Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

ĐỊA ĐIỂM LÀM VIỆC CÓ ĐƯỢC KHÁC VỚI THOẢ THUẬN TRÊN HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG KHÔNG?

14:08 CH
Thứ Tư 31/01/2024
 549

Địa điểm làm việc là nội dung bắt buộc phải có khi giao kết hợp đồng lao động. Vậy địa điểm làm việc được ghi trong hợp đồng lao động như thế nào? Doanh nghiệp có được thay đổi địa điểm làm việc của người lao động hay không?

1. Những nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng lao động

Căn cứ vào Điều 13 Bộ luật lao động năm 2019 thì hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì vẫn được coi là hợp đồng lao động.

Khoản 1 Điều 21 Bộ luật lao động năm 2019 quy định hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau:

“a) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;

b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;

c) Công việc và địa điểm làm việc;

d) Thời hạn của hợp đồng lao động;

đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;

g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

i) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;

k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.”

Như vậy, địa điểm làm việc là một trong những nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng lao động.

2. Ghi địa điểm làm việc trong hợp đồng lao động như thế nào?

Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020, nội dung chủ yếu phải có của hợp đồng lao động theo khoản 1 Điều 21 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:

“3. Công việc và địa điểm làm việc được quy định như sau:

a) Công việc: những công việc mà người lao động phải thực hiện;

b) Địa điểm làm việc của người lao động: địa điểm, phạm vi người lao động làm công việc theo thỏa thuận; trường hợp người lao động làm việc có tính chất thường xuyên ở nhiều địa điểm khác nhau thì ghi đầy đủ các địa điểm đó.”

Theo đó địa điểm làm việc của người lao động là địa điểm, phạm vi mà người lao động làm công việc theo thỏa thuận trước đó.

Ngoài ra, căn cứ vào khoản 1 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, hành vi giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật còn thể thị bị phạt theo một trong các mức sau đây:

  • Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
  • Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
  • Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
  • Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
  • Từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

3. Địa điểm làm việc của người lao động có được khác với thoả thuận trên hợp đồng lao động không?

Điều 28 Bộ luật lao động năm 2019 quy định:

“Điều 28. Thực hiện công việc theo hợp đồng lao động

Công việc theo hợp đồng lao động phải do người lao động đã giao kết hợp đồng thực hiện. Địa điểm làm việc được thực hiện theo hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.”

Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, pháp luật quy định địa điểm làm việc phải được thực hiện theo đúng nội dung đã thoả thuận trong hợp đồng lao động, trừ khi hai bên có thoả thuận khác. Ngoài ra, địa điểm làm việc cũng có thể thay đổi khi gặp khó khăn đột xuất, để đáp ứng với yêu cầu sản xuất, kinh doanh của công ty trong trường hợp quy định tại Điều 29 Bộ luật lao động:

“Điều 29. Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động

1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm; trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản. Người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.

2. Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.”

Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng những ý kiến tư vấn này sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp lý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn, xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn !

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .