TẠM NHẬP, TÁI XUẤT HÀNG HÓA LÀ GÌ? CÁC HÌNH THỨC TẠM NHẬP, TÁI XUẤT?
Tạm nhập tái xuất là một loại hình thức xuất nhập khẩu khá đặc biệt, không giống với các hình thức xuất nhập khẩu khác. Vì vậy, khi doanh nghiệp mới làm loại hình tạm nhập tái xuất sẽ gặp nhiều khó khăn. Bài viết này, Luật Sao Sáng sẽ chia sẻ giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về tạm nhập tái xuất là gì?
1. Tạm nhập tái xuất hàng hóa là gì?
Căn cứ theo Điều 29 Luật Thương mại 2005 về tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập hàng hoá được quy định cụ thể như sau:
- Tạm nhập, tái xuất hàng hóa là việc hàng hoá được đưa từ nước ngoài hoặc từ các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật vào Việt Nam, có làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hoá đó ra khỏi Việt Nam.
- Tạm xuất, tái nhập hàng hóa là việc hàng hoá được đưa ra nước ngoài hoặc đưa vào các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật, có làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam và làm thủ tục nhập khẩu lại chính hàng hoá đó vào Việt Nam.
Có thể hiểu đơn giản như sau:
– Tạm nhập là việc cho hàng hóa nước ngoài quá cảnh trên lãnh thổ một quốc gia trong một thời gian nhất định trước khi xuất sang thị trường nước thứ ba.
– Tái xuất là quá trình tiếp nối của hoạt động tạm nhập. Sau khi làm thủ tục thông quan nhập khẩu vào Việt Nam, hàng hóa sẽ được xuất đi một quốc gia khác. Như vậy, về bản chất hàng hóa được xuất khẩu hai lần nên gọi là tái xuất.
2. Các hình thức tạm nhập tái xuất
Theo quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP, hiện nay có 05 hình thức tạm nhập tái xuất:
Một là, tạm nhập tái xuất theo hình thức kinh doanh
Kinh doanh tạm nhập tái xuất là hình thức kinh doanh được thực hiện tại Việt Nam nhưng thương nhân phải đảm bảo các yêu cầu sau:
* Đối với hàng hóa kinh doanh có điều kiện:
– Nhóm hàng hóa tạm nhập tái xuất có điều kiện: Nghị định số 69/2018/NĐ-CP quy định về danh mục hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất có điều kiện bao gồm
+ Nhóm hàng thực phẩm đông lạnh: ví dụ như thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ; ruột, bong bóng và dạ dày động vật… ( chi tiết Phụ lục VII Nghị định 69/2018/NĐ-CP)
+ Nhóm hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt : bia sản xuất từ malt; rượu vang từ nho tươi; xì gà; thuốc lá…( Phụ lục VIII Nghị định 69/2018/NĐ-CP)
+ Nhóm hàng hóa đã qua sử dụng: Tủ kết đông, loại cửa trên, dung tích không quá 800 lít; Máy làm khô quần áo; Máy hút bụi… ( Phụ lục IX Nghị định số 69/2018/NĐ-CP)
– Quy định điều kiện kinh doanh: Để kinh doanh tạm nhập tái xuất nhóm hàng hóa kinh doanh có điều kiện thì thương nhân Việt Nam phải đảm bảo các điều kiện sau:
+ Được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật doanh nghiệp và được Bộ Công Thương cấp Mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa.
+ Một số hạn chế với doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập tái xuất: Không được ủy thác, nhận ủy thác tạm nhập tái xuất đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất có điều kiện; không chuyển loại hình kinh doanh từ tạm nhập tái xuất sang hình thức nhập khẩu nhằm mục đích tiêu thụ nội địa những hàng hóa tạm nhập tái xuất có điều kiện.
+ Với vận đơn đường biển của hàng hóa tạm nhập tái xuất: Phải là vận đơn đích danh ghi rõ Mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất của doanh nghiệp hoặc số Giấy phép kinh doanh tạm nhập tái xuất do Bộ Công Thương cấp đối với hàng hóa đã qua sử dụng.
* Đối với hàng hóa cấm xuất nhập khẩu, tạm dừng xuất nhập khẩu hoặc chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam
Doanh nghiệp muốn kinh doanh hàng hóa tạm nhập tái xuất thuộc loại hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu; tạm dừng xuất nhập khẩu hay hàng hóa chưa được pháp lưu hành, sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam hoăc hàng hóa chịu sự quản lý bằng các biện pháp hạn ngạch xuất nhập khẩu, thuế quan.. thì phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh tạm nhập tái xuất.
* Đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất nằm ngoài phạm vi 02 loại hàng hóa nêu trên: Thương nhân Việt Nam được thưc hiện thủ tục tạm nhập tái xuất tại các cơ quan hải quan.
* Một số lưu ý:
– Thương nhân là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thì không được thực hiện hình thức kinh doanh tạm nhập tái xuất, thay vào đó có thể tạm nhập tái xuất theo hợp đồng bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn; tái chế, bảo hành…
– Khi vận chuyển hàng hóa tạm nhập tái xuất bằng container trừ những trường hợp bắt buộc phải thay đổi, chia nhỏ hàng hóa theo yêu cầu thì các chủ thể liên quan không được phép chia nhỏ hàng hóa, đồng thời cơ quan hải quan sẽ kiểm soát hàng hóa từ khi tạm nhập vào Việt Nam tới khi được tái xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam.
– Thời gian hàng hóa tạm nhập tái xuất lưu lại tại Việt Nam: Không quá 60 ngày, kể từ khi hoàn thành xong thủ tục tạm nhập. Nếu cần kéo dài thời hạn thời gian gia hạn mỗi lần không quá 30 ngày, không quá 02 lần gia hạn và phải có văn bản đề nghị được gia hạn gửi tới Chi cục Hải quan nơi thương nhân làm thủ tục tạm nhập hàng hóa tạm nhập tái xuất.
– Do là hình thức tạm nhập tái xuất nên thương nhân kinh doanh cần thưc hiện trên hai hợp đồng riêng biệt. Đối với nước xuất khẩu ban đầu thì làm hợp đồng nhập khẩu, đối với nước mà thương nhân Việt Nam tái xuất hàng hóa thì làm hợp đồng xuất khẩu. Thời gian làm hợp đồng xuất khẩu có thể trước hoặc sau hợp đồng nhập khẩu.
Hai là, tạm nhập tái xuất theo hợp đồng bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn
Thương nhân Việt Nam có quyền ký kết hợp đồng với thương nhân nước ngoài về hàng hóa tạm nhập tái xuất với mục đích bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn trừ trường hợp là hàng hóa thuộc diện cấm xuất nhập khẩu, tạm ngừng xuất nhập khẩu. Sau khi tiến hành bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn hàng hóa tạm nhập tái xuất trong một khoảng thời gian nhất định thì thương nhân nước ngoài lại tiếp tục tái xuất hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Khác với trường hợp kinh doanh hàng hóa tạm nhập tái xuất, hình thức ký kết hợp đồng bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn không quy định cụ thể về thời gian hàng tạm nhập tái xuất lưu lại tại Việt Nam. Do tùy từng trường hợp, mặt hàng cụ thể, trang thiết bị, trình độ, nhu cầu mà thời gian bảo hành, bảo dưỡng, thuê mượn không thể ấn định một cách cụ thể. Trường hợp này các bên thương nhân có quyền tự thỏa thuận với nhau một khoảng thời gian hợp lý trong hợp đồng ký kết.
Ba là, tạm nhập tái xuất để tái chế, bảo hành theo yêu cầu của thương nhân nước ngoài
Tạm nhập tái xuất để tái chế, bảo hành theo yêu cầu của thương nhân nước ngoài được hiểu là thương nhân nước ngoài đặt hàng với thương nhân Việt Nam vê việc tái chế, bảo hành hàng hóa đích danh cho thương nhân nước ngoài chỉ định. Sau khi tái chế, bảo hành thì thương nhân Việt Nam sẽ xuất trả lại hàng hóa đó cho chính thương nhân nước ngoài đã đặt hàng. Hoạt động tạm nhập tái xuất theo hình thức này được thưc hiện tại các cơ quan Hải quan và không yêu cầu phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất.
Điểm khác biệt của hình thức này so với hai hình thức trên là hàng hóa sau khi tạm nhập vào Việt Nam để tái chế, bảo hành thì sẽ được tái xuất trở lại chính thương nhân nước ngoài đã xuất khẩu ban đầu sang cho Việt Nam chứ không phải là tái xuất sang nước thứ ba hay một thương nhân nước ngoài nào khác như hai hình thức trên.
Bốn là, tạm nhập tái xuất hàng hóa để trưng bày, giới thiệu, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại
Do nhu cầu của xúc tiến thương mại, trong một số trường hợp hàng hóa tạm nhập tái xuất được đưa vào lãnh thổ Việt Nam mục đích ban đầu không nhằm kinh doanh kiếm lời mà để phục vụ cho nhu cầu trưng bày, giới thiệu sản phẩm hoặc tham gia tại các triển lãm, hội trợ. Mục đích của hình thức tạm nhập tái xuất này là đưa thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng, kích cầu giao thương trong và ngoài nước. Do đó, hình thức này cũng không yêu cầu phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất mà chỉ phải thực hiện thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu tại cơ quan hải quan.
Ngoài ra, khi tạm nhập tái xuất để trung bày, giới thiệu, tham gia hội chợ, triển lãm thì thương nhân Việt Nam và thương nhân nước ngoài cần phải tuân thủ đầy đủ các quy định riêng về việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm, quy định của triển lãm, hội trợ.
Thời gian hàng hóa tạm nhập tái xuất lưu lại tại Việt Nam theo hình thức này cũng không quy định cụ thể nhưng thông thường sẽ tuân theo khoảng thời gian của chương trình, chiến dịch trưng bày, thời gian diễn ra hội chợ, triển lãm.
Năm là, tạm nhập tái xuất sản phẩm vì mục đích nhân đạo và mục đích khác
Trong một số trường hợp, do điều kiện về trang thiết bị , máy móc, dụng cụ y tế tại Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh trong nước và các tổ chức nước ngoài vì mục đích nhân đạo muốn đưa các trang thiết bị y tế vào để hỗ trợ Việt Nam thì sẽ xuất hiện hình thức tạm nhập tái xuất các máy móc, trang thiết bị, dụng cụ khám chữa bệnh của nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam. Đương nhiên với hình thức này cũng không cần có Giấy phép tạm nhập tái xuất. Hiểu đơn giản thì với hình thức này, tổ chức nước ngoài hỗ trợ Việt Nam, cho Việt Nam ” mượn” các máy móc thiết bị không nhằm mục đích thu lợi, sau quá trình sử dụng thì Việt Nam phải tái xuất trả lại cho tổ chức nước ngoài.
Ngoài ra, với những trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho thể thao, nghệ thuật cũng chỉ cần thưc hiện thủ tục tại các cơ quan hải quan. Trừ những máy móc, trang thiết bị phục vụ cho việc khám chữa bệnh, thể thao, nghệ thuật mà thuộc danh mục cấm xuất nhập khẩu, tạm ngừng xuất nhập khẩu hay hàng hóa xuất nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện thì ngoài việc thưc hiện thủ tục hải quan còn cần phải bổ sung một số giấy tờ sau:
+ Giấy tờ về việc cho phép tiếp nhận đoàn khám bệnh, tổ chức sự kiện vào Việt Nam của cơ quan nhà nước, tổ chức có thẩm quyền.
+ Cam kết của cơ quan, tổ chức cho phép tiếp nhận đoàn khám chữa bệnh, tổ chức sự kiện về việc sử dụng đúng mục đích của hàng hóa tạm nhập tái xuất.
Trong trường hợp đặc biệt cần tạm nhập, tái xuất đối với hàng hóa là vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự, an ninh nhằm mục đích phục vụ mục đích quốc phòng an ninh thì cần có sự xem xét, cho phép của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Tạm nhập tái xuất là một hình thức xuất nhập khẩu vô cùng quan trọng của bất cứ quốc gia nào. Hoạt động này không chỉ thể hiện sự phát triển kinh tế của một quốc gia mà còn là nhu cầu tất yếu trong mối quan hệ thương mại, chính trị, xã hội giữa các quốc gia trên thế giới. Tùy thuộc theo mục đích của việc nhập khẩu, xuất khẩu mà thương nhân có quyền lựa chọn hình thức tạm nhập tái xuất và có sự chuẩn bị đầy đủ về thủ tục, khả năng tài chính phù hợp.
3. Trường hợp cấm kinh doanh tạm nhập tái xuất được quy định ra sao?
Về cấm kinh doanh tạm nhập tái xuất, được quy định cụ thể tại Điều 12 Nghị định 69/2018/NĐ-CP như sau:
- Ban hành Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu tại Phụ lục VI Nghị định này.
- Danh mục hàng hóa quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với trường hợp hàng hóa kinh doanh chuyển khẩu theo hình thức hàng hóa được vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu, không qua cửa khẩu Việt Nam.
- Trong trường hợp để ngăn ngừa tình trạng gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người, chuyển tải bất hợp pháp, nguy cơ gian lận thương mại, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định cụ thể hàng hóa tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu và công bố công khai Danh mục kèm theo mã HS hàng hóa.
Trên đây là nội dung Luật Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về nội dung tạm nhập, tái xuất hàng hóa là gì? Các hình thức tạm nhập, tái xuất . Nếu có vấn đề nào còn thắc mắc hoặc cần được hỗ trợ vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936653636 - 0986864314 để được tư vấn, hỗ trợ nhanh nhất.