Gặp rắc rối khi tham chiếu hợp đồng vay tín chấp
Hiện nay, ở Việt Nam có rất nhiều công ty tài chính hoặc công ty mang danh nghĩa là "công ty tài chính" tiến hành việc cho vay lãi. Và khi người vay không trả được nợ họ dùng nhiều cách thức khác nhau để gây sức ép buộc phải trả nợ. Điển hình nhất là hình thức gọi điện cho chủ các số điện thoại tham chiếu để quấy rối, làm phiền và đòi nợ. Vậy hành động đòi nợ như trên của các công ty tài chính liệu có đúng theo quy định của pháp luật. Hãy cùng luật sao sáng giải đáp dưới bài viết sau.
Vay tín chấp là gì?
Vay tín chấp là hình thức vay tiền ngân hàng và các tổ chức tín dụng được bảo đảm bằng sự tín nhiệm, không cần có tài sản thế chấp. Do đó, việc vay tín chấp không phải là việc cho vay không có bảo đảm mà tài sản bảo đảm là sự tín nhiệm giữa người cho vay (các ngân hàng, tổ chức tín dụng) và người vay, thông thường là các doanh nghiệp. Và việc cho vay có bảo đảm bằng tín chấp phải được lập thành văn bản có ghi rõ số tiền vay, mục đích vay, thời hạn vay, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người vay, ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức bảo đảm.
(theo Điều 373 “Bộ luật dân sự 2015”).
Người tham chiếu hợp đồng vay tín chấp có trách nhiệm gì ?
Khoản 2 Điều 24 Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN về quyền và nghĩa vụ của khách hàng quy định:
“2. Khách hàng vay có nghĩa vụ:
a) Cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin, tài liệu liên quan đến việc vay vốn và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, tài liệu đã cung cấp;
b) Sử dụng vốn vay đúng mục đích, thực hiện đúng các nội dung đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng và các cam kết khác;
c) Trả nợ gốc và lãi vốn vay theo thoả thuận trong hợp đồng tín dụng;
d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật khi không thực hiện đúng những thoả thuận về việc trả nợ vay và thực hiện các nghia vụ bảo đảm nợ vay đã cam kết trong hợp đồng tín dụng”.
Trước khi tiến hành thẩm định cho vay, chủ thể vay vốn đảm bảo các điều kiện nêu trên thì có thể tiến hành đề nghị vay vốn của ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác. Cụ thể trong đó bên cho vay sẽ yêu cầu chủ thể vay vốn cung cấp 2-3 số điện của người thân, bạn bè, đồng nghiệp để tham chiếu thông tin; ưu tiên cha mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột hoặc người có tên trong hộ khẩu nhằm xác định tính trung thực của các thông tin mà chủ thể vay vốn đã cung cấp.
Các số điện thoại dùng để tham chiếu phải được sự đồng ý của chủ sở hữu, và chủ sở hữu chỉ có trách nhiệm xác thực thông tin của người vay trước khi hợp đồng vay tín chấp có hiệu lực. Ngoài ra thì không phát sinh bất kì một trách nhiệm nào với hợp đồng vay tín dụng.
Người tham chiếu tín chấp phải làm gì khi liên tục bị khủng bố, quấy rầy?
Hiện nay không ít tổ chức tín dụng cho rằng người tham chiếu phải chịu một phần trách nhiệm bởi đã đồng ý cho người vay lấy thông tin của mình. Khi khách hàng trốn nợ, công ty sẽ liên hệ người tham chiếu và sử dụng thông tin người tham chiếu để đòi nợ.
Trên thực tế, pháp luật không có quy định nào bắt buộc họ thực hiện trách nhiệm trên. Người tham chiếu không có nghĩa vụ gì trong hợp đồng tín chấp.Theo quy định của pháp luật, họ không phải là người vay tiền và cũng không phải người bảo lãnh nên không có nghĩa vụ trả nợ thay, kể cả khi người vay không thể thanh toán theo hợp đồng.
Thông tư 18/2019/TT-NHNN quy định:
“...không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật;”
Do vậy, việc công ty tài chính liên tục nhắn tin, gọi điện cho người tham chiếu để thúc ép người vay trả nợ là trái pháp luật.
Người tham chiếu có thể yêu cầu tổ chưc tín dụng này ngừng hành vi làm phiền qua điện thoại. Nếu họ vẫn tiếp tục thì có thể báo (trực tiếp hoặc gián tiếp qua điện thoại, bằng văn bản hoặc thư điện tử) cho doanh nghiệp viễn thông mà mình là khách hàng (thuê bao) hoặc gửi đơn khiếu nại cho Sở Thông tin và truyền thông địa phương để yêu cầu giải quyết. Theo đó, doanh nghiệp viễn thông khi nhận được khiếu nại, tố cáo của khách hàng về việc quấy rối qua điện thoại cần theo dõi, kiểm tra, xác minh và yêu cầu chủ thuê bao ngừng ngay việc quấy rối. Nếu chủ thuê báo quấy rối cố tình vi phạm, doanh nghiệp đó ngừng cung cấp dịch vụ, đồng thời báo cáo kết quả cho Sở Thông tin và truyền thông địa phương của người khiếu nại, người quấy rối để xử lý vi phạm theo quy định.