Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

THỜI GIỜ LÀM VIỆC THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN NAY

11:00 SA
Thứ Bảy 29/07/2023
 247

Để tạo ra một môi trường mà mọi người dân đều có việc làm thì pháp Luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể để bảo vệ quyền của người lao động. Đặc biệt, thời giờ làm việc là một trong những chế định quan trọng của pháp luật, tạo hành lang pháp lý trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Vậy, pháp luật Việt Nam hiện nay quy định như thế nào về thời giờ làm việc? Luật Sao Sáng mời quý bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây!

Căn cứ pháp lý:

 - Bộ luật Lao động 2019;

 - Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

 1. Khái niệm thời giờ làm việc.

   Thời giờ làm việc là khoảng thời gian do pháp luật quy định, theo đó, Người lao động phải có mặt tại địa điểm làm việc và thực hiện nhiệm vụ được giao phù hợp với nội quy lao động của đơn vị, điều lệ doanh nghiệp và hợp đồng lao động.

  2. Quy định của pháp luật về thời giờ làm việc.

   2.1. Thời giờ làm việc bình thường.

   - Thời giờ làm việc bình thường là việc quy định độ dài thời gian làm việc của Người lao động trong một ngày đêm ( 24 giờ) và số giờ hoặc ngày làm việc trong một tuần lễ tương ứng với 7 ngày.

   - Theo quy định tại Khoản 1 Điều 105 Bộ luật Lao động 2019: “Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần”. Quy định này là cơ sở pháp lí vững chắc bảo vệ quyền lợi cho người lao động, đảm bảo tái sản xuất sức lao động, ngăn chặn các hậu quả có thể xảy ra, đảm bảo lợi ích lâu dài cho Người sử dụng lao động. Trên cơ sở quy định này, các bên thỏa thuận thời giờ làm việc trong hợp đồng lao động không được cao hơn mức thời gian quy định.

  - Căn cứ vào thời giờ làm việc bình thường do pháp luật quy định và thỏa thuận của các bên thì “Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết;...” ( Khoản 2 Điều 105 Bộ luật lao động 2019). Người lao động phải đảm bảo nghĩa vụ tuân thủ cũng như nội dung kỉ luật lao động, sau ngày làm việc mới được rời khỏi nơi làm việc.

  - Đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc một số đối tượng lao động có đặc điểm riêng như phụ nữ có thai, lao động chưa thành niên, cao tuổi... thì thời giờ làm việc được rút ngắn hơn thời giờ làm việc bình thường mà người lao động vẫn hưởng nguyên lương. Theo quy định pháp luật hiện hành, những đối tượng áp dụng Thời giờ làm việc rút ngắn được giảm từ 1 đến 4 giờ làm việc mỗi ngày tuỳ từng trường hợp cụ thể.

  2.2.Thời giờ làm thêm.

  - Thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thưởng theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.

  - Những quy định về thời giờ làm thêm tập trung vào điều kiện làm thêm, số giờ được phép huy động làm thêm, các trường hợp không được phép huy động làm thêm.

  + Về điều kiện huy động làm thêm và số giờ được phép huy động làm thêm được quy định tại Khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019:

  “2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:

a) Phải được sự đồng ý của người lao động;

b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;

c) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này”.

    Như vậy, pháp luật quy định chặt chẽ với điều kiện tiên quyết là được sự đồng ý của người lao động. Đây là điều kiện quan trọng nhằm loại bỏ bóc lột lao động, đảm bảo qua phương thức thoả thuận.

   + Các trường hợp không được phép huy động làm thêm: Người sử dụng lao động không được phép huy động làm thêm giờ đối với phụ nữ có thai từ tháng thứ 7 hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi; Người lao động khuyết tật đã bị suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên. Đối với người lao động chưa thành niên, người sử dụng lao động chỉ được phép huy động làm thêm giờ trong một số ngành nghề, công việc do Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội quy định.

  2.3. Thời giờ làm việc ban đêm.

  - Thời giờ làm việc ban đêm là khoảng thời gian làm việc được ấn định tuỳ theo vùng, yếu tố khí hậu có ảnh hưởng đến độ dài thời gian của đêm. Vì vậy, hầu hết các nước quy định thời giờ làm đêm linh hoạt phụ thuộc vào địa lí, mùa trong năm.

  - Khung thời gian làm việc ban đêm: Theo quy định của pháp luật hiện hành thì thời giờ làm việc ban đêm được xác định chung một khung giờ từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.

  - Tiền lương đối với người lao động làm việc ban đêm: Người lao động làm việc vào ban đêm sẽ được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường (Điều 98 Bộ luật Lao động 2019). Hiện nay, cách tính tiền lương làm việc vào ban đêm được hướng dẫn cụ thể tại Điều 7 và Điều 8 của Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH ( Phụ lục 1).

  - Những đối tượng cấm hoặc hạn chế làm đêm: Theo pháp luật Việt Nam, những đối tượng cấm hoặc hạn chế huy động làm thêm giờ cũng chính là những đối tượng cấm hoặc hạn chế làm đêm (Điều 137, 144,160 Bộ luật Lao động năm 2019 ).

 2.4.Thời giờ làm việc linh hoạt.

 - Đặc trưng cơ bản nhất của thời giờ làm việc linh hoạt: là sự co dãn, mềm dẻo về độ dài thời gian và thời điểm làm việc của người lao động. Các bên trong quan hệ lao động có thể thoả thuận để điều chỉnh độ dài cũng như thời điểm làm việc và tự phân phối thời gian làm việc sao cho phù hợp với nguyện vọng cá nhân và yêu cầu chung của đơn vị. Căn cứ vào thời giờ làm việc theo chế độ quy định, cho phép người lao động lựa chọn các mức thời giờ làm việc không trọn ngày, trọn tuần, trọn tháng, trọn năm khác nhau.

  - Thời giờ làm việc linh hoạt được quy định đối với một số trường hợp tạo điều kiện vận dụng thời giờ làm việc linh hoạt: đối với người lao động làm việc theo hợp đồng không trọn thời gian ( Điều 148 Bộ luật Lao động năm 2019 ), nhận công việc về nhà làm ( Điều 167 Bộ luật Lao động năm 2019 ), khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt với lao động nữ ( Điều 135 Bộ luật Lao động năm 2019).

 2.5.Thời giờ làm việc đối với những người làm công việc có tính chất đặc biệt.

 Căn cứ theo Điều 116 Bộ luật Lao động 2019; Khoản 1 Điều 68 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, những công việc có tính chất đặc biệt về thời giờ làm việc: Các công việc phòng chống thiên tai, hỏa hoạn và dịch bệnh; Các công việc trong lĩnh vực thể dục, thể thao sản xuất thuốc, vắc xin sinh phẩm;Vận hành, sửa chữa hệ thống đường ống phân phối khí và các công trình khí.

 Như vậy, căn cứ vào tính chất công việc của người lao động mà không thể áp dụng chế độ làm việc theo quy định chung. Việc quy định một thời giờ làm việc riêng biệt hợp lí nhằm bảo vệ cho người lao động làm những công việc đặc biệt.

  Trên đây là nội dung Công ty Luật TNHH Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc đối với nội dung “Thời giờ làm việc theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay”. Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 – 0972.17.27.57 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.

 

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .