Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG

15:10 CH
Thứ Bảy 24/06/2023
 1058

Việt Nam là một quốc gia rất phát triển về nông nghiệp và các lãnh đạo cũng luôn quan tâm, phát triển về vấn đề bảo hộ Giống cây trồng. Tuy nhiên trên thực tế số lượng đơn đăng ký bảo hộ Giống cây trồng và văn bằng bảo hộ trên toàn quốc vẫn còn rất hạn chế. Vậy pháp luật quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng như thế nào? Mời quý vị cùng theo dõi bài viết dưới đây!

Căn cứ pháp lý

- Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2022 (SHTT)

1. Quyền đối với giống cây trồng là gì?

Khoản 5 Điều 4 Luật SHTT quy định quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.

Khoản 4 Điều 6 Luật SHTT quy định quyền đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này.

2. Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng

Điều 157 Luật SHTT quy định các tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng là tổ chức, cá nhân chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng hoặc đầu tư cho công tác chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng hoặc được chuyển giao quyền đối với giống cây trồng. Bao gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc nước có ký kết với Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thoả thuận về bảo hộ giống cây trồng; tổ chức, cá nhân nước ngoài có địa chỉ thường trú tại Việt Nam hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại Việt Nam.

3. Điều kiện bảo hộ giống cây trồng

3.1. Giống cây trồng có yêu cầu bảo hộ phải nằm trong Danh mục loài cây trồng được bảo hộ

Tính thực tiễn của bảo hộ quyền đối với giống cây trồng dẫn đến hệ quả sự bảo hộ không thể trải dài, mở rộng đến tất cả các cấp độ quần thể thực vật mà chỉ có thể dừng lại ở cấp độ quần thể thực vật thấp nhất.

3.2. Giống cây trồng có yêu cầu bảo hộ phải có tính mới

Điều 159 Luật SHTT quy định giống cây trồng được coi là có tính mới nếu vật liệu nhân giống hoặc sản phẩm thu hoạch của giống cây trồng đó chưa được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 164 của Luật này hoặc người được phép của người đó bán hoặc phân phối bằng cách khác nhằm mục đích khai thác giống cây trồng trên lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký một năm hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký sáu năm đối với giống cây trồng thuộc loài thân gỗ và cây nho, bốn năm đối với giống cây trồng khác.

3.3. Giống cây trồng có yêu cầu bảo hộ phải có tính khác biệt

Trong Luật SHTT, khoản 1 Điều 160 xem giống cây trồng là có tính khác biệt nếu giống cây trồng đó có khả năng phân biệt rõ ràng với các giống cây trồng khác được biết đến rộng rãi tại thời điểm nộp đơn hoặc theo ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên. Tiếp đó, khoản 2 Điều 160 Luật SHTT xem giống cây trồng ở vào tình trạng “được biết đến rộng rãi” khi thuộc vào một trong các trường hợp sau đây:

- Giống cây trồng mà vật liệu nhân giống hoặc vật liệu thu hoạch của giống cây trồng đó được sử dụng một cách rộng rãi trên thị trường ở bất kỳ quốc gia nào tại thời điểm nộp đơn đăng ký bảo hộ;

- Giống cây trồng đã được bảo hộ hoặc được đưa vào danh mục giống cây trồng ở bất kỳ quốc gia nào;

- Giống cây trồng là đối tượng trong đơn đăng ký bảo hộ hoặc trong đơn đăng ký vào danh mục giống cây trồng ở bất kỳ quốc gia nào, nếu các đơn này không bị từ chối.

3.4. Giống cây trồng có yêu cầu bảo hộ phải có tính đồng nhất

Điều 161 Luật SHTT quy định giống cây trồng được coi là có tính đồng nhất nếu có sự biểu hiện như nhau về các tính trạng liên quan, trừ những sai lệch trong phạm vi cho phép đối với một số tính trạng cụ thể trong quá trình nhân giống.

3.5. Giống cây trồng có yêu cầu bảo hộ phải có tính ổn định

Theo điều 162 Luật SHTT, giống cây trồng được coi là có tính ổn định nếu các tính trạng liên quan của giống cây trồng đó vẫn giữ được các biểu hiện như mô tả ban đầu, không bị thay đổi sau mỗi vụ nhân giống hoặc sau mỗi chu kỳ nhân giống trong trường hợp nhân giống theo chu kỳ.

3.6. Giống cây trồng có yêu cầu bảo hộ phải có tên phù hợp

Khoản 1 và khoản 2 Điều 163 Luật SHTT quy định người đăng ký bảo hộ giống cây trồng phải đề xuất một tên phù hợp cho giống cây trồng, tên này phải trùng với tên đã đăng ký bảo hộ ở bất kỳ quốc gia nào có ký kết thỏa thuận về bảo hộ giống cây trồng với Việt Nam và tên của giống cây trồng được xem phù hợp nếu có khả năng phân biệt dễ đàng với tên của các giống cây trồng khác được biết đén rộng rãi trong cùng một loài hoặc loài tương tự. Khoản 3 Điều 163 Luật SHTT quy định trong các trường hợp sau đây tên của giống cây trồng được coi là không phù hợp:

- Chỉ bao gồm các chữ số, trừ khi chữ số liên quan đến đặc tính hoặc sự hình thành giống đó;

- Vi phạm đạo đức xã hội;

- Dễ gây hiểu nhầm về các đặc tính, đặc trưng của giống đó;

- Dễ gây hiểu nhầm về danh tính của tác giả;

- Trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày công bố đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng;

- Ảnh hưởng đến quyền đã có trước của tổ chức, cá nhân khác.

4. Các quyền được bảo hộ đối với giống cây trồng và thời hạn bảo hộ

4.1. Quyền tác giả giống cây trồng

Tác giả giống cây trồng được hưởng các quyền tại Điều 185 và Điều 191 Luật SHTT. Tác giả được ghi tên với danh nghĩa là tác giả trong Bằng bảo hộ giống cây trồng, Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ và trong các tài liệu công bố về giống cây trồng. Chủ bằng bảo hộ có nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả giống cây trồng theo thỏa thuận, trường hợp không có thỏa thuận thì mức trả thù lao phải tuân theo quy định của pháp luật.

Song song với quyền của tác giả giống cây trồng, pháp luật cũng quy định tác giả giống cây trồng có nghĩa vụ giúp chủ bằng bảo hộ giống cây trồng duy trì vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ.

4.2. Các quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng

Các quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng được ghi nhận tại Điều 186 Luật SHTT. Chủ bằng bảo hộ có quyền sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng các quyền sau đây liên quan đến vật liệu nhân giống của giống đã được bảo hộ: Sản xuất hoặc nhân giống; Chế biến nhằm mục đích nhân giống; Chào hàng; Bán hoặc thực hiện các hoạt động tiếp cận thị trường khác; Xuất khẩu; Nhập khẩu; Lưu giữ để thực hiện các hành vi trên. Ngoài ra còn có quyền ngăn cấm người khác sử dụng giống cây trồng theo quy định tại Điều 188 của Luật SHTT và để thừa kế, kế thừa quyền đối với giống cây trồng và chuyển giao quyền đối với giống cây trồng theo quy định tại Chương XV của Luật SHTT.

Quyền của chủ bằng bảo hộ còn được mở rộng theo quy định tại Điều 187 Luật SHTT đối với các giống cây trồng sau: Giống cây trồng có nguồn gốc từ giống cây trồng được bảo hộ, trừ trường hợp giống cây trồng được bảo hộ có nguồn gốc từ một giống cây trồng đã được bảo hộ khác. Giống cây trồng được coi là có nguồn gốc từ giống được bảo hộ nếu giống cây trồng đó vẫn giữ lại biểu hiện của các tình trạng chủ yếu thu được từ kiểu gen hoặc sự phối hợp các kiểu gen của giống được bảo hộ, trừ những khác biệt là kết quả của sự tác động vào giống được bảo hộ; Giống cây trồng không khác biệt rõ ràng với giống cây trồng đã được bảo hộ; Giống cây trồng mà việc sản xuất đòi hỏi phải sử dụng lặp lại giống cây trồng đã được bảo hộ.

Bên cạnh quyền thì chủ bằng bảo hộ cũng được ghi nhận những nghĩa vụ sau tại Điều 191 Luật SHTT: Trả thù lao cho tác giả giống cây trồng theo thỏa thuận, trường hợp không có thỏa thuận thì mức trả thù lao phải tuân theo quy định của pháp luật; Nộp lệ phí duy trì hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng theo quy định; Lưu giữ giống câu trồng được bảo hộ, cung cấp vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng và duy trì ổn định của giống cây trồng được bảo hộ theo quy định.

5. Xâm phạm quyền đối với giống cây trồng

Điều 188 Luật SHTT liệt kê các hành vi sau đây là xâm phạm quyền đối với giống cây trồng:

- Khai thác, sử dụng các quyền của chủ bằng bảo hộ mà không được phép của chủ bằng bảo hộ

- Sử dụng tên giống cây trồng mà tên đó trùng hoặc tương tự với tên giống cây trồng đã được bảo hội cho giống cây trồng cùng loài hoặc loài liên quan gần gũi với giống cây trồng đã được bảo hộ

- Sử dụng giống cây trồng đã được bảo hộ mà không trả tiền đền bù theo quy định tại Điều 189 của Luật SHTT

Trên đây là nội dung Công ty Luật TNHH Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về chủ đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng. Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 – 0972.17.27.57 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .