Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Giám hộ là gì? Thủ tục đăng ký giám hộ

14:20 CH
Thứ Ba 15/11/2022
 606

Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là những đối tượng cần được bảo vệ, quan tâm chăm sóc thông qua hình thức giám hộ. Vậy giám hộ là gì? Ai là người được giám hộ, điều kiện để được người giám hộ là gì? Thủ tục đăng ký ra sao? Luật Sao Sáng xin gửi đến Quý bạn đọc bài viết làm rõ các vấn đề trên

Giám hộ là gì?

Theo quy định tại Điều 46 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: "Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ)".

Ai là người được giám hộ?

Theo Khoản 1 Điều 47 Bộ luật dân sự năm 2015, các đối tượng sau đây là người được giám hộ:

a) Người chưa thành niên (người chưa đủ 18 tuổi) không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;

b) Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;

c) Người mất năng lực hành vi dân sự;

d) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Điều kiện làm người giám hộ

Theo quy định, người giám hộ có thể là cá nhân hoặc pháp nhân. Điều kiện luật định để cá nhân hoặc pháp nhân được làm người giám hộ được quy định tại điều 49 và 50 Bộ Luật dân sự 2015 như sau:

Điều 49. Điều kiện của cá nhân làm người giám hộ

Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:

1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

2. Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

3. Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.

4. Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.

Điều 50. Điều kiện của pháp nhân làm người giám hộ

Pháp nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:

1. Có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ.

2. Có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

Giám hộ đương nhiên

Giám hộ đương nhiên là hình thức giám hộ do pháp luật quy định. Khi một người lâm vào tình trạng cần phải được giám hộ, đầu tiên cần phải xét đến người giám hộ đương nhiên. Bởi lẽ những người này là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng với người được giám hộ. Hơn ai hết họ là những người hiểu và sẵn sàng thực thiện việc giám hộ vì lời ích của người được giám hộ. Bộ luật dân sự 2015 quy định rất rõ về việc xác định người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên và người mất năng lực hành vi dân sự tại hai điều 52 và 53, cụ thể:

Điều 52. Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên

Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 47 của Bộ luật này được xác định theo thứ tự sau đây:

1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.

2. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.

3. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.

Điều 53. Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự

Trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:

1. Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.

2. Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.

3. Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.

Giám hộ cử, giám hộ do Tòa án chỉ định

Giám hộ cử là hình thức giám hộ trong trường hợp không thể xác định được người giam hộ đương nhiên theo quy định nêu trên. Để đảm bảo quyền lợi của người được giám hộ Ủy ban nhân dân xã đứng ra cử người thực hiện việc giám hộ theo trình tự luật định. Việc cử người giám hộ phải được sự đồng ý của người được của làm giám hộ và phải được lập thành văn bản. Trường hợp cử người giám hộ với người chưa thành niên đủ sáu tuổi trở lên phải xem xét nguyện vọng của người này

Trường hợp có tranh chấp giữa những người giám hộ đương nhiên hoặc tranh chấp về việc cử người giám hộ thì Tòa án chỉ định người giám hộ.

Ý nghĩa của giám hộ

Có thể thấy rằng những đối tượng được giám là những người có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của mình hạn chế hơn rất nhiều so với những người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự khác. Việc giám hộ được đặt ra để những đối tượng này được hưởng đầy đủ sự chăm sóc, giáo dục, cũng như được hưởng và thực hiện đầy đủ quyền lợi của họ một cách đầy đủ và trọn vẹn nhất. Quy định này của pháp luật cũng góp phần nâng cao trách nhiệm, xác định rõ trách nhiệm của những người thân thích trong gia đình, của người giám hộ với người được giám hộ. Đây là  khung pháp lý cần thiết cho việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ khi thực hiện giám hộ. Tựu chung lại đây là quy định phù hợp với truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ, chia sẻ với nhau trong hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt.

Thủ tục đăng ký giám hộ

Hiện nay, thủ tục đăng ký giám hộ hiên nay được quy định tại Điều 20, 21 Luật Hộ tịch năm 2014, và Quyết định 1872/QĐ-BTP ngày 04/9/2020 của Bộ Tư pháp. Theo đó, thủ tục đăng ký giám hộ được thực hiện qua các bước sau:

Chuẩn bị hồ sơ:

- Tờ khai đăng ký giám hộ theo mẫu;

- Văn bản cử người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự đối với trường hợp đăng ký giám hộ cử.

- Giấy tờ chứng minh điều kiện giám hộ đương nhiên theo quy định của Bộ luật dân sự đối với trường hợp đăng ký giám hộ đương nhiên. Trường hợp có nhiều người cùng đủ điều kiện làm giám hộ đương nhiên thì nộp thêm văn bản thỏa thuận về việc cử một người làm giám hộ đương nhiên.

- Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc đăng ký giám hộ. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải chứng thực.

- Hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân

Nộp hồ sơ:

Người có yêu cầu đăng ký giám hộ có thể tự mình trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện việc đăng ký giám hộ bằng một trong các hình thức: Nộp trực tiếp tại cơ quan; Gửi hồ sơ qua đường bưu điện hoặc gửi hồ sơ theo hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyển (nếu có).

Cơ quan thực hiện: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ hoặc người giám hộ thực hiện đăng ký giám hộ.

Giải quyết hồ sơ, nhận kết quả:

- Người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra ngay toàn bộ hồ sơ, xác định tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình; đối chiếu thông tin trong Tờ khai với giấy tờ trong hồ sơ.

- Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, người tiếp nhận hồ sơ viết giấy tiếp nhận, trong đó ghi rõ ngày, giờ trả kết quả; nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hoàn thiện thì hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định; trường hợp không thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngay thì phải lập thành văn bản hướng dẫn, trong đó nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung, hoàn thiện, ký, ghi rõ họ, tên của người tiếp nhận.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, nếu thấy yêu cầu đăng ký giám hộ đủ điều kiện theo quy định pháp luật thì công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đồng ý giải quyết thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký giám hộ, hướng dẫn người yêu cầu đăng ký hộ tịch kiểm tra nội dung Trích lục đăng ký giám hộ và Sổ đăng ký giám hộ, cùng người đi đăng ký giám hộ ký vào Sổ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Trích lục đăng ký giám hộ cho người yêu cầu.

Trên đây là nội dung Luật Sao Sáng gửi đến Quý bạn đọc về giám hộ và thủ tục đăng ký giám hộ. Nếu có vấn đề nào còn thắc mắc hoặc cần được hỗ trợ vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936 65 36 36 – 0972 17 27 57 để được tư vấn, hỗ trợ nhanh nhất.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .