HỢP ĐỒNG TẶNG CHO CÓ ĐIỀU KIỆN LÀ GÌ? QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN ĐƯỢC QUY ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO?
Việc tặng cho tài sản có thể không kèm điều kiện hoặc kèm theo một điều kiện nhất định. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho, điều kiện tặng cho không được trái luật, đạo đức xã hội
1. Thế nào là tặng cho tài sản có điều kiện?
Việc tặng cho tài sản có thể không kèm điều kiện hoặc kèm theo một điều kiện nhất định. Thuật ngữ pháp lý được sử dụng là hợp đồng tặng cho không có điều kiện (hoặc hợp đồng tặng cho thông thường) và hợp đồng tặng cho có điều kiện.
Điều kiện tặng cho được hiểu là một hoặc nhiều nghĩa vụ mà bên được tặng cho phải thực hiện trước hoặc sau khi nhận tài sản tặng cho. Thông thường, điều kiện tặng cho do bên tặng cho đưa ra và được sự chấp thuận của bên được tặng cho. Việc xác định điều kiện tặng cho phụ thuộc vào ý chí của các bên trong hợp đồng. Tuy nhiên, các bên không được phép thỏa thuận điều kiện mà vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Theo quy định tại Điều 462 Bộ luật dân sự 2015:
“Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.”
Ví dụ: A tặng cho B một mảnh đất với điều kiện B phải thực hiện đóng nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước mà A còn nợ đối với mảnh đất đó. Hoặc A tặng cho B một căn nhà với điều kiện là B phải cho A sống cùng trong ngôi nhà đó.
Trên thực tế, có nhiều trường hợp hiểu sai bản chất của điều kiện được tặng cho nên dẫn đến trong điều khoản quy định về điều kiện tặng cho trái quy định pháp luật.
Ví dụ: Ông A và Bà B muốn tặng cho con trai là anh C một mảnh đất với điều kiện Anh C phải đưa cho Ông A và Bà B số tiền 500.000.000 đồng. Về bản chất, đây là việc Ông A và Bà B chuyển nhượng cho Anh C cho nên phải lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mới đúng.
Có rất nhiều trường hợp bố mẹ muốn tặng cho con quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nhưng với điều kiện con không được chuyển nhượng, thế chấp, tặng cho người khác...Những điều kiện mà bên tặng cho tài sản đưa ra không đúng với quy định pháp luật vì nó hạn chế quyền năng của chủ sở hữu (quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt). Cho nên những điều kiện này không được đưa vào trong hợp đồng tặng cho tài sản.
Trong thực tế một số ngân hàng thường yêu cầu bên thế chấp phải xuất trình hợp đồng tặng cho tài sản (đối với tài sản có nguồn gốc nhận tặng cho) với lý do Ngân hàng xem xét trong Hợp đồng tặng cho tài sản đó bên tặng cho có đưa ra điều kiện là bên được tặng cho không được thế chấp hay không. Như vậy, bên tổ chức tín dụng đang hiểu sai về bản chất của hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện. Khi chủ sở hữu thực hiện các quyền của mình khi trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng không bị giới hạn thì họ có toàn quyền thực hiện những việc mà pháp luật không cấm.
2. Bên tặng không giao tài sản khi đã thực hiện điều kiện tặng cho phải làm gì?
Việc thực hiện điều kiện có thể tiến hành trước hoặc sau khi tặng cho tài sản phụ thuộc vào sự thống nhất ý chí của bên tặng cho và bên được tặng cho.
Theo quy định tại Điều 462 Bộ luật dân sự 2015:
“Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.”
Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện. Quy định này hoàn toàn phù họp với thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng tặng cho. Vì khi chưa chuyển giao tài sản thì hợp đồng tặng cho chưa phát sinh hiệu lực, do đó, mặc dù bên được tặng cho đã hoàn thành điều kiện thì bên tặng cho không bắt buộc phải chuyển giao tài sản mà thay vào đó bên tặng cho thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện. Việc thanh toán của bên tặng cho đối với bên được tặng cho thực chất là thanh toán các chi phí mà bên được tặng cho đã bỏ ra để thực hiện điều kiện.
Ví dụ: A thỏa thuận tặng B một đàn lợn với điều kiện B phải xây chuồng lợn. B xây chuồng lợn xong nhưng A không giao lợn cho B thì A có trách nhiệm phải thanh toán chi phí B đã bỏ ra để xây chuồng. Trên thực tế, việc tính toán những chi phí này phải dựa trên những hóa đơn, chứng từ hoặc những minh chứng cụ thể khác mà bên được tặng cho đưa ra để chứng minh cho khoản chi của mình là có thật và phù hợp.
3. Quyền đòi lại tài sản trong hợp đồng tặng cho có điều kiện
"Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại" (khoản 3 Điều 462 Bộ luật dân sự 2015)
"Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại."
Vì để nhận được tài sản thì bên được tặng cho phải hoàn thành điều kiện, do đó, nếu bên được tặng cho không thực hiện điều kiện đồng nghĩa với việc họ không được nhận tài sản và phải trả lại cho bên tặng cho. Thậm chí, nếu trong thời gian giữa tài sản, bên được tặng cho làm mất mát, hư hỏng tài sản thì còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên tặng cho.
4. Trách nhiệm khi tặng cho tài sản không thuộc sở hữu của người tặng cho
Tại Điều 457 Bộ luật dân sự 2015 định nghĩa về hợp đồng tặng cho đã khẳng định bên tặng cho giao tài sản của mình cho bên được tặng cho.
Điều 457. Hợp đồng tặng cho tài sản
Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.
Cụm từ "giao tài sản của mình” đã khẳng định nguyên tắc chung, tài sản tặng cho thuộc sở hữu của bên tặng cho. Tặng cho là hành vi định đoạt tài sản, do đó chỉ chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu ủy quyền mới được phép mang tài sản tặng cho người khác.
Điều 460 Bộ luật dân sự 2015 có quy định :
“Trách nhiệm do cố ý tặng cho tài sản không thuộc sở hữu của mình
Trường hợp bên tặng cho cố ý tặng cho tài sản không thuộc sở hữu của mình mà bên được tặng cho không biết hoặc không thể biết về việc đó thì bên tặng cho phải thanh toán chi phí để làm tăng giá trị của tài sản cho bên được tặng cho khi chủ sở hữu lấy lại tài sản.”
Chỉ áp dụng quy định này khi thỏa mãn các điều kiện sau đây:
- Bên tặng cho cố ý tặng cho tài sản không thuộc sở hữu của mình. Đây là trường hợp bên tặng cho biết tài sản không thuộc sở hữu của mình nhưng vẫn mang tặng cho người khác; còn nếu bên tặng cho không biết tài sản không thuộc sở hữu của mình (bên tặng cho ngay tình) thì không áp dụng quy định này;
- Bên được tặng cho không biết hoặc không thể biết về việc tài sản tặng cho không thuộc sở hữu của bên tặng cho (Bên được tặng cho ngay tình); còn nếu bên được tặng cho không ngay tình (biết được tài sản không phải của bên tặng cho nhưng vẫn nhận) thì bên được tặng cho không được chi trả phần chi phí đã bỏ ra để làm tăng giá trị của tài sản tặng cho.
Ví dụ: A ăn trộm dây chuyền của B, sau đó A mang tặng cho C (C ngay tình), C mang sợi dây chuyền ra hiệu vàng và gia công gắn thêm một đoạn dây (giống với kiểu dáng đoạn dây chuyền A tặng) vào sợi dây chuyền vì sợi dây chuyền A tặng hơi chật so với cổ C. Khi B đòi lại sợi dây, C có quyền yêu cầu A thanh toán chi phí để làm tăng giá trị của tài sản.
Cũng cần lưu ý thêm rằng, nếu phần tài sản do người được tặng đầu tư thêm để làm tăng giá trị của tài sản mà có thể tách ra được khỏi tài sản tặng cho thì khi người được tặng cho trả lại tài sản cho chủ sở hữu chỉ cần tách tài sản đó ra mà không áp dụng quy định này. Do đó, chỉ áp dụng quy định này khi phần đầu tư làm tăng thêm giá trị tài sản gắn liền với tài sản tặng cho mà không tách ra được.
5. Bên tặng cho có nghĩa vụ gì đối với bên nhận
Theo quy định tại Điều 461 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 461. Thông báo khuyết tật của tài sản tặng cho
Bên tặng cho có nghĩa vụ thông báo cho bên được tặng cho khuyết tật của tài sản tặng cho. Trường hợp bên tặng cho biết tài sản có khuyết tật mà không thông báo thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra cho người được tặng cho; nếu bên tặng cho không biết về khuyết tật của tài sản tặng cho thì không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Đồng thời với việc tặng cho tài sản, bên tặng cho có nghĩa vụ thông báo cho bên được tặng cho khuyết tật của tài sản tặng cho.Việc thông báo cho bên được tặng cho giúp cho bên tặng cho có những lưu ý cần thiết khi sử dụng tài sản, tránh những thiệt hại không may xảy ra từ chính những khuyết tật đó.
Trách nhiệm của bên tặng cho nếu tài sản tặng cho có khuyết tật mà gây ra thiệt hại được xác định như sau:
- Trường hợp bên tặng cho biết tài sản có khuyết tật mà không thông báo thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra cho người được tặng cho;
- Nếu bên tặng cho không biết về khuyết tật của tài sản tặng cho thì không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Thông thường, đối với những tài sản bên tặng cho đã sử dụng thì bên tặng cho là người nắm rõ về tình trạng tài sản, những khuyết tật của tài sản, do đó, bên tặng cho phải thông báo cho bên được tặng cho biết để họ sửa chữa, khắc phục khuyết tật hoặc có phương thức sử dụng hợp lý đối với tài sản. Trường hợp, tài sản tặng cho là tài sản mới (bên tặng mua tài sản tặng cho bên được tặng cho và bên tặng cho cũng chưa sử dụng) mà có khuyết tật, tài sản này gây ra thiệt hại cho bên được tặng cho hoặc chủ thể khác thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định khi viện dẫn và có xem xét đến trách nhiệm của bên bán tài sản trong hợp đồng mua bán.
Trên đây là nội dung Luật Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về quy định của pháp luật của hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện. Nếu có vấn đề nào còn thắc mắc hoặc cần được hỗ trợ vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 – 0972.17.27.57 để được tư vấn, hỗ trợ nhanh nhất.