Điều kiện tặng cho tài sản theo quy định của pháp luật
Tặng cho tài sản là một trong những giao dịch dân sự nói chung và hợp đồng dân sự nói riêng diễn ra phổ biến trong đời sống xã hội. Mặc dù vậy nhưng vẫn còn không ít các chủ thể chưa xác định đúng hoặc không hiểu rõ về các đặc điểm pháp lý của loại hợp đồng tặng cho. Sau đây xin mời quý độc giả hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để cùng làm rõ hơn về vấn đề này
I. Một số quy định về hợp đồng tặng cho:
1. Hợp đồng tặng cho là gì?
Theo quy định tại Điều 457 Bộ luật dân sự 2015 có nội dung sau đây:
“Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.”
Như vậy, ta nhận thấy về bản chất của hợp đồng tặng cho tài sản chính là sự chuyển giao quyền sở hữu cụ thể là các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Dân sự 2015 tài sản cho các chủ thể khác.
2. Đặc điểm pháp lí của hợp đồng tặng cho tài sản:
Hợp đồng tặng cho có các đặc điểm sau đây:
– Thứ nhất: Hợp đồng tặng cho tài sản là hợp đồng không có đền bù. Đặc điểm này được thể hiện ở việc một bên chuyển giao tài sản và quyền sở hữu tài sản cho bên được tặng cho còn bên được tặng cho không có nghĩa vụ trả lại bên tặng cho bất kì lợi ích nào.
– Hợp đồng tặng cho tài sản là hợp đồng thực tế. Khi bên được tặng cho nhận tài sản thì quyền của các bên mới phát sinh. Do vậy. mọi thỏa thuận chưa có hiệu lực khi chưa giao tài sản.
3. Điều kiện của hợp đồng tặng cho tài sản:
Điều kiện của hợp đồng tặng cho tài sản là bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ. Thời điểm phát sinh là trước hoặc sau khi thực hiện tặng cho. Như vậy, có hai trường hợp sau đây:
– Thứ nhất: Điều kiện phát sinh trước khi tặng cho. Theo đó, bên được tặng cho phải thực hiện nghĩa vụ trước thì hợp đồng tặng cho mới có hiệu lực.
– Thứ hai: Hợp đồng tặng cho đã có hiệu lực. Bên được tặng cho thực hiện nghĩa vụ sau khi được tặng cho.
4. Hình thức của hợp đồng tặng cho:
Hình thức của hợp đồng tặng cho phụ thuộc vào đối tượng của nó.
– Trong trường hợp đối tượng của hợp đồng tặng cho là động sản thì hợp đồng tặng cho có thể bằng miệng, văn bản.
– Trong trường hợp đối tượng của hợp đồng là tài sản phải đăng kí quyền sở hữu hoặc là bất động sản thì hình thức của hợp đồng tặng cho phải là văn bản có chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
5. Một số lưu ý của hợp đồng tặng cho:
Khi tiến hành hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện thì các bên cần lưu ý những nội dung sau:
– Thứ nhất: Bên tặng cho tài sản và bên được tặng cho tài sản phải là người có năng lực pháp luật dân sự và có năng lực hành vi dân sự.
Trong đó:
+ Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự quy định cụ thể tại Điều 16 Bộ luật dân sự 2015.
+ Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả ngăn của cá nhân bằng hành vi của xác lập, thực hiện quyền nghĩa vụ dân sự quy định cụ thể tại Điều 19 Bộ luật dân sự 2015.
+ Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự quy định cụ thể tại Điều 86 Bộ luật dân sự 2015.
– Thứ hai: Bên tặng cho tài sản và bên được tặng cho tài sản phải hoàn toàn tự nguyện tham gia vào hợp đồng tặng cho tài sản.
– Thứ ba: Điều kiện tặng cho tài sản là những điều cần thiết mà bên tặng cho tài sản cần đạt được. Các điều kiện đó là nghĩa vụ mà bên được tặng cho tài sản phải thực hiện.
Việc thực hiện nghĩa vụ là nghĩa vụ dân sự mà bên được tặng cho phải làm theo yêu cầu của bên tặng cho cụ thể như là chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá thực hiện một công việc hoặc không thực hiện một công việc nhất định.
Tuy nhiên, vẫn cần phải đảm bảo ràng buộc là điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
– Thứ tư: Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 vẫn chưa có các quy định cụ thể về việc xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện.
Khi giải quyết hợp đồng tặng cho các chủ thể nên tuân theo quy định về việc xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tại Điều 458 (về tặng cho động sản) và quy định tại Điều 459 (về tặng cho bất động sản) cụ thể có nội dung sau đây:
“Điều 458. Tặng cho động sản
1. Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Đối với động sản mà luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.”
“Điều 459. Tặng cho bất động sản
1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.
2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.”
Trên đây là nội dung Công ty Luật TNHH Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về Điều kiện tặng cho tài sản theo quy định của pháp luật. Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 – 0972.17.27.57 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.