TỐ GIÁC TỘI PHẠM VỀ LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN QUA MẠNG TRÊN ỨNG DỤNG VNEID
Với sự phát triển của công nghệ 4.0, đặc biệt là việc sử dụng rộng rãi ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNelD) đã trở thành một “kênh” tố giác tội phạm nhanh chóng, hiệu quả. Vậy hiện nay có thể tố giác tội phạm về lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng trên ứng dụng VNeID hay chưa vẫn là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm.
1. Tố giác tội phạm về lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng trên ứng dụng VNeID
Từ ngày 18/7/2022 ứng dụng VNeID được Bộ Công an đưa vào sử dụng cho công dân, theo đó ứng dụng VNeID là tên gọi tắt của định danh điện tử bởi Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư.
Hướng dẫn cách tố giác các hành vi phạm tội trên VNeID:
- Bước 1: Đăng nhập tài khoản vào ứng dụng VNeID trên điện thoại
- Bước 2: Tại giao diện chính, chọn "Dịch vụ khác" tố giác tội phạm trên VNeID
- Bước 3: Chọn "Kiến nghị, phản ánh về ANTT" => Tạo mới yêu cầu tố giác tội phạm trên VNeID
- Bước 4: Người dùng điển đầy đủ thông tin theo yêu cầu (chọn "Ẩn danh" nếu muốn giữ bí mật thông tin bản thân
- Bước 5: Xác nhận lại thông tin và gửi yêu cầu.
Để kiểm tra tình trạng xử lý, người dùng chỉ cần tìm đến mục Kiến nghị, phản ánh về ANTT.
2. Nộp đơn tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng ở đâu?
Theo khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định:
- Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau:
+ Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:
+ Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
+ Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
- Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:
+ Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;
+ Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;
+ Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.
Theo, Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định về trách nhiệm tiếp nhận, thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm như sau:
- Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm:
+ Cơ quan điều tra;
+ Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
+ Viện kiểm sát các cấp;
+ Các cơ quan, tổ chức quy định tại điểm b khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 gồm: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.
- Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm:
Các cơ quan quy định tại trên, trừ Đội An ninh ở Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Đội An ninh Công an cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình.
Đồng thời, khoản 4 Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thẩm quyền điều tra như sau:
Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.
Như vậy, khi nhận thấy dấu hiệu bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, người bị hại cần bình tĩnh và báo ngay với cơ quan chức năng có thẩm quyền để được xử lý.
Theo đó, người bị hại có thể nộp đơn tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng gửi đến các cơ quan điều tra nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) cấp quận, huyện, thị xã, viện kiểm sát các cấp; Tòa án hoặc các cơ quan khác tại nơi phát hiện tội phạm, xảy ra tội phạm hoặc nơi cư trú của người có hành vi phạm tội.
3. Trình tự thủ tục
Khi tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết, cần chuẩn bị hồ sơ gồm các giấy tờ sau:
- Đơn tố cáo;
- Đơn trình báo công an
- Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân của bị hại (bản sao công chứng);
- Chứng cứ kèm theo để chứng minh.
Lưu ý: Người tố cáo cần thu thập và lưu giữ các bằng chứng liên quan đến hành vi lừa đảo, các biên lai, giao dịch giữa hai bên. Trong đó, có thể sử dụng bằng chứng là các file ghi âm, ảnh chụp, video… để nộp cho cơ quan Công an.
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được đơn tố giác tội phạm, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định như: quyết định khởi tố vụ án hình sự; quyết định không khởi tố vụ án hình sự; quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Trường hợp vụ việc bị tố giác có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp lý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!