Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

KINH DOANH HÀNG HÓA KHÔNG RÕ NGUỒN GỐC THÌ BỊ XỬ PHẠT NHƯ THẾ NÀO?

11:09 SA
Thứ Hai 04/12/2023
 374

Trong những năm qua, cùng với xu thế hội nhập kinh tế thế giới, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ có diễn biến ngày càng phức tạp, không chỉ gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia mà còn gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới. Nhiều nước trên thế giới đã có những giải pháp hữu hiệu nhằm đấu tranh, phòng chống nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng.

 

Tại Việt Nam, việc đấu tranh, phòng chống nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ được quy định bằng các văn bản quy phạm pháp luật. Theo khoản 13 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

I. Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là gì?

 

Căn cứ  theo điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đưa ra định nghĩa về hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ như sau:

3. Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.

Như vậy, nguồn gốc xuất xứ phải được thể hiện trên bao bì của sản phẩm, hoặc các loại giấy tờ khác có liên quan đến hàng hóa như chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng mua bán, hóa đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hơp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với các bên có liên quan. Hàng hóa nào không đáp ứng điều kiện này được coi là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

 

II. Mức xử phạt đối với hành vi kinh doanh hoàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ

 

1. Xử phạt hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

 

Căn cứ khoản 52 Điều 2 Nghị định 126/2021/NĐ-CP quy định như sau:

Mức phạt tiền đối với hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn hàng hóa; không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng ghi không đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa, hoặc bị thay đổi được quy định như sau:

+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị đến dưới 5.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị 100.000.000 đồng trở lên;

Lưu ý: Phạt tiền gấp 02 lần mức tiền phạt quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g và h khoản 52 Điều 2 Nghị định 126/2021/NĐ-CP trong trường hợp hàng hóa vi phạm là: lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng.

 

2. Xử lý hình sự đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ

 

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về Tội buôn lậu theo quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với hình phạt tù cao nhất lên đến 20 năm và có thể bị phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản cụ thể:

+ Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

+ Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

- Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

- Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

- Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tuy nhiên, để cấu thành tội buôn lậu phải đảm bảo đó là hành vi buôn bán trái phép qua biên giới các mặt hàng nói trên của người phạm tội là hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới để trao đổi trái với các quy định của pháp luật về xuất  nhập khẩu hàng hóa qua biên giới.

 

III. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như thế nào đối với hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ?

Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ được quy định tại khoản 14 điều 17 nghị định 98/2020/NĐ-CP là buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều này; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

 

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email luatsaosang@gmail.com hoặc thông qua hotline: 0936.65.36.36 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng

 

 

 

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .