PHÁ SẢN VÀ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ PHÁ SẢN
Khi chúng ta đọc báo hay khi xem tin tức trên những phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những thông tin như “Doanh nghiệp phá sản” hay “Thông báo tuyên bố phá sản”. Từ trước tới nay chúng ta luôn mặc định định nghĩa “Phá sản” với việc mất đi hay lụi tàn của một tổ chức, doanh nghiệp nào đấy. Nhưng thực sự thì phá sản là gì và pháp luật quy định về phá sản như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
1. Phá sản là gì?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014, Phá sản được định nghĩa là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
Theo đó, Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán được định nghĩa tại khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản 2014 là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
2. Pháp luật về phá sản
Pháp luật phá sản có thể hiểu là tổng thể các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành, điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Đối tượng áp dụng của Luật Phá sản được quy định tại Điều 2 Luật Phá sản năm 2014:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
Luật này áp dụng đối với doanh nghiệp và hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (sau đây gọi chung là hợp tác xã) được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, Luật Phá sản 2014 chỉ áp dụng đối với (i) doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2014, (ii) hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012.
Pháp luật Việt Nam xác định lý do duy nhất dẫn đến phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, đó là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hẹn thanh toán theo khoản 1, khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014.
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tuyên bố phá sản doanh nghiệp là Tòa án. Tuy nhiên, do tổ chức hệ thống Tòa án và cơ quan tài phán ở mỗi nước khác nhau nên việc giao cho Tòa án nào giải quyết yêu cầu phá sản không giống nhau. Hiện nay, theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 cũng như Luật Phá sản năm 2014, thẩm quyền giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc về Tòa án nhân dân địa phương.
Thủ tục phá sản quy định trong Luật Phá sản 2014 bao gồm hai thủ tục chính là thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh và thủ tục tuyên bố phá sản.
3. Thủ tục phá sản
Chủ thể tham gia quá trình giải quyết yêu cầu phá sản
Luật Phá sản 2014 ghi nhận Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc phá sản của doanh nghiệp, hợp tác xã. Ở Việt Nam, trong quy định của pháp luật phá sản, Tòa án có vai trò quyết định, một chủ thể trung tâm trong hầu hết các bước cần thực hiện của việc giải quyết yêu cầu phá sản.
Luật Phá sản 2014 quy định về Quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Theo đó, Quản tài viên là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là tổ chức hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản.
Chủ nợ là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ.
Con nợ theo khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản 2014, con nợ là doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Mục tiêu quan trọng nhất của Luật Phá sản là bảo đảm quyền lợi của cả chủ nợ và con nợ, do vậy, con nợ có vị trí rất quan trọng trong quá trình giải quyết yêu cầu phá sản.
Cơ quan thi hành án dân sự cũng là chủ thể tham gia quá trình giải quyết yêu cầu phá sản.
Trình tự giải quyết yêu cầu phá sản
- Nộp và thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
- Mở thủ tục giải quyết yêu cầu phá sản
- Hội nghị chủ nợ
- Phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán nợ đến hạn
- Tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản
- Thi hành quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã
Trên đây là nội dung Công ty Luật TNHH Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về chủ đề Phá sản và quy định pháp luật về phá sản. Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 – 0972.17.27.57 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.