Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Yêu cầu áp dụng biện pháp phong toả tài sản của người có nghĩa vụ

9:28 SA
Thứ Hai 04/04/2022
 383

Nhằm bảo vệ tài sản, sức khoẻ, chứng cứ,… đương sự có quyền yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, mà phổ biến là biện pháp phong toả tài sản của người có nghĩa vụ. Vậy pháp luật quy định như thế nào về biện pháp này?

1. Biện pháp phong toả tài sản là gì? 

Phong tỏa tài sản là một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Tòa án (tự mình hoặc theo yêu cầu của đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, cá nhân, cơ quan, tổ chức) áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự nhằm bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án.

Theo quy định tại Điều 126 BLTTDS 2015 thì phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc cho việc thi hành án.

2. Các trường hợp được áp dụng biện pháp phong toả tài sản 

Việc áp dụng biện pháp phong toả tài sản chỉ được thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện: 

  • Chỉ được áp dụng khi thực sự cần thiết, có hành vi vi phạm quyền lợi của người yêu cầu và có tính khẩn cấp;
  • Quyền và lợi ích liên quan của bên yêu cầu đang bị xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm;
  • Có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ: có tài khoản tại ngân hàng/ tổ chức tín dụng khác/ kho bạc nhà nước hoặc có tài sản đang gửi giữ hoặc có tài sản;
  • Có căn cứ cho thấy việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án;
  • Các thiệt hại có thể xảy ra nếu không phong tỏa phải lớn hơn so với thiệt hại sẽ xảy ra nếu áp dụng.

Bên cạnh đó, biện pháp phong tỏa tài sản chỉ được áp dụng đối với những tài sản, tài khoản có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện. Giá trị tương đương ở đây về nguyên tắc có thể hiểu một cách linh động là thấp hơn, bằng hoặc cao hơn không đáng kể so với nghĩa vụ phải thực hiện. 

Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP có hiệu lực ngày 01/12/2020 quy định tại khoản 2 Điều 12 như sau: “Tòa án chỉ được phong tỏa tài khoản, tài sản có giá trị bằng hoặc thấp hơn nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện”.

3. Trình tự yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp phong toả tài sản 

Người có yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp phong toả tài sản khẩn cấp tạm thời viết đơn yêu cầu đề nghị việc phong tỏa nhằm bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án. Đơn yêu cầu gồm các nội dung sau: 

  • Ngày, tháng, năm làm đơn;
  • Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu và người bị yêu cầu áp dụng việc phong tỏa tài sản;
  • Tóm tắt nội dung tranh chấp hoặc hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
  • Lý do cần phải áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản;
  • Ghi rõ biện pháp cần được áp dụng là Phong tỏa tài sản;
  • Các yêu cầu cụ thể khác.

Người yêu cầu phải cung cấp cho Tòa án các tài liệu chứng cứ (nếu có) để chứng minh sự cần thiết phải áp dụng biện pháp trên. 

Trên đây là thư tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng.

Trân trọng cám ơn!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .