Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Ai là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm do người làm việc tự do tạo ra?

10:15 SA
Thứ Hai 31/10/2022
 480

Trong những năm gần đây, việc làm tự do trở thành một bến đỗ lý tưởng cho những người mong muốn tìm kiếm một công việc không gò bó về không gian, thoải mái về thời gian và làm được nhiều công việc cùng lúc. Xu hướng này sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai. Trước thực tế đó, có một vấn đề pháp lý đặt ra rằng, người làm việc tự do và bên thuê người làm việc tự do, ai là chủ sở hữu đối với tác phẩm?

I. Người làm việc tự do là gì?

Người làm việc tự do (hay còn gọi là freelancer) là những người thực hiện công việc một cách tự do, không bị ràng buộc bởi một công ty hay một cá nhân nhất định. Người làm việc tự do sẽ tự sắp xếp thời gian, địa điểm làm việc, theo dõi tiến độ dự án, tự giao dịch và tìm kiếm khách hàng. Một người có thể làm việc cho nhiều khách hàng cùng lúc. Phía bên thuê người làm việc tự do giảm bớt quy trình tuyển dụng và đáp ứng những nhu cầu công việc nhanh chóng do thiếu hụt nhân sự đột xuất. Các bên không ký kết hợp đồng lao động mà lựa chọn hình thức hợp đồng dịch vụ. Các tác phẩm được tạo ra bởi người làm việc tự do rất đa dạng như hình vẽ, bài viết tạp chí, bản dịch phim truyện, kế hoạch kinh doanh, phần mềm…

II. Chủ sở hữu quyền tác giả là gì?

Căn cứ Điều 36 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019: “Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này”. Theo đó, chủ sở hữu quyền tác giả sẽ nắm giữ toàn bộ quyền tài sản bao gồm: làm tác phẩm phái sinh; biểu diễn tác phẩm trước công chúng; sao chép tác phẩm; phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính. Ngoài ra, chủ sở hữu quyền tác giả còn có thể có quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm. Các quyền nhân thân như: đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả là những quyền gắn với tác giả sáng tạo ra tác phẩm và không thể chuyển giao cho bất kỳ ai dưới bất kỳ hình thức nào.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, chủ sở hữu quyền tác giả có thể là chính tác giả (Điều 37); các đồng tác giả (Điều 38); tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả (Điều 39); người thừa kế (Điều 40); người được chuyển giao quyền (Điều 41), Nhà nước (Điều 42).

III. Ai là chủ sở hữu quyền tác giả khi thuê người làm việc tự do?

Điều 37 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 quy định Chủ sở hữu quyền tác giả là tác giả: “Tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm có các quyền nhân thân quy định tại Điều 19 và các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này.” Khi một người làm việc tự do sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm, họ sẽ là tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả của những tác phẩm đó. Tuy nhiên, chủ sở hữu quyền tác giả cũng có thể là bên một khác, không phải là người làm việc tự do.

Điều 39 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 quy định như sau:

Điều 39. Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả

2. Tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo ra tác phẩm là chủ sở hữu các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật này, trừ trường hợp có thoả thuận khác.”

Theo quy định trên, bên thuê người làm việc tự do sẽ trở thành chủ sở hữu quyền tác giả khi họ có giao kết hợp đồng với người làm việc tự do. Hai bên thỏa thuận, người làm việc tự do sẽ dùng thời gian, chuyên môn để sáng tạo ra tác phẩm; còn bên thuê sẽ cung cấp tài chính để người làm việc tự do tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của mình. Do đó, tác phẩm do một cá nhân dùng thời gian, chuyên môn của mình sáng tạo ra trên cơ sở hợp đồng với tổ chức, cá nhân khác thì chủ sở hữu quyền tác giải của tác phẩm đó thuộc về bên thuê. Các quyền nhân thân như quyền đặt tên cho tác phẩm; quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín vẫn sẽ thuộc về phía người làm việc tự do. Nhưng quyền công bố tác phẩm, cho phép người khác công bố tác phẩm và toàn bộ các quyền tài sản thuộc về bên thuê.

Ví dụ: Anh A và anh B ký kết hợp đồng, theo đó hai bên thỏa thuận, anh B sẽ trả một khoản tiền để anh A vẽ một bức tranh với chủ đề do B yêu cầu. Trong trường hợp này, anh B là chủ sở hữu quyền tác giả, có quyền khai thác, sử dụng bức tranh mà không phải xin phép và trả tiền cho anh A. Tuy nhiên khi sử dụng bức tranh anh B phải ghi nhận tên tác giả và không được chỉnh sửa làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của bức tranh khi chưa có sự đồng ý của anh A.

Cơ hội tìm kiếm các công việc tự do ngày càng rộng mở và được khá nhiều người lựa chọn, đặc biệt là các bạn trẻ. Việc nắm rõ các quy định pháp luật về chủ sở hữu tác phẩm giúp các bên tránh được những mâu thuẫn, tranh chấp có thể phát sinh, biết rõ phạm vi quyền hạn của mình và cẩn trọng trong quá trình giao kết hợp đồng.

Trên đây là nội dung Luật Sao Sáng gửi đến Quý bạn đọc về chủ sở hữu quyền tác giả. Nếu có vấn đề nào còn thắc mắc hoặc cần được hỗ trợ vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: Luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936 65 36 36 – 0972172757 để được tư vấn, hỗ trợ nhanh nhất.

 

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .