TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ KHI "BOM" HÀNG
Trong những năm trở lại đây mua sắm online đang trở thành xu hướng của người tiêu dùng Việt Nam. Đặc biệt dưới tác động của đại dịch COVID-19 càng thúc đẩy thói quen tiêu dùng này. Giờ đây các sàn thương mại điện tử dần trở thành người bạn đồng hành thân thiết, kênh mua bán thuận tiện cho cả người mua và người bán. Tuy nhiên kèm theo sự thuận tiện cũng xuất hiện nhiều tình huống oái oăm, dở khóc dở cười được cộng đồng mạng truyền tay nhau về việc “bom” hàng. Với những lý do cực kì khó đỡ như “đặt cho vui” “người nhận đã đi tù” hay bị “mất trí nhớ” … đang làm cho nhiều người cảm thấy bức xúc thay cho các chủ shop, người bán hàng online.
Vậy hành vi đặt hàng xong không nhận hay “bom” hàng của người mua có phải chịu hậu quả pháp lý hay không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu các quy định của pháp luật để có được câu trả lời rõ ràng nhất
Thứ nhất, việc đặt hàng trên mạng có phải là một hợp đồng mua bán?
Bằng việc sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính nhiều người đã thực hiện việc đặt hàng trên các trang thương mại điện tử hoặc là thông qua các livestream trên các nền tảng mạng xã hội. Vậy việc đặt hàng trên có thể được coi là đã giao kết một hợp đồng mua bán hay chưa?
Theo quy định của Điều 119 Bộ luật dân sự 2015 giao dịch thực hiện dưới dạng thông điệp điện tử thông qua phương tiện điện tử được ghi nhận là giao dịch bằng văn bản:
“Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.”
Như vậy bằng việc “chốt đơn” trên các trang thương mại điện tử, đây được coi là ký kết hợp đồng với người bán. Theo đó các bên sẽ phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, người bán sẽ có nghĩa vụ giao hàng còn người mua sẽ có nghĩa vụ nhận và trả tiền hàng đúng theo thỏa thuận.
Thứ hai, trách nhiệm dân sự khi “bom” hàng:
Hành vi “bom” hàng dù giá trị đơn hàng lớn hay nhỏ cũng là hành vi đã vi phạm pháp luật dân sự. Tuy nhiên trên thực tế người bom hàng sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào?
Như đã phân tích ở trên, một khi đã thực hiện đặt hàng, người mua đã chấp thuận một hợp đồng mua bán hàng hóa, kéo theo đó là nghĩa vụ phải nhận hàng và thanh toán đầy đủ cho bên bán. Một khi thực hiện hành vi “bom’ hàng tức là đã vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng mua bán hàng hóa. Theo Điều 360 Bộ luật dân sự 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ quy định “Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”. Đồng thời theo quy định tại Điều 419 Bộ luật dân sự 2015 quy định về bồi thường do vi phạm hợp đồng như sau:
Điều 419. Thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng
1. Thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều này, Điều 13 và Điều 360 của Bộ luật này.
2. Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.
3. Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc.
Như vậy chỉ cần người bán thực hiện khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền và chứng minh được thiệt hại mà người mua gây ra người mua sẽ phải bồi thường thiệt hại với hành vi “bom” hàng của mình.
Thứ ba, trách nhiệm hành chính, hình sự với hành vi “bom” hàng
Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có văn bản nào quy định trách nhiệm hành chính hay hình sự đối với hành vi “bom” hàng. Bởi lẽ đơn thuần đây là các giao dịch dân sự phụ thuộc vào ý chí của các bên. Mặc dù vậy hành vi “bom” hàng vẫn là hành vi không đẹp trong văn hóa mua bán, bị xã hội, cộng đồng lên án. Và có lẽ sự lên án của cộng đồng mạng, của xã hội chính mới chính là sự răn đe lớn nhất với những người cố tình “bom” và có sở thích “bom’ hàng.
Lời kết
Ngày nay việc mua bán càng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chỉ bằng một cái chạm tay, một cú click chuột là chúng ta có thể mua cho mình những mặt hàng ưng ý. Tuy nhiên việc cố tình bom hàng, thậm chí lấy việc đó trở thành thú vui là hành vi xấu đáng bị lên án. Hiện nay pháp luật Việt Nam chỉ quy định về trách nhiệm dân sự mà chưa có quy định về trách nhiệm hành chính và hình sự đối với hành vi trên. Để tránh tình trạng này, nhiều trang thương mại điện tử cũng đã có những hình thức khác nhau nhằm hạn chế tình trạng này như “chấm điểm” người mua hàng dành cho người bán. Biện pháp này góp phần làm giảm thiểu rủi ro cho người bán khi có thể biết được thái độ của người mua thông qua các lần đặt hàng trước đó. Hơn hết, hoạt động mua bán trực tuyến vẫn là hoạt động dân sự đơn thuần phụ thuộc vào ý chí của các bên. Cả người mua và người bán cần cẩn trọng và có trách nhiệm với hành vi mua bán của mình.