NGƯỜI MẤT NĂNG LỰC HÀNH VI DÂN SỰ CÓ ĐƯỢC KẾT HÔN HAY KHÔNG?
Kết hôn là bước khởi đầu để hình thành nên gia đình. Hôn nhân là mối quan hệ một vợ một chồng sau khi đăng ký kết hôn. Mối quan hệ này dựa trên tình yêu nam nữ tự nguyện, bình đẳng đồng thời thể hiện nghĩa vụ và quyền lợi trên mặt pháp lý thông qua các yếu tố về xã hội, giới tính, tôn giáo. Tuy nhiên đối với những người bị mất năng lực hành vi dân sự thì việc kết hôn lại là một trở ngại và bị xem là kết hôn trái pháp luật. Vậy pháp luật Việt Nam hiện hành quy định như thế nào về việc kết hôn của người bị mất năng lực hành vi dân sự? Mời quý vị hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây!
Căn cứ pháp lý:
Bộ luật Dân sự năm 2015
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
Từ ngữ viết tắt:
BLDS: Bộ luật dân sự
HN&GĐ: Hôn nhân và gia đình
NLHVDS: Năng lực hành vi dân sự
1. Thế nào được coi là người bị mất năng lực hành vi dân sự?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 BLDS năm 2015: “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.”
Do đó, căn cứ để xác định một người bị mất NLHVDS là khi có quyết định của Tòa án tuyên người đó mất NLHVDS theo quy định của BLSD.
2. Quy định của pháp luật về việc kết hôn của người mất năng lực hành vi dân sự
Luật HN&GĐ năm 2014 không quy định cấm kết hôn đối với người mất NLHVDS mà chuyển đổi một cách linh hoạt có điều kiện: “Người kết hôn phải không bị mất năng lực hành vi dân sự” (Điểm c Khoản 1 Điều 8 Luật HN&GĐ năm 2014). Người kết hôn là người không bị mất NLHVDS do đó người bị mất NLHVDS sẽ không đủ điều kiện để kết hôn. Dưới góc độ pháp lý, khi nam nữ kết hôn trước hết họ phải thể hiện ý chí tự nguyện. Những người đang mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình thì không thể thể hiện ý chí chủa họ một cách đúng đắn được. Do đó không có căn cứ xác định sự tự nguyện khi kết hôn của họ.
Mặt khác, BLDS năm 2015 quy định: “Mọi giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự do người đại diện theo pháp luật xác lập và thực hiện". Trong khi đó, quan hệ hôn nhân và gia đình, đặc biệt là trong việc kết hôn không thể thực hiện việc đại diện, bởi quyền kết hôn và ly hôn là quyền nhân thân gắn với bản thân mõi người mà không thể chuyển giao, không thể ủy quyền cho người khác. Các nghĩa vụ làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ cũng sẽ không thể thực hiện được, điều đó làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các thành viên trong gia đình. Như vậy, xuất phát từ cơ sở khoa học và xã hội, pháp luật quy định không công nhận việc kết hôn của người bị mất NLHVDS. Việc kết hôn của những người mất NLHVDS là trái pháp luật và là căn cứ để Tòa án xem xét quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật đó khi họ kết hôn vào thời điểm mất NLHVDS.
Tuy nhiên, trên thực tế không phải trường hợp người bị mất NLHVDS nào cũng được Tòa án tuyên bố mất NLHVDS. Đây là điểm bất cập của quy định hiện hành. Thay vì quy định người mất NLHVDS không được kết hôn như pháp luật hện hành, thì nên quy định cụ thể hơn là cấm kết hôn đối với những người mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức được hành vi của mình. Như thế thì sẽ không rơi vào tình trạng người bị mất NLHVDS không được Tòa án tuyên mà vẫn được đăng kí kết hôn. Đồng thời, quy định như trên sẽ dễ dàng cho cán bộ hộ tịch trong việc xác định năng lực hành vi hành dân sự của người đăng kí kết hôn.
3. Đường lối xử lý trong trường hợp kết hôn người mất năng lực hành vi dân sự
Theo quy định nêu trên, người bị mất năng lực hành vi dân sự sẽ không đủ điều kiện để kết hôn. Do đó, cán bộ tư pháp của Ủy ban Nhân dân xã sẽ từ chối việc đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật.
Đối với trường hợp kết hôn trái pháp luật của người mất năng lực hành vi dân sự, nếu có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật thì Tòa án quyết định hủy. Tuy nhiên, có trường hợp tại thời điểm kết hôn họ mất NLHVDS, nhưng đến thời điểm có yêu cầu hủy việc hủy kết hôn trái pháp luật họ đã hồi phục, cuộc sống của họ bình thường, cả hai bên vẫn có nguyện vọng được tiếp tục chung sống, có yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án quyết định công nhận quan hệ hôn nhân đó kể từ thời điểm các bên kết hôn có đủ điều kiện kết hôn.
Trên đây là bài viết của chúng tôi về chủ đề người mất năng lực hành vi dân sự có được kết hôn hay không. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 – 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!