Tăng lương có phải ký hợp đồng lao động không?
1. Quy định của pháp luật về tiền lương cho người lao động
Theo quy đinh tại Điều 90 Bộ luật lao động năm 2019:
“Điều 90. Tiền lương
1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau”.
Như vậy, việc tăng lương dựa trên sự thỏa thuận của các bên về thời gian tăng lương, điều kiện tăng lương. Người sử dụng lao động không bắt buộc phải tăng lương cho người lao động. Tuy nhiên, trong trường hợp mức lương tối thiểu vùng tăng thì người sử dụng lao động bắt buộc phải tăng lương cho người lao động, nếu lương của người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Mức lương người sử dụng lao động trả cho người lao động ít nhất phải bằng mức lương tối thiểu vùng mà Nghị định 24/2023/NĐ-CP quy định.
2. Được tăng lương có cần ký lại hợp đồng lao động không?
Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật lao động năm 2019 thì hợp đồng lao động cần phải ghi rõ các nội dung quy định tại khoản 1 như sau:
“Điều 21. Nội dung hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động phía bên người sử dụng lao động;
b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
c) Công việc và địa điểm làm việc;
d) Thời hạn của hợp đồng lao động;
đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;
g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
i) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
…”
Theo đó mục tiền lương và các vấn đề khác liên quan đến tiền lương là một trong những nội dung bắt buộc cần được thỏa thuận rõ ràng trong hợp đồng lao động. Trong hợp đồng cần thỏa thuận rõ mức lương công việc hay theo chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các vấn đề khác. Do đó, khi có quyết định tăng lương cho người lao động thì cần phải sửa đổi hợp đồng lao động hay ký bản hợp đồng mới.
Điều 33 Bộ luật lao động năm 2019 đã có quy định về việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động như sau:
“Điều 33. Sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động
…
2. Trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc được giao kết hợp đồng lao động mới.
3. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết”.
Do đó, hai bên có thể ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới nếu muốn sửa đổi hợp đồng. Phụ lục hợp đồng được coi là một bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động. Phụ lục hợp đồng quy định các chi tiết sửa đổi, bổ sung thêm điều khoản nhưng không sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp lý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn !