Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Có bắt buộc dán nhãn phụ lên hàng hóa nhập khẩu?

9:39 SA
Thứ Tư 23/11/2022
 1850

Hiện nay, khi thị trường mở cửa và thu nhập tăng, xu hướng tiêu dùng hàng hóa nhập khẩu ngày càng lớn. Nhằm giúp cơ quan nhà nước và người tiêu dùng kiểm soát, phân biệt với hàng hóa nhập lậu; đồng thời, có cách hiểu chính xác hơn về hướng dẫn sử dụng, thành phần, công dụng của hàng hóa, pháp luật đã có những quy định cụ thể về nhãn phụ hàng hóa nhập khẩu. Vậy có bắt buộc dán nhãn phụ lên hàng hóa nhập khẩu hay không? Vấn đề này sẽ được Luật Sao Sáng giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Nhãn phụ là gì?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 của Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa thì “Nhãn phụ sử dụng đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định này.”

Khoản 3 Điều 7 của Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định như sau: “3. Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.”

Như vậy, nếu nhãn gốc hàng hóa nhập khẩu thiếu những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam thì phải bổ sung thêm nhãn phụ. Nhãn phụ hay còn được gọi là tem phụ là một loại tem nhãn được dán chắc chắn trên hàng hóa hoặc bao bì sản phẩm để thể hiện các thông tin cần thiết về hàng hóa dịch từ nhãn gốc tiếng nước ngoài sang tiếng Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Khoản 5 Điều 8 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, có một số loại hàng hóa không bắt buộc phải ghi nhãn phụ, bao gồm:

  • Linh kiện nhập khẩu để thay thế các linh kiện bị hỏng trong dịch vụ bảo hành hàng hóa của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đối với hàng hóa đó, không bán ra thị trường;
  • Nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, linh kiện nhập khẩu về để sản xuất, không bán ra thị trường.

2. Quy định pháp luật về nhãn phụ đối với hàng hóa nhập khẩu

- Thứ nhất, nội dung bắt buộc phải có trên nhãn phụ: Theo Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, nhãn phụ phải thể hiện các nội dung sau:

+ Tên hàng hóa;

+ Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;

+ Xuất xứ hàng hóa;

+ Các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định tại Phụ lục I của Nghị định 43/2017/NĐ-CP và văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Ví dụ như đối với hàng hóa nhập khẩu là đồ chơi trẻ em, ngoài những thông tin bắt buộc trên, nhãn phụ cần phải có các thông tin liên quan đến thành phần, thông số kỹ thuật, thông tin cảnh báo, hướng dẫn sử dụng, năm sản xuất.

- Thứ hai, vị trí dán nhãn phụ: Theo Khoản 3 Điều 8 Nghị định 43/2017/NĐ-CP: “Nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc.”

- Thứ ba, nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa.

3. Mức xử phạt khi hàng hóa nhập khẩu không có nhãn phụ

Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 48 và Khoản 49 Điều 2 Nghị định 126/2021/NĐ-CP), vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa sẽ bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 5.000.000 đồng, trừ trường hợp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn gốc nhưng không đọc được các nội dung trên nhãn theo quy định pháp luật mà các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa không khắc phục được, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn gốc nhưng chưa có nhãn phụ khi làm thủ tục thông quan:

+ Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa có nhãn (kể cả nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa;

+ Nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

- Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm trên đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng trở lên được quy định như sau:

+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;

+ Phạt tiền gấp 02 lần mức tiền phạt quy định trong trường hợp hàng hóa vi phạm là: lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng.

Ngoài ra, tổ chức cá nhân vi phạm cần thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả sau:

- Thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau: buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông; buộc thu hồi và tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm, buộc tiêu hủy hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng hàng hóa có nhãn vi phạm trong trường hợp không thể tách rời nhãn hàng hóa vi phạm ra khỏi hàng hóa;

- Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định pháp luật.

Trên đây là nội dung Luật Sao Sáng gửi đến Quý bạn đọc về quy định nhãn phụ đối với hàng hóa nhập khẩu. Nếu có vấn đề nào còn thắc mắc hoặc cần được hỗ trợ vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: Luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936 65 36 36 – 0972172757 để được tư vấn, hỗ trợ nhanh nhất.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .