BỊ CAN CHẾT CÓ PHẢI BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI KHÔNG?
Nhiều vụ án đã xảy ra sau khi bị can qua đời, nhưng thiệt hại do hành vi của bị can gây ra thì nhiều người đang phải gánh chịu. Vậy pháp luật quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi bị can đã chết như thế nào?
1. Bị can được hiểu là gì?
Bị can là một trong các chủ thể quan trọng tham gia vào quá trình tố tụng hình sự, tại Khoản 1 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về bị can như sau:
“Bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Quyền và nghĩa vụ của bị can là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật này.”
Theo đó, người được xác định là bị can có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Ngoài ra, bị can còn được xác lập một số quyền như sau:
- Được biết lý do mình bị khởi tố.
- Nhận quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; bản kết luận điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; bản cáo trạng, quyết định truy tố và các quyết định tố tụng khác.
- Đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu.
- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
2. Bị can chết thì có phải bồi thường thiệt hại dân sự nữa không?
Căn cứ theo Bộ luật Dân sự 2015 thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại sẽ được quy định như sau:
"Điều 615. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.”
Như vậy, có thể thấy, nếu hành vi phạm tội của bị can đã chết nhưng gây ra thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường thiệt hại đó theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận các bên. Và những người thừa kế của bị can đã chết sẽ được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
3. Bị can chết xử lý trách nhiệm như thế nào?
3.1. Trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại Điều 230 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì khi thuộc vào một trong các trường hợp dưới đây thì cơ quan điều tra phải tiến hành đình chỉ điều tra, cụ thể bao gồm:
- Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật Hình sự.
- Đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm,
Bên cạnh đó, theo khoản 7 Điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thì một trong các căn cứ không khởi tố vụ án hình sự được quy định là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.
Như vậy, có thể thấy, trường hợp bị can chết thì trách nhiệm hình sự được xử lý theo phương thức là cơ quan điều tra sẽ tiến hành thủ tục đình chỉ vụ án theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu trong trường hợp là Cơ quan điều tra nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự trong thời hạn 10 ngày, nếu xác nhận được người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết thì sẽ ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, trừ trường hợp vụ án vẫn có những người khác cần tái thẩm, điều tra làm rõ. Khi không khởi tố vụ án thì quyết định khởi tố bị can cũng không được ban hành.
3.2. Trách nhiệm dân sự
Theo quy định tại Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 quy định việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.
Nếu hành vi phạm tội của bị can đã mà chết gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường thiệt hại đó theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận các bên. Và những người thừa kế của bị can, bị cáo đã chết sẽ được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trách nhiệm của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan này được xác định như sau:
Nếu người chết là bị can để lại di sản thì di sản này sẽ được dùng để thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho người bị thiệt hại. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có trách nhiệm phối hợp giải quyết.
Nếu người chết là bị can để lại di sản trong đó có phần của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (như tài sản chung vợ chồng, tài sản chung với người khác) thì cơ quan tố tụng phải xác định phần tài sản của người chết là bao nhiêu thì phần đó là di sản và phải dùng để thực hiện nghĩa vụ của người chết là bị can đối với bị thiệt hại hại. Sau đó, nếu còn dư thì sẽ chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất như cha mẹ, vợ con.
Lưu ý: Nếu bị can đã chết không còn tài sản thì người bị thiệt hại không có căn cứ để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Người thân của người này không có nghĩa vụ phải bồi thường thay, trừ khi họ tự nguyện bồi thường thay người đã chết.
Trên đây là nội dung Công ty Luật TNHH Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc đối với nội dung “Bị can chết có phải bồi thường thiệt hại không?”. Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 – 0972.17.27.57 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.