Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Tự ý đọc trộm tin nhắn của người khác bị xử lý như thế nào?

15:40 CH
Thứ Sáu 17/02/2023
 1390

Câu hỏi: Tôi đang thuê trọ cùng một người bạn. Vài ngày trước bạn có mượn laptop của tôi với mục đích học tập. Tuy nhiên, trong quá trình mượn, bạn tự ý vào đọc tin nhắn trong Messenger của tôi và chụp lại, sau đó gửi cho bạn bè, đem nội dung đoạn tin nhắn ra để bình phẩm. Tôi biết được và có góp ý với bạn nhưng bạn vẫn tiếp tục thực hiện hành động đó vào những lần sau. Luật sư cho hỏi: Đọc trộm tin nhắn có phải hành vi vi phạm pháp luật không? Và nếu vi phạm thì sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý như thế nào?

Trả lời:

Cảm ơn quý khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Sao Sáng. Đối với các yêu cầu tư vấn của quý khách, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, chúng tôi có một số trao đổi như sau:

1. Đọc trộm tin nhắn là hành vi xâm phạm đến quyền bí mật đời tư

Bí mật thư tín, điện thoại, điện tín hoặc các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác được ghi nhận là một trong những quyền cơ bản của công dân. Tuy nhiên, việc xâm phạm bí mật thư tín, điện thoại, điện tín vẫn diễn ra mỗi ngày nhưng không phải ai cũng nhận thức được rõ hậu quả pháp lý của hành vi này. Căn cứ theo quy định tại Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định về quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư:

“1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.

Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.”

Đồng thời tại Điều 38, Bộ luật dân sự 2015 quy định:

“1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Xã hội hiện đại ngày càng phát triển, hình thức của thư tín ngày một đa dạng hơn. Có thể ghi nhận bốn hình thức phổ biến của thư tín như sau:

- Thư viết trên giấy. Đây là loại thư tín cổ điển, thông tin được ghi nhận trên giấy có thể bằng chữ viết thông thường hoặc bằng một hệ thống kí hiệu quy ước giữa chủ thể gửi thông tin và chủ thể nhận thông tin (tương tự như mật mã).

- Thông tin có thể được chứa đựng trong băng, đĩa từ dưới dạng chữ viết, tiếng nói, hình ảnh hoặc cả ba;

- Thư được soạn thảo trên máy vi tính và gửi từ một địa chỉ điện tử đến một điạ chỉ điện tử khác, thông qua mạng Internet;

- Nhắn tin qua điện thoại, đây là việc để lại lời nhắn trên hộp thư thoại hoặc hộp tin nhắn của một số điện thoại. Lời nhắn trên hộp thư thoại tồn tại dưới dạng lời nói (lời độc thoại) được ghỉ âm; lời nhắn trên hộp tin nhắn được ghi nhận dưới dạng chữ viết hoặc các kí hiệu viết khác. Nhắn tin qua điện thoại cũng được coi là một loại thư tín, do lời nhắn, sau khi được ghi nhận, tồn tại độc lập với kí ức của người nhắn tin. Hiện nay các phần mềm tin nhắn phổ biến được đông đảo người dân sử dụng như: Zalo, Facebook Messenger, Instagram, Telegram, …

Trên thực tế, việc vợ chồng đọc trộm tin nhắn của người khác, cha mẹ đọc trộm tin nhắn của con, hay như trường hợp của bạn là bạn cùng phòng đọc trộm tin nhắn của bạn trên zalo, facebook,… trong giai đoạn hiện nay diễn ra rất nhiều. Căn cứ cụ thể vào những quy định pháp luật nêu trên, đọc trộm tin nhắn là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này thường được xem là hành động nhỏ nhưng trong một số trường hợp, nó để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Dựa vào mức độ hành vi cũng như hậu quả mà chủ thể là người thực hiện hành vi đọc trộm tin nhắn mà người đó sẽ có thể bị xử phạt về vi phạm hành chính hoặc thậm chí là chủ thể đó còn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

                   Tố bạn trai đọc trộm tin nhắn, cô gái không ngờ lại bị 'ném đá' vì 3 từ  khiếm nhã về mẹ chồng tương lai

2. Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi đọc trộm tin nhắn của người khác

a. Xử phạt hành chính đối với hành vi đọc trộm tin nhắn

Nếu hành vi của người đọc trộm tin nhắn không chỉ dừng ở mức độ xem trộm tin nhắn mà còn tiết lộ, phát tán những tin nhắn đó nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt như sau:

Theo quy định tại khoản 2, Điều 51, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi đọc trộm tin nhắn trong gia đình có thể bị xử phạt như sau:

“Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;”

Theo quy định tại điểm e, g, m, o, p khoản 3, Điều 102, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì mức xử phạt như sau:

“3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: 

e) Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật;

g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”

m) Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

o) Chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa trên mạng dưới bất kỳ hình thức nào;

p) Cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa trên mạng;

q) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật;”

Đối với điểm q, khoản 3 Điều 102, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, quy định xử phạt đối với hành vi nghe trộm các đoạn đàm thoại trên tin nhắn, đây cũng được coi là hành vi có tính chất mức độ nghiêm trọng tương tự hành vi đọc trộm tin nhắn.

b. Trách nhiệm hình sự đối với hành vi đọc trộm tin nhắn

Điều 159 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có quy định:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào;

b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông;

c) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật;

d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật;

đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;

đ) Làm nạn nhân tự sát.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi xâm phạm bí mật thư tín, điện thoại, điện tín,… đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà tiếp tục vi phạm thì có thể bị xử lý hình sự về Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác. Hành vi đọc trộm tin nhắn của người khác thỏa mãn các hành vi tại Điều 159 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự có thể phạt tiền đến 50.000.000 đồng hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù đến 3 năm.

Trên đây là tư vấn của Công ty Luật TNHH Sao Sáng. Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 – 0972.17.27.57 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .