (tổng GÐ) hoặc ít nhất 5 người quản lý khác của ít nhất 2 thành viên HĐQT hoặc trường hợp khác theo quy định của điều lệ công ty để nghị triệu tập họp HĐQT phải được lập thành văn bản, trong đó nêu rõ mục đích vấn đề cần thảo luận và quyết định thuộc thẩm quyền của HĐQT. Cuộc họp HĐQT được tiến hành khi có 3/4 tổng số thành viên trở lên dự hop(trước đây là 2/3). Quyết định của HĐQT được thông qua nếu được đa số thành viên dự họp chấp thuận. Trường hợp số phiếu ngang nhau thì quyết định cuối cùng thuộc về phía có ý kiến của chủ tịch HĐQT.

  • Các quy định về Giám đốc/Tổng Giám đốc:

+ Theo quy định tại Điều 162, LDN 2020 thì GĐ (TGĐ) là người điều hành công việc kinh doanh, do HĐQT bổ nhiệm để trợ giúp cho HĐQT trong việc điều hành hoạt động kinh doanh của công ty. HĐQT có thể bổ nhiệm một số các thành viên của HĐQT hoặc thuê người khác làm GÐ (TGĐ). Nếu Điều lệ công ty không quy định Chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp trong luật thì GĐ (TGÐ) là người đại diện theo pháp luật của công ty. Quyền hạn của GĐ (TGĐ) chứa đựng hai quyền cơ bản, đó là quyên quản lý điều hành và quyền đại diện. Quyền quản lý điều hành tức là GĐ (TGĐ) có quyển quản lý kinh doanh và xử lý nghiệp vụ trong phạm vi được trao quyền.

+ Quyền đại diện nghĩa là GĐ (TGĐ) có quyền nhân danh công ty xác lập giao dịch với người bên ngoài. Với quyền này, hành vi của GÐ (TGĐ) thể biên ý chí của công ty trong hoạt động kinh doanh, và công ty chịu trách nhiệm đôi với các hành vi đó.

+ GĐ (TGÐ) công ty cổ phần có những quyền và nghĩa vụ sau ( Theo khoản 3 Đều 163 Luật doanh nghiệp 2020) : Quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh của công ty mà không cần có quyết định của HĐQT; Tổ chức thực hiện các quyết định của HĐQT: Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty; Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ công ty;  Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của GĐ (TGĐ);  Tuyển dụng lao động; Quyết định tiền lương và quyền lợi khác đối với người lao động trong công ty kể cả người quản lý thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của GĐ (TGĐ); Kiến nghị phương án trả cổ tức hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;

  • Các quy định về Ban kiểm soát:

+ Tiêu chuẩn thành viên Ban kiểm soát : Theo Điều 169 LDN 2020 :  Thành viên BKS có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; không phải là vợ, chống, cha, mẹ, cha, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh, chị, em nuôi của thành viên HĐQT, GĐ (TGĐ) và người quản lý khác. Điều này nhằm hạn chế sự liên kết hoặc có những hành vị không minh bạch của thành viên BKS. Thành viên BKS không giữ các chức vụ quản lý khác trong công ty. Thành viên BKS không nhất thiết phải là cô đồng hoặc người lao động của công ty. Điều này nhằm đảm bảo tính công băng, minh bạch, khách quan trong quá trình BKS thực hiện nhiệm vụ của mình.

+ Chế độ trách nhiệm của thành viên BKS: Theo Điều 173 LDN 2020:  Thành viên BKS phải tuân thủ đúng pháp luật, Điều lệ công ty, quyết định của ĐHĐCĐ và đạo đức nghề nghiệp trong khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao. Thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ được giao, trung thành với lợi ích của công ty và cổ đông cổ đông. Thành viên BKS vi phạm nghĩa vụ được quy định tại Điều 173 LDN 2020 mà gây thiệt hại cho công ty hoặc người khác thì các thành viên BKS phải chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới bồi thường thiệt hại đó. Mọi thu nhập và lợi ích khác mà thành viên BKS kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp có được do lạm dụng vị trí, chức vụ và tài sản của công ty để đầu tư hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; đều thuộc về sở hữu công ty. Trong trường hợp phát hiện có thành viên BKS vi phạm nghĩa vụ trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao thì HĐQT phải thông báo bằng văn bản đến BKS, từ đó có yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, Điều 165 LDN 2020 quy định trách nhiệm người quản lý công ty và Điều 166 LDN 2020 quy định quyền khởi kiện đối với thành viên HĐQT, GĐ, TGĐ.

     Như vậy LDN 2020 quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của người quản lý; nâng cao yêu cầu minh bạch hóa lợi ích liên quan và tạo thuận lợi hơn cho cổ đông khởi kiện người quản lý do vi phạm bổn phận của người quản lý. Quy định như vậy phù hợp với thông lệ quốc tế để bảo vệ nhà đầu tư, qua đó, giảm rủi ro và hiệt hại cho công ty.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 -  0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .