Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

CHỨA CHẤP HOẶC TIÊU THỤ TÀI SẢN DO NGƯỜI KHÁC PHẠM TỘI MÀ CÓ BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

16:51 CH
Thứ Bảy 04/02/2023
 626

Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là hành vi khiến cho không ít các cơ quan nhà nước phải đau đầu do gây khó khăn trong quá trình điều tra. Đồng thời, nhiều người không hiểu được việc chứa chấp tài sản này là hành vi trái pháp luật. Bài viết dưới đây, Luật Sao Sáng sẽ phân tích một cách cụ thể về hành vi chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có.

1. Tài sản do người khác phạm tội mà có là gì?

Theo khoản 1 Điều 1 Thông tư liên tịch 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC, tài sản do người khác phạm tội mà có là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua).

Trong đó, tài sản bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản; bất động sản, động sản, hoa lợi, lợi tức, vật chính, vật phụ, vật chia được, vật không chia được, vật tiêu hao, vật không tiêu hao, vật cùng loại, vật đặc định, vật đồng bộ và quyền tài sản. (Khoản 3 Điều 1 Thông tư liên tịch 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC)

2. Dấu hiệu pháp lý tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

* Về mặt chủ thể

Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

* Về mặt khách thể

Hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội, đồng thời gián tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.

* Về mặt khách quan

- Hành vi khách quan

+ Căn cứ để xác định người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có không dựa vào giá trị tài sản mà họ chứa chấp, tiêu thụ.

Vì nếu người có được tài sản đó nhưng không phải là do người khác phạm tội mà có, hoặc có hành vi của người có tài sản đó thiếu một trong các yếu tố cấu thành tội phạm thì chưa gọi là tài sản do phạm tội mà có.

+ Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được chia thành hai hành vi sau đây:

(i) Hành vi chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có: Là việc một cá nhân biết rõ đây là tài sản có được từ việc phạm tội nhưng cầm, giữ, che giấu tài sản do người khác phạm tội mà có

(ii) Hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có: Là việc một cá nhân biết rõ đây là tài sản có được từ việc phạm tội nhưng vẫn mua để sử dụng hoặc vào mục đích mua bán khác để tiêu thụ tài sản này cho người phạm tội.

Do đó, tùy vào hành vi phạm tội mà người bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể chịu các tội danh khác nhau trong Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

- Hành vi phạm tội phải đáp ứng được các điều kiện sau đây:

(i) Không có sự hứa hẹn trước với người giao tài sản là sẽ chứa chấp hoặc sẽ tiêu thụ tài sản của người đó;

(ii) Khi nhận tài sản hoặc tiêu thụ tài sản thì mới biết rõ là do người giao tài sản phạm tội mà có được tài sản đó.

- Hậu quả của hành vi phạm tội: xâm hại đến quyền sở hữu tài sản của người bị hại, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý và truy cứu trách nhiệm hình sự.

* Về mặt chủ quan

- Yếu tố lỗi: Là lỗi cố ý trực tiếp, tức là người phạm tội biết rõ tài sản mà họ chứa chấp, tiêu thụ là tài sản do người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội mà có.

- Mục đích không phải yếu tố bắt buộc khi xác định có phạm tội này hay không.

3. Hình thức xử lý tội chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có

3.1. Xử lý hình sự

Người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), cụ thể như sau:

* Khung 1: Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

* Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

- Có tổ chức;

- Có tính chất chuyên nghiệp;

- Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

- Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

- Tái phạm nguy hiểm.

* Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:

- Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

- Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.

* Khung 4: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

- Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

- Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.

* Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

3.2. Xử lý hành chính

Trường hợp hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng chưa đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì người có hành vi mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. (Theo điểm d khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)

Bên cạnh đó, nếu người có hành vi vi phạm trên là người nước ngoài thì sẽ bị trục xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. (Điểm b khoản 3 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)

Ngoài ra, còn người có hành vi vi phạm còn phải buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ tài sản đó. (Điểm a khoản 4 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)

Trên đây là nội dung Luật Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về nội dung chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có bị xử lý như thế nào? Nếu có vấn đề nào còn thắc mắc hoặc cần được hỗ trợ vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.653.636 – 0986.864.314 để được tư vấn, hỗ trợ nhanh nhất.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .