Vay nợ bằng trái phiếu: Doanh nghiệp huy động vốn càng lớn, trả tiền lãi càng mệt!
Lãi suất của trái phiếu cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng (lên tới 11-12%/ năm), đem lại cho những nhà đầu tư lợi suất lớn, nhưng cũng mang tới rủi ro không hề nhỏ khi những doanh nghiệp phát hành trái phiếu mất khả năng trả nợ. Điều đáng lo ngại đó là, các công ty phát hành trái phiếu không chỉ vay mượn các tổ chức tín dụng như ngân hàng mà còn phát hành trái phiếu với lợi suất cao để huy động vốn từ các nhà đầu tư bên ngoài.
Theo quy định của Luật chứng khoán, trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn nợ của tổ chức phát hành. Trái phiếu doanh nghiệp (gọi tắt là trái phiếu) bản chất là một loại chứng khoán nợ do doanh nghiệp phát hành, xác nhận nghĩa vụ trả cả gốc và lãi của doanh nghiệp phát hành đối với bên sở hữu trái phiếu.
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tổ chức phát hành chỉ được phát hành trái phiếu với một trong các mục đích sau:
- Thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp.
- Tăng quy mô vốn hoạt động của doanh nghiệp.
- Cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp.
Thực tế, có những doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhằm mục đích huy động vốn mới để chi trả cho nợ cũ, xóa nợ xấu, thậm chí có những doanh nghiệp sử dụng trái phiếu nhằm trốn thuế.
Trước khi vay nợ bằng trái phiếu, doanh nghiệp nào cũng có ít nhất một khoản vay vốn từ ngân hàng. Tuy nhiên, để giảm thiểu nợ xấu, tỷ lệ vốn ngắn hạn, cho vay trung và dài hạn đối với doanh nghiệp giảm từ mức 45% về còn 40%, buộc các ngân hàng phải đánh giá khắt khe tài chính doanh nghiệp, cân nhắc việc cho vay đối với những dự án có nhiều rủi ro. Thêm nữa, việc cho vay của ngân hàng cũng gặp không ít trở ngại bởi giới hạn trần đối với tăng trưởng tín dụng. Cho nên, khi ngân hàng tăng đầu tư trái phiếu sẽ làm tăng số lượng nợ xấu vì doanh nghiệp không có khả năng trả nợ gốc và lãi trái phiếu đến hạn, dẫn đến việc buộc phải phát hành thêm trái phiếu để cơ cấu lại nợ. Quy trình vay nợ - trả nợ không hồi kết buộc ngân hàng không thể cho doanh nghiệp vay vốn để đáo nợ và phải tiến hành xử lý tài sản bảo đảm của khoản vay.
Không đủ điều kiên tiếp tục vay vốn ngân hàng khi chưa trả hết nợ; trong khi đó, tình hình dich bệnh Covid kéo dài, doanh nghiệp buộc phải huy động vốn. Thông thường, doanh nghiệp sẽ chào bán cổ phần đối với cổ đông hiện hữu theo quy định tại Luật doanh nghiệp nhưng phương án này không đem lại hiệu quả khi chính các cổ đông không có nhu cầu mua thêm cổ phần. Để có thêm nguồn vốn, doanh nghiệp buộc phải phát hành trái phiếu. Có hai cách phát hành trái phiếu phổ biến hiện nay: phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng.
Đối với phát hành ra công chúng thường được các doanh nghiệp đã có thương hiệu lớn, có được sự tin tưởng nhất định, ưu tiên sử dụng của cộng đồng, sự quan tâm của các nhà đầu tư. Trong khi đó, phát hành trái phiếu riêng lẻ lại tập trung chủ yếu vào các nhà đầu tư chiến lược.
Nhiều doanh nghiệp đã huy động trái phiếu với lãi suất rất cao, lên tới 20%/năm nhưng không có tài sản đảm bảo, không định mức tín nhiệm, không có đơn vị bảo lãnh phát hành, trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến cho việc trả lãi, đặc biệt là trả nợ gốc cho nhà đầu tư khi trái phiếu đến hạn khiến trái phiếu trở thành nợ xấu, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán hoặc phá sản. Việc không thực hiện được trách nhiệm với chủ nợ, dẫn tới cổ phiếu của doanh nghiệp cũng sẽ bị giảm giá rất mạnh. Cuối cùng, doanh nghiệp rơi vào tình trạng nợ chồng nợ không biết khi nào mới trả hết còn nhà đầu tư lại vướng vào cảnh bỏ trái phiếu thì mất trắng, tiếp tục đầu tư lại phải chờ cho đến khi doanh nghiệp tái cơ cấu.
Trước tình trạng phát triển quá nóng của thị trường trái phiếu, nhằm giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, cũng như ngăn chặn làn sóng phá sản của doanh nghiệp, Chính phủ ban hành một loại quy định mới hiệu lực trong năm 2021 như:
- Nghị định 153/2020/NĐ-CP, ngày 31/12/2020 quy định về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
- Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (trong đó có quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng);
- Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
đã góp phần hoàn thiện khung pháp lý về phát trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch hơn, làm rõ điều kiện cũng như trách nhiệm các thành viên tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo báo cáo của công ty cổ phần chứng khoán (SSI) về thị trường trái phiếu doanh nghiệp: trong Quý I/2021, tổng lượng trái phiếu phát hành là 37,4 nghìn tỷ đồng, giảm 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, với quy định của pháp luật hiện nay, các doanh nghiệp muốn tiếp cận nhà đầu tư cá nhân phải phát hành trái phiếu ra công chúng với các yêu cầu siết chặt hơn về vấn đề công bố thông tin, khối lượng, tần suất phát hành, yêu cầu dư nợ không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu…
Bên cạnh giá trị phát hành, số lần phát hành trái phiếu cũng bị siết lại: đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 6 tháng; mỗi doanh nghiệp chỉ có thể phát hành 1-2 đợt mỗi năm. Dù doanh nghiệp có thể tách nhiều lần phát hành trong mỗi đợt, nhưng quy định mới cũng yêu cầu mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin. Đồng thời, trái phiếu phát hành trong một đợt phát hành phải có cùng điều kiện, điều khoản. (Hai quy định sẽ không áp dụng trong trường hợp bên phát hành trái phiếu là tổ chức tín dụng).
Các hành vi vi phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của các tổ chức, cá nhân có liên quan bị xử phạt theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, thị trường chứng khoán và quy định của pháp luật có liên quan.
Do đó, để hạn chế tình trạng không trả được nợ, khi lên phương án vay vốn bằng trái phiếu, doanh nghiệp cần phải:
- Đánh giá chi tiết tình hình tài chính hiện tại của doanh nghiệp;
- Xây dựng phương án phát triển kinh doanh cụ thể;
- Lên phương án sử dụng vốn huy động được từ trái phiếu;
- Lựa chọn đơn vị tư vấn, phân phối phát hành trái phiếu nhiều kinh nghiệm, được đánh giá cao trên thị trường;
- Công khai việc sử dụng vốn và thanh toán đúng hạn cho nhà đầu tư;
- Nâng cao hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.
Nhìn chung, để huy động vốn, hình thức phát hành trái phiếu vẫn đựợc các doanh nghiệp và tổ chức phát hành ưu tiên lựa chọn vì khả năng cấp vốn nhanh chóng, đáp ứng được nhu cầu tái cấu trúc kỳ hạn nguồn vốn nợ vay theo hướng dài hạn hơn để phù hợp với dòng tiền. Điều này đặc biệt cần thiết với các doanh nghiệp không có tài sản thế chấp và khó có khả năng tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần cân nhắc số lượng vốn vay và phương thức trả lãi để không bị nợ xấu và vẫn có thể huy động được nguồn tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Công ty Luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Quý khách hàng để tư vấn cho Quý khách hàng có những phương hướng theo đúng quy định của pháp luật.
Trân trọng!