Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Bán hàng online trên các nền tảng mạng xã hội có cần đăng ký kinh doanh không?

13:20 CH
Thứ Tư 08/02/2023
 423

Trong những năm gần đây, sự tác động ngày càng rõ rệt của mạng xã hội đối với đời sống con người đã dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của mô hình kinh doanh bán hàng online. Mô hình này mang đến cho người kinh doanh lượng doanh thu từ sản phẩm, dịch vụ tương đối lớn. Vậy bán hàng qua mạng xã hội như thế nào được coi là hợp pháp? Có những lưu ý gì khi kinh doanh online qua mạng xã hội không? Chúng tôi sẽ giải đáp những thắc mắc đó qua bài viết sau đây.

I.  Kinh doanh online qua mạng xã hội có phải đăng ký kinh doanh không?

Khoản 1, Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh:

“1. Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:

a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;

b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;

c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;

d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;

đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;

e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác”.

Hoạt động cá nhân kinh doanh online được coi là hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh.

Căn cứ khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp:

“2. Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.”

Về cơ bản, theo Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020, việc kinh doanh online nói chung không thuộc một trong những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Như vậy, theo quy định pháp luật trên, bản thân người bán hàng online đơn thuần không phải đăng ký giấy phép kinh doanh. Mà trách nhiệm đăng ký sẽ thuộc về doanh nghiệp vận hành website/ mạng xã hội có chuyên mục mua bán. Tùy vào website mà bạn sẽ được tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ của mình, ví dụ như Facebook, Instagram, Shopee, Tiktokshop, Tiki, Zalo, …

Đối với các thương nhân, tổ chức muốn thực hiện kinh doanh theo dịch vụ thương mại điện tử, phải tiến hành thông báo với Bộ Công Thương về các website thương mại điện tử bán hàng do chính thương nhân, tổ chức thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình. Căn cứ khoản 1 Điều 55 Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử:

“1. Thương nhân, tổ chức tiến hành đăng ký trực tuyến với Bộ Công Thương về việc thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử sau khi website đã được hoàn thiện với đầy đủ cấu trúc, tính năng và thông tin theo đề án cung cấp dịch vụ, đã hoạt động tại địa chỉ tên miền được đăng ký và trước khi chính thức cung cấp dịch vụ đến người dùng.”

Trình tự đăng ký website thương mại điện tử, vui lòng tra cứu đường dẫn:

http://luatsaosang.vn/doanh-nghiep/hoi-dap-doanh-nghiep/trinh-tu-dang-ky-website-thuong-mai-dien-tu-cho-doanh-nghiep.html

II.  Người kinh doanh online trên mạng xã hội cần lưu ý những gì?

1. Trách nhiệm của người kinh doanh

Căn cứ Điều 37 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử:

“1. Cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin quy định tại Điều 29 Nghị định này cho thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử khi đăng ký sử dụng dịch vụ.

2. Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định từ Điều 30 đến Điều 34 Nghị định này khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

3. Đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

4. Thực hiện các quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định này khi ứng dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

5. Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử.

6. Tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

7. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.”

Người kinh doanh online trên mạng xã hội có trách nhiệm phải cung cấp đầy đủ những thông tin liên quan đến hàng hóa, dịch vụ, tình hình kinh doanh,… đồng thời phải tuân thủ các quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,… và bắt buộc phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

2.  Các khoản thuế phải đóng khi cá nhân bán hàng online

Theo quy định về quản lý thuế, cá nhân bán hàng online là đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 40/2021/TT-BTC, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Như vậy, có 3 loại thuế chính mà cá nhân kinh doanh bán hàng online phải nộp:

-        Lệ phí (thuế) môn bài;

-        Thuế giá trị gia tăng;

-        Thuế thu nhập cá nhân.

Có thể thấy rằng việc kinh doanh online qua mạng xã hội không phải là hoạt động kinh doanh bắt buộc phải thực hiện đăng ký kinh doanh. Mặc dù vậy nhưng trong quá trình bán hàng online bạn vẫn cần tuân thủ các yêu cầu về thông tin, chất lượng hàng hóa/dịch vụ; thực hiện nghĩa vụ thuế; tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ; đảm bảo tính chân thực, minh bạch, …

Trên đây là tư vấn của Công ty Luật TNHH Sao Sáng. Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 – 0972.17.27.57 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.

 

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .