Đạo nhái tác phẩm nghệ thuật sẽ bị xử lí như thế nào?
Đạo, nhái trong nghệ thuật, chuyện không mới, nhưng chưa khi nào cũ. Mặc dù báo chí đã nhiều lần lên tiếng nhưng xem ra công chúng vẫn tiếp tục đau đầu về những thông tin liên quan đến đạo đức, lòng tự trọng của một số người làm nghệ thuật. Vậy hành vi này sẽ bị pháp luật xử lí như thế nào, hãy cùng luật Sao Sáng theo dõi dưới bài viết sau đây.
Đạo nhái tác phẩm là gì?
Đạo nhái một tác phẩm nghệ thuật xảy ra khi có hành vi sao chép trái phép, không có sự cho phép của chủ bản quyền đã phát triển thành một tác phẩm khác của riêng mình. Đạo nhái tác phẩm nghệ thuật xâm phạm trực tiếp đến quyền nhân thân và quyền tài sản gắn liền với tác phẩm bị đạo nhái đó.
Vi phạm bản quyền, ăn cắp bản quyền là sử dụng tác phẩm của người khác mà không xin phép, trái phép hoặc không ghi rõ nguồn và tên tác giả chính thức.
Khoản 1 Điều 7 Nghị định 105/2006/NĐ-CP quy định yếu tố xâm phạm quyền tác giả thuộc trong các dạng sau:
a) Bản sao tác phẩm được tạo ra một cách trái phép;
b) Tác phẩm phái sinh được tạo ra một cách trái phép;
c) Tác phẩm giả mạo tên, chữ ký của tác giả, mạo danh hoặc chiếm đoạt quyền tác giả;
d) Phần tác phẩm bị trích đoạn, sao chép, lắp ghép trái phép;
đ) Sản phẩm có gắn thiết bị kỹ thuật bảo vệ quyền tác giả bị vô hiệu hoá trái phép.
Như vậy, sản phẩm nghệ thuật đạo nhái bị coi là sản phẩm xâm phạm quyền tác giả bì có yếu tố xâm phạm một trong những quy định trên.
Xử lí hành vi đạo nhái tác phẩm nghệ thuật
Hành vi đạo nhái nói riêng và xâm phạm quyền tác giả nói chung được xử lý bởi những chế tài mà pháp luật quy định. Cụ thể, việc xử lý hành chính hành vi đạo nhái tác phẩm nghệ thuật được quy định tại các điều: Điều 10, Điều 15, Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP.
Đối với Hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm:
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Đối với Hành vi xâm phạm quyền phân phối tác phẩm:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi phân phối tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Đối với Hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm:
Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Ngoài ra, người đạo nhái còn phải thực hiện các Biện pháp khắc phục hậu quả như:
a) Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai sự thật đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả;
b) Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Đạo nhái tác phẩm là điều tối kỵ và không thể chấp nhận được trong lao động sáng tạo nghệ thuật. Hành vi này cần phải lên án mạnh mẽ, nỗ lực đẩy lùi và ngăn chặn để xây dựng một môi trường nghệ thuật trở nên trong sáng và lành mạnh hơn. Đây cũng là động lực để những nguời hoạt động nghệ thuật chân chính vững tâm, nghiêm túc hơn với con đường của mình, từ đó xây dựng nên nền văn hóa phát triển của đất nước.