Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

NGỘ SÁT LÀ GÌ? NGƯỜI PHẠM TỘI NGỘ SÁT CÓ THỂ BỊ TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ THEO NHỮNG MỨC NÀO?

15:31 CH
Thứ Năm 16/11/2023
 886

Pháp luật hình sự Việt Nam quy định chế tài rất nghiêm khắc với những nhóm hành vi gây chết người. Tội ngộ sát là cách gọi thực tế của nhiều người về tội vô ý làm chết người, là một thuật ngữ pháp lý hình sự để chỉ hành vi giết người nhưng mục đích của hành vi được xem xét trên yếu tố lỗi vô ý. Cụ thể cấu thành tội ngộ sát ra sao, các mức truy cứu hình sự như thế nào,... sẽ được Luật Sao Sáng làm rõ cho quý độc giả qua bài viết sau đây!

Căn cứ pháp lý:

     Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS 2015).

I. Ngộ sát là gì?

     Hiện nay BLHS 2015 và pháp luật liên quan không có quy định cụ thể về khái niệm ngộ sát là như thế nào. Tuy nhiên, trong pháp luật hình sự thì ngộ sát là một thuật ngữ pháp lý dùng để nói về hành vi vô ý làm chết người.

     Cụ thể, ngộ sát (hay còn gọi là vô ý làm chết người) là hành vi gây ra hậu quả dẫn đến tính mạng của nạn nhân bị xâm hại, nhưng người thực hiện hành vi cho rằng hậu quả này sẽ không xảy ra hoặc người thực hiện hành vi không nhận thấy hành động của bản thân có thể dẫn đến hậu quả gây chết người.

     Cấu thành Tội Vô ý làm chết người theo Điều 128 BLHS 2015 bao gồm:

     - Chủ thể:

     Chủ thể của tội vô ý làm chết người là chủ thể thường. Nghĩa là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đều có thể là chủ thể của tội vô ý làm chết người. Căn cứ theo các quy định của pháp luật thì chủ thể của tội vô ý làm chết người phải có độ tuổi từ đủ 16 trở lên.

     - Khách thể:

     Khách thể của tội vô ý làm chết người là quan hệ nhân thân mà nội dung là quyền sống của con người. Đối tượng tác động của tội phạm này là con người.

     - Mặt chủ quan:

     Ý thức của người phạm tội là dấu hiệu đặc trưng để phân biệt giữa tội vô ý làm chết người và tội giết người. Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội của mình dưới hình thức lỗi do vô ý bao gồm cả vô ý do cẩu thả và vô ý do quá tự tin.

     + Làm chết người do lỗi vô ý vì cẩu thả là trường hợp thiếu cẩn trọng khi thực hiện hành vi mà người phạm tội không thành trước khả năng gây ra hậu quả chết người mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước.

     + Làm chết người do vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra và có thể ngăn ngừa được nhưng cuối cùng hậu quả đó vẫn xảy ra.

     - Mặt khách quan: Hành vi vô ý làm chết người được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động.

     + Vô ý làm chết người là trường hợp người phạm tội tuy thấy chính hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra còn có thể ngăn ngừa được hoặc người phạm tội không thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

     + Tội vô ý làm chết người là tội phạm có cấu thành vật chất, vì vậy hậu quả chết người xảy ra là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này. Nếu hậu quả chết người chưa xảy ra thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi vô ý.

     + Đối với tội vô ý làm chết người cần có mối quan hệ ràng buộc giữa hành vi vô ý và hậu quả chết người. Hậu quả của hành vi là nạn nhân chết xuất phát từ hành vi vô ý của người phạm tội gây ra.

II. Người phạm tội ngộ sát có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo những mức nào?

     Điều 128 BLHS 2015 quy định về hình phạt đối với Tội Vô ý làm chết người như sau:

1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.”

     Như vậy, theo quy định, người phạm tội ngộ sát có thể bị truy cứ trách nhiệm hình sự theo các mức sau đây:

- Khung cơ bản, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Khung tăng nặng, trường hợp phạm tội ngộ sát mà làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

     Đồng thời, căn cứ Điều 129 BLHS 2015 quy định về Tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính như sau:

1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

     Cũng là hành vi vô ý làm chết người nhưng trong trường hợp thứ hai này nhấn mạnh về nguyên nhân là xuất phát từ việc vi phạm các quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính gây nên. Khi đó người phạm tội ngộ sát do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính có thể bị truy cứ trách nhiệm hình sự theo các mức sau:

- Khung cơ bản, bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Khung tăng nặng, trường hợp phạm tội ngộ sát làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

- Bên cạnh mức phạt từ như trên thì còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

III. Tội ngộ sát theo pháp luật hình sự ở Hoa Kỳ.

     Luật Liên bang Mỹ chia tội giết người theo các mức độ.

     Giết người cấp độ I là hành vi có chủ đích, có kế hoạch của thủ phạm nhằm vào nạn nhân. Dấu hiệu cấu thành tội phạm gồm: người phạm tội cố ý, có cân nhắc và suy tính trước khi thực hiện hành vi giết người.

     Giết người cấp độ II là hành vi cố ý giết người nhưng không có kế hoạch. Bị đơn hành động nóng vội, không cân nhắc nhưng hiểu rõ hành vi của mình có thể gây nguy hiểm.

     Tội Ngộ sát tại Mỹ được xác định ở mức độ Giết người cấp độ III – Ngộ sát do lỗi vô ý. Tội phạm này không có cả ba yếu tố: cố ý, cân nhắc và suy tính. Tòa án sẽ phán quyết tội phạm này dựa trên yếu tố lỗi vô ý có tính chất tội phạm, tức là bị đơn đã vô ý không thực hiện một nghĩa vụ mà pháp luật quy định họ phải thực hiện.

     Chẳng hạn, bố mẹ có nghĩa vụ phải chăm sóc và bảo vệ con cái, nhưng do bất cẩn mà đã bỏ quên đứa trẻ nhỏ trên xe trong một ngày nóng bức và dẫn tới hậu quả.

     Lái xe sau khi uống bia rượu cũng được liệt vào tội phạm này. Người lái xe không có ý định giết người nhưng không quan tâm tới hậu quả có thể xảy ra khi say rượu mà vẫn điều khiển vô lăng.

IV. Người phạm tội ngộ sát trong trường hợp nào thì được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự?

     Theo quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS 2015, người phạm tội ngộ sát có thể được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong các trường hợp như sau:

- Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

- Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

- Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

- Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

- Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;

- Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;

- Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

- Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

- Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

-  Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;

- Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;

- Phạm tội do lạc hậu;

- Người phạm tội là phụ nữ có thai;

- Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;

- Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

- Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

- Người phạm tội tự thú;

- Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

- Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;

- Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

- Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;

- Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 – 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .