Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Để lưu thông được sản phẩm nhập khẩu thì cần làm những thủ tục gì?

10:57 SA
Thứ Bảy 23/11/2024
 8

1. Đăng ký nhãn hiệu/nhãn phụ hàng hoá:

Đối với hàng hoá đã đăng ký nhãn hiệu thì khi nhập khẩu về Việt Nam, thì cần phải đăng ký nhãn phụ.

Theo khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định như sau:

“3. Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.”

Theo Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định về nội dung bắt buộc phải thể hiện trên hàng hoá gồm:

“1. Nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau:

a) Tên hàng hóa;

b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;

c) Xuất xứ hàng hóa;

d) Các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định tại Phụ lục I của Nghị định này và văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

…”

Về nhãn phụ, mẫu và thông tin là do bên cá nhân, tổ chức bán đưa ra theo đúng quy định về nội dung của nhãn gốc.

Đối với trường hợp hàng hoá chưa đăng ký nhãn hiệu thì khi nhập khẩu về Việt Nam, thì cần phải đăng ký nhãn hiệu hàng hoá

Theo quy định tại khoản 2 Điều 87 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định về quyền đăng kí nhãn hiệu:

“2. Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.

Thành phần hồ sơ:

  • Đơn yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (Tờ khai) theo mẫu do Cục Sở hữu trí tuệ ban hành.
  • Mẫu nhãn hiệu muốn đăng ký bảo hộ (12 mẫu nhãn).
  • Tài liệu xác nhận quyền nộp đơn hợp pháp, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền (chứng nhận thừa kế, chứng nhận hoặc thoả thuận chuyển giao quyền nộp đơn, bao gồm cả đơn đã nộp, hợp đồng giao việc hoặc hợp đồng lao động,...).
  • Bản sao đơn đầu tiên hoặc giấy chứng nhận trưng bày triển lãm, nếu trong đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên theo Điều ước quốc tế, gồm một (1) bản.
  • Tài liệu xác nhận về xuất xứ, giải thưởng, huy chương, nếu nhãn hiệu muốn đăng ký bảo hộ chứa các thông tin đó.
  • Bản gốc giấy uỷ quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện.
  • Chứng từ nộp phí đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

Trình tự thực hiện:

- Tiếp nhận đơn: Đơn đăng ký có thể được nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ.

- Thẩm định hình thức đơn: Kiểm tra sự tuân thủ các quy định về hình thức đơn, và từ đó đưa ra kết luận về tính hợp lệ của đơn.

- Thông báo chấp nhận/từ chối chấp nhận đơn:

  • Trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thông báo chấp nhận đơn.
  • Trường hợp đơn không hợp lệ, Cục sẽ thông báo từ chối chấp nhận đơn.

- Công bố đơn: Đơn được xem là hợp lệ sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.

- Thẩm định nội dung đơn: Đánh giá khả năng bảo hộ của đối tượng được nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ, từ đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.

- Quyết định cấp/từ chối cấp giấy chứng nhận bảo hộ:

  • Nếu đối tượng được nêu trong đơn không đáp ứng yêu cầu bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định từ chối cấp giấy chứng nhận bảo hộ.
  • Nếu đối tượng được nêu trong đơn đáp ứng yêu cầu bảo hộ và người nộp đơn đã nộp đầy đủ lệ phí, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định cấp giấy chứng nhận bảo hộ, và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp, cũng như công bố trên Công báo Sở hữu trí tuệ.

2. Đăng kí bổ sung ngành nghề kinh doanh

*Hồ sơ thông báo thay đổi ngành, nghề kinh doanh gồm:

  • Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (mẫu Phụ lục II-1 ban hành kèm theo  Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT);
  • Nơi thực hiện thủ tục hành chính: Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch đầu tư cấp tỉnh nơi công ty có trụ sở hoạt động.

*Mã ngành,nhóm cần bổ sung:

- 471: Bán lẻ trong các cửa hàng kinh doanh tổng hợp

Nhóm này gồm: Bản lẻ nhiều loại sản phẩm ở cùng một cửa hàng (cửa hàng không chuyên doanh), như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bách hoá.

- 4772 bao gồm: Bán lẻ chuyên doanh các mặt hàng:

  • Bán lẻ thuốc chữa bệnh.
  • Bán lẻ dụng cụ y tế và đồ chỉnh hình.
  • Bán lẻ nước hoa, mỹ phẩm và vật phẩm vệ sinh.

-  4690 gồm: Bán buôn tổng hợp nhiều loại hàng hóa, không chuyên doanh loại hàng nào.

*Trình tự thực hiện:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được uỷ quyền nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

  • Cán bộ Phòng Đăng ký kinh doanh tiếp nhận hồ sơ.
  • Trong trường hợp hồ sơ đủ, cán bộ tiếp nhận hồ sơ tiếp thành thay đổi, bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp.
  • Trong trường hợp chưa đủ giấy tờ, cán bộ giải thích lý do trả hồ sơ và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung giấy tờ theo quy định.

Bước 3: Nhận kết quả

  • Sau khi tiến hành thay đổi ngành, nghề đăng ký kinh doanh, cán bộ tiếp nhận hồ sơ ghi giấy biên nhận và hẹn ngày trả kết quả.
  • Doanh nghiệp nhận kết quả là Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại cơ quan đăng ký doanh nghiệp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính.

3. Đăng kí tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá

*Hồ sơ đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá

Đối với những mặt hàng, sản phẩm được nhập khẩu từ nước ngoài đều yêu cầu cần chuẩn bị bộ hồ sơ và đăng ký tiêu chuẩn chất lượng như sau:

  • Bản sao công chứng Giấy đăng ký kinh doanh Công ty phân phối sản phẩm tại Việt Nam;
  • Giấy phép CA - Bản phân tích thành phần sản phẩm, hàng hóa của nhà sản xuất hoặc phiếu kiểm nghiệm về chỉ tiếu chất lượng, chỉ tiêu chỉ điểm chất lượng và các chỉ tiêu liên quan của nhà sản xuất, cơ quan kiểm định độc lập nước sản xuất ra hàng hóa, sản phẩm đó;
  • Nhãn mác phụ của sản phẩm;
  • Công thức của sản phẩm thường là thực phẩm, dược phẩm yêu cầu ghi rõ tỉ lệ % cùng với công dụng và tên thành phần cần được ghi theo danh pháp quốc tế INCI;
  • Phiếu kiểm định chất lượng của nước sở tại.

*Thủ tục thực hiện:

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, các công ty, doanh nghiệp cần đăng ký tiêu chuẩn để công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cần nộp hồ sơ đăng ký đến Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng để thực hiện đăng ký.

Thời gian thực hiện đăng ký tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm:

  • Đối với những loại thực phẩm thường, bao bì thực phẩm, dụng cụ thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm,… từ 3 đến 5 ngày làm việc.
  • Đối với những loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, … khoảng 10 ngày làm việc.
  • Mức phí, tùy vào loại hàng hóa, sản phẩm đăng ký, số lượng sẽ có những mức phí khác nhau.

4. Đăng ký lưu hành sản phẩm

*Hồ sơ đăng ký lưu hành sản phẩm gồm:

  • Đơn xin đăng ký lưu hành sản phẩm;
  • Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
  • Bản kết quả kiểm nghiệm thành phần và hàm lượng hoá chất, chế phẩm của các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam cấp. Trong trường hợp các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam không kiểm nghiệm được thành phần và hàm lượng thì có thể sử dụng kết quả kiểm nghiệm thành phần và hàm lượng của các nhà sản xuất có uy tín trên thế giới, hoặc của những nước có Hiệp định về chất lượng hàng hoá với Việt Nam. Trong trường hợp nghi ngờ, Bộ Y tế sẽ gửi mẫu ra nước ngoài để kiểm nghiệm và cơ sở xin đăng ký phải chịu mọi chi phí cho việc kiểm nghiệm;
  • Giấy chứng nhận hoặc tài liệu xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về sản phẩm đã được phép lưu hành hoặc chứng chỉ bán tự do của nước sở tại hoặc của ít nhất là một nước đang cho phép sử dụng (đối với hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn nhập khẩu).
  • Tài liệu kỹ thuật về những vấn đề như: Thành phần, cấu tạo; tác dụng và hướng dẫn sử dụng; tác dụng phụ, cách xử lý; tính ổn định và cách bảo quản; quy trình sản xuất

*Trình tự thực hiện

Bước 1: Đăng ký hồ sơ với cơ quan thẩm quyền cấp CFS.

Bước 2: Tiến hành nộp hồ sơ đề nghị cấp CFS với cơ quan có thẩm quyền cấp CFS.

Bước 3: Cơ quan thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ. Nếu xét thấy hồ sơ chưa đủ, chưa hợp lệ thẩm quyền sẽ trả lại hồ sơ và hướng dẫn bổ sung nhằm hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ. Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ và hợp lệ sẽ được cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ.

Bước 4: Xử lý hồ sơ.

Bước 5: Nhận kết quả.

5. Đăng ký mã số mã vạch cho sản phẩm

Theo quy định tại Điều 19c Nghị định 74/2018/NĐ-CP, được hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư 10/2020/TT-BKHCN thì Doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký mới mã vạch, mã số chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ gồm các giấy tờ sau:

  • Đơn đăng ký sử dụng mã số, mã vạch theo quy định
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, còn đối với trường hợp công ty có vốn đầu tư nước ngoài thì phải cung cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định thành lập.

Doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký sử dụng mã vạch cho sản phẩm nhập khẩu của mình nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, có thể nộp hồ sơ thông qua các hình thức như sau:

  • Doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận một cửa của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (đối với trường hợp nộp hồ sơ bằng hình thức này doanh nghiệp cần cung cấp bản chính các giấy tờ để đối chiếu thông tin);
  • Doanh nghiệp cũng có thể nộp hồ sơ thông qua đường bưu điện đến địa chỉ của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (đối với trường hợp nộp hồ sơ bằng hình thức này doanh nghiệp cần cung cấp bản sao có công chứng hoặc chứng thực các loại giấy tờ có trong hồ sơ).

Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp lý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!

 

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .