Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Pháp luật quy định như thế nào về lao động là người giúp việc gia đình?

14:25 CH
Thứ Sáu 30/08/2024
 68

Để giải quyết nỗi lo lắng về con cái và nhà cửa của những cặp vợ chồng đều có những công việc riêng thì giờ đây đã có nhiều dịch vụ cho thuê người giúp việc gia đình. Có những dịch vụ cho thuê lao động là người giúp việc gia đình chỉ vài năm, vài tháng, vài ngày hay thậm chí là vài tiếng. Vậy thì những người lao động làm công việc này thì pháp luật điều chỉnh như thế nào?

 

1. Thế nào là lao động là người giúp việc gia đình?

Tại Điều 161 Bộ luật Lao động 2019 có quy định: “ Lao động là người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình.”

Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại.

2. Hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình

Về việc sử dụng hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình thì pháp luật đã có quy định tại Điều 162 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

- Người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình.

- Thời hạn của hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình do hai bên thỏa thuận. Nếu muốn chấm dứt hợp đồng, một bên có quyền đơn phương chấm dứt bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước ít nhất 15 ngày.

- Hai bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hằng ngày, chỗ ở. Trong lao động, pháp luật tạo điều kiện cho các bên được tự do thỏa thuận nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các bên trong hợp đồng.

3. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi sử dụng lao động là người giúp việc gia đình

Theo Điều 163 Bộ luật Lao động 2019 quy định nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi sử dụng lao động là người giúp việc gia đình rất rõ ràng:

- Thực hiện đầy đủ thỏa thuận đã giao kết trong hợp đồng lao động.

- Trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

- Tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người giúp việc gia đình.

- Bố trí chỗ ăn, ở hợp vệ sinh cho người giúp việc gia đình nếu có thỏa thuận.

- Tạo cơ hội cho người giúp việc gia đình được tham gia học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp.

- Trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.

4. Nghĩa vụ của lao động là người giúp việc gia đình

Bên cạnh những nghĩa vụ của người sử dụng lao động cần tuân theo thì lao động là người giúp việc gia đình cũng có những nghĩa vụ cần thực hiện được quy định tại Điều 164 Bộ luật Lao động 2019:

- Thực hiện đầy đủ thỏa thuận đã giao kết trong hợp đồng lao động.

- Phải bồi thường theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật nếu làm hỏng, mất tài sản của người sử dụng lao động.

- Thông báo kịp thời với người sử dụng lao động về khả năng, nguy cơ gây tai nạn, đe dọa an toàn, sức khỏe, tính mạng, tài sản của gia đình người sử dụng lao động và bản thân.

- Tố cáo với cơ quan có thẩm quyền nếu người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động hoặc có hành vi khác vi phạm pháp luật.

5. Các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động

Căn cứ vào Điều 165 Bộ luật Lao động 2019 các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động bao gồm:

- Ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình.

- Giao việc cho người giúp việc gia đình không theo hợp đồng lao động.

- Giữ giấy tờ tùy thân của người lao động.

6. Trách nhiệm quản lý lao động là người giúp việc gia đình

Trách nhiệm quản lý lao động là người giúp việc gia đình được quy định tại Điều 91 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Hướng dẫn Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về lao động là người giúp việc gia đình; quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về lao động là người giúp việc gia đình trên địa bàn.

- Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện) chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội: Hướng dẫn công chức cấp xã thực hiện tuyên truyền, phổ biến, quy định pháp luật về lao động là người giúp việc gia đình; quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về lao động là người giúp việc gia đình trên địa bàn.

- Ủy ban nhân dân cấp xã:

+ Tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về lao động là người giúp việc gia đình theo hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội;

+ Phân công đầu mối theo dõi, quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về lao động là người giúp việc gia đình trên địa bàn thuộc quyền quản lý;

+ Tiếp nhận thông báo về việc sử dụng, chấm dứt sử dụng lao động là người giúp việc gia đình quy định tại khoản 2 Điều 90 Nghị định 145/2020/NĐ-CP; tổng hợp, báo cáo tình hình sử dụng lao động là người giúp việc gia đình trên địa bàn thuộc quyền quản lý khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp ý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .