Các chính sách hỗ trợ Covid-19 cho người dân
Covid-19 tiếp tục bùng phát ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của từng người dân, từng gia đình. Chính phủ, các bộ, ngành đã có những động thái mạnh mẽ và đưa ra những chính sách hợp lí gì để góp phần hỗ trợ người dân trước những khó khăn do đợt dịch bệnh này gây ra ? Hãy cùng theo dõi bài dưới sau đây của Luật Sao Sáng để nắm rõ hơn về tình hình chính sách hỗ trợ người dân hiện nay của nhà nước nhé.
Miễn, giảm tiền điện
Đây là nội dung đã được Chính phủ chốt tại Nghị quyết 83/NQ-CP. Mức giảm giá tiền điện được quy định cụ thể như sau:
- Khách hàng ở nơi đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại thời điểm 30/7/2021 được giảm 15% tiền điện trước thuế VAT (nếu hóa đơn sử dụng đến đến 200 kWh/tháng) và 10% tiền điện trước thuế VAT nếu hóa đơn trên 200 kWh/tháng trong hai tháng 8/2021 và tháng 9/2021.
- Miễn phí tiền điện cho các cơ sở cách ly y tế tập trung trong thời gian có người đang thực hiện cách ly trong 07 tháng, từ tháng 6/2021 - 12/2021.
Đề xuất giảm giá nước sạch sinh hoạt
Tại Công văn số 5257/VPCP-KTTH, Văn phòng Chính phủ truyền đạt lại ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái như sau:
Các địa phương xem xét, thực hiện điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt, tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt hỗ trợ cho người dân và các đối tượng sử dụng nước sạch sinh hoạt bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhất là tại các tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Miễn, giảm phí giao dịch ngân hàng
Tại Công văn 5517/NHNN-VP, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu điều chỉnh giảm phí giao dịch trên ATM tối thiểu 50% và phí giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 cho khách hàng với mức giảm tối thiểu bằng 75%. Thời gian thực hiện tối thiểu từ ngày 01/8/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Tạm dừng thu phí đường bộ tại các trạm BOT
Tạm dừng thu phí tại các trạm thu phí đóng trên địa bàn các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg. Thời gian tạm dừng thu phí từ 0 giờ 00 phút ngày 20/7/2021 đến khi địa phương công bố dỡ bỏ giãn cách xã hội.
Đây là nội dung tại Công văn 5028/TCĐBVN-TC.
Giảm hàng loạt các loại phí, lệ phí
Hàng loạt các loại phí, lệ được Bộ Tài chính quyết định giảm tại Thông tư 47/2021/TT-BTC. Đáng chú ý:
- Phí cấp Căn cước công dân gắn chip: Giảm 50%
- Phí sử dụng đường bộ đối với xe ô tô kinh doanh vận tải: Giảm 10 - 30%
- Phí trong lĩnh vực y tế: Giảm 30%;
Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (thời gian từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022).
Tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất
Cũng theo Nghị quyết 68/NQ-CP, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 15% lao động tham gia BHXH trở lên so với thời điểm tháng 4 năm 2021 thì cả người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 06 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị.
Hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động
Đây là một trong các chính sách hỗ trợ Covid-19 theo Nghị quyết 68.
Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động nếu:
- Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên
- Thay đổi cơ cấu công nghệ
- Có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020
- Có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm.
Mức hỗ trợ: 1,5 triệu đồng/người lao động/tháng, hỗ trợ trong 06 tháng.
Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương
Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, cơ quan bị tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19 có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 01/5/2021 - 31/12/2021; đang tham gia BHXH bắt buộc sẽ nhận được hỗ trợ, theo Nghị quyết 68/NQ-CP.
Mức hỗ trợ 3,7 triệu đồng/người nếu tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương từ 01 tháng trở lên; 1.855.000 đồng/người nếu nếu tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương từ 15 ngày đến dưới 01 tháng.
Hỗ trợ người lao động ngừng việc
Lao động ngừng việc cũng nhận được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Điều kiện nhận hỗ trợ 1.000.000 đồng/người:
- Bị ngừng việc
- Thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 01/5/2021 - 31/12/2021.
- Đang tham gia BHXH bắt buộc
Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động
Nghị quyết 68 của Chính phủ cũng quy định hỗ trợ 3,7 triệu đồng/người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp.
Hỗ trợ người lao động mang thai, có con nhỏ
Theo Nghị quyết 68, người lao động thuộc các mục (6) (7) (đang mang thai được hỗ trợ thêm 01 triệu đồng/người; nếu đang nuôi con dưới 06 tuổi thì được hỗ trợ thêm 01 triệu đồng cho mỗi con con dưới 06 tuổi
Hỗ trợ người lao động là F1 đến 1,5 triệu đồng/người
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây đã ra Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ về chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4.
Cụ thể, đoàn viên, người lao động (tại doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn) được hỗ trợ như sau:
- Nếu là F1 phải cách ly y tế 21 ngày tại nơi cách ly tập trung, không vi phạm quy định về phòng, chống dịch: Tối đa 1,5 triệu đồng/người.
- Nếu phải cách ly tế tại nhà, có hoàn cảnh khó khăn hoặc đang mang thai; nuôi con nhỏ dưới 06 tuổi: Tối đa 500.000 đồng/người
- Nếu phải nghỉ việc do đang cư trú trong các khu vực bị phong tỏa: Tối đa 500.000 đồng/người.
Đồng thời, cán bộ, công chức, viên chức là F1 có hoàn cảnh khó khăn, phải cách ly tập trung 21 ngày, không vi phạm quy định phòng, chống dịch sẽ được hỗ trợ tối đa 1,5 triệu đồng/người.
Hỗ trợ trẻ em đang là F0 hoặc đang phải cách ly
Nghị quyết 68/NQ-CP chỉ rõ, trẻ em phải điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế ngoài việc được hỗ trợ tiền ăn, chi phí điều trị còn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ thêm 01 triệu đồng/trẻ em trong thời gian điều trị, cách ly, từ ngày 27/4/2021 - 31/12/2021.
Hỗ trợ tiền ăn cho F0, F1
F0 đang phải điều trị nhiễm COVID-19 và F1 đang thực hiện cách ly y tế, từ ngày 27/4/2021 - 31/12/2021 đều được hỗ trợ tiền ăn với mức 80.000 đồng/người/ngày. Thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị/cách ly thực tế nhưng tối đa không quá 45 ngày.
Trên đây cũng là nội dung của Nghị quyết 68.
Hỗ trợ cho văn nghệ sỹ, hướng dẫn viên du lịch
Nghị quyết 68: Đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên; hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ 01/5/2021 - 31/12/2021 đều được hỗ trợ 3,710 triệu đồng/người.
Hỗ trợ hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày từ 01/5/2021 - 31/12/2021 để phòng, chống dịch COVID-19 hỗ trợ một lần 3.000.000 đồng/hộ, cũng theo Nghị quyết 68.
Hỗ trợ lao động tự do
Một trong các chính sách hỗ trợ Covid-19 theo Nghị quyết 68 là danh cho lao động tự do.
Nghị quyết quy định mức hỗ trợ cho lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày, nhưng mức hỗ trợ cụ thể do các địa phương quyết định.
Hỗ trợ cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất
Nghị quyết 68: Người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất với thời gian dưới 12 tháng.
Miễn, giảm lãi vay đến hết năm nay
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Theo đó, các ngân hàng được miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà:
+ Nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021;
+ Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách được thực hiện đến ngày 31/12/2021.
Gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2021
Trong tháng 4/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.
Chính sách này áp dụng đối với người dân có hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản…; kinh doanh trong các ngành: Vận tải kho bãi, nhà hàng, khách sạn, kinh doanh bất động sản…
Thời hạn gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5/2021