Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI HÀNH VI TIÊU THỤ TIỀN GIẢ

16:41 CH
Thứ Sáu 10/03/2023
 323

I. Tiền giả là gì?

Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định:

“Phát hành tiền giấy, tiền kim loại

1. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Ngân hàng Nhà nước bảo đảm cung ứng đủ số lượng và cơ cấu tiền giấy, tiền kim loại cho nền kinh tế.

4. Tiền giấy, tiền kim loại phát hành vào lưu thông là tài sản "Nợ" đối với nền kinh tế và được cân đối bằng tài sản "Có" của Ngân hàng Nhà nước.”

(Nguồn Internet)

Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định như sau:

“Các hành vi bị cấm

1. Làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả.

2. Huỷ hoại đồng tiền trái pháp luật.

3. Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành.

4. Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, tiền giả là tiền giống với tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhưng không phải Ngân hàng Nhà nưốc tổ chức in, đúc, phát hành. Hành vi tiêu thụ tiền giả là hành vi vi phạm pháp luật.

II. Hành vi sử dụng tiền giả mua hàng phạm tội gì?

Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:

“Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả

1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Như vậy, người có hành vi tiêu thụ tiền giả tuỳ vào tính chất và mức độ sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

III. Vô ý sử dụng tiền giả có vi phạm pháp luật không?

Việc chứng minh một người sử dụng tiền giả có lỗi hay không có lỗi thuộc thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng. Điều 10 và Điều 11 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về cố ý phạm tội và vô ý phạm tội như sau:

- Cố ý phạm tội:

+ Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;

+ Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, nhận thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

- Vô ý phạm tội:

+ Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

+ Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Đối với hành vi sử dụng tiền giả, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh được là người có hành vi tiêu tiền giả thuộc một trong các trường hợp: phải thấy trước và nhận thức được hành vi của mình sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội; thấy trước và nhận thức hành vi gây hậu quả nhưng mong muốn hoặc cố ý để mặc hậu quả; nhận thức và thấy trước hành vi gây hậu quả nhưng cho rằng không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa. Nếu không chứng minh được như trên, người có hành vi sử dụng tiền giả không bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật về tội lưu hành tiền giả theo Điều 207 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Như vậy, nếu hành vi phạm tội với lỗi cố ý hoặc vô ý thì có thể chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Ngược lại, nếu không có lỗi khi thực hiện hành vi này thì người đó không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trên đây là nội dung Công ty Luật TNHH Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về Quy định về hành vi tiêu thụ tiền giả. Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 - 0222.223.98.88 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .