Sử dụng pháo hoa hợp pháp, “nói không” với pháo lậu
Càng gần đến Tết Nguyên đán thì hoạt động tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo trái phép càng diễn ra phức tạp. Để ngăn chặn tình trạng này, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, “nói không” với các loại pháo lậu. Khi có nhu cầu, hãy sử dụng các sản phẩm pháo hoa (không gây tiếng nổ) hợp pháp. Vậy những loại pháo nào là hợp pháp? Sử dụng loại pháo nào là trái pháp luật? Mức phạt như thế nào khi mọi người vi phạm?
Người dân sử dụng pháo thế nào thì không vi phạm Pháp luật?
Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, người dân được phép sử dụng pháo hoa, cụ thể:
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định nghiêm cấm người dân nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ.
(Trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định 137/2020/NĐ-CP).
Mức xử phạt hành chính đối với hành vi đốt pháo
Căn cứ Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, mức xử phạt hành chính đối với các hành vi về quản lý, sử dụng pháo được quy định như sau:
- Phạt tiền từ 500.000đ đến 1.000.000đ đối với hành vi lưu hành các loại giấy phép về quản lý, sử dụng pháo hoa không còn giá trị sử dụng.
- Phạt tiền từ 1.000.000đ đến 2.000.000đ khi sử dụng các loại pháo mà không được phép.
- Phạt tiền từ 2.000.000đ đến 4.000.000đ đối với hành vi:
+ Trao đổi, mua bán, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp, làm hỏng các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng pháo hoa;
Đối với hành vi này còn có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng pháo hoa trong thời hạn từ 09 tháng đến 12 tháng.
+ Không thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền về việc mất các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng pháo hoa.
- Phạt tiền từ 5.000.000đ đến 10.000.000đ nếu sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo.
- Phạt tiền từ 20.000.000đ đến 40.000.000đ đối với hành vi mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép các loại pháo.
Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân theo điểm e khoản 2 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trách nhiệm hình sự với các hành vi vi phạm về sử dụng pháo
* Xử lý theo hành vi gây rối trật tự công cộng
Căn cứ Điều 318 Bộ luật hình sự 2015, người nào sử dụng pháo gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Đối với tội danh này, người phạm tội có thể bị phạt cao nhất đến 07 năm tù.
* Xử lý theo hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ
Theo quy định tại Điều 305 Bộ luật hình sự 2015 người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ có thể bị phạt tù từ 01 đến 05 năm, cao nhất có thể bị phạt tù từ 15 đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
* Xử lý theo hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm
Đối với các hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ nếu không thuộc trường hợp theo quy định tại Điều 305 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì sẽ bị truy cứu TNHS theo Điều 190 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm.
- Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật hình sự 2015, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
+ Sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
+ Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
+ Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
+ Sản xuất, buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
+ Sản xuất, buôn bán hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
+ Các hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa dưới mức quy định nêu trên nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật hình sự 2015 hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Mức phạt đối với các hành vi nêu trên có thể lên đến 15 năm tù. Ngoài ra, Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Nội dung tham khảo tại Thông tư liên tich 06/2008/TTLT-BCA_VKSNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 về hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi đốt pháo nổ, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo.
Xây dựng thói quen sử dụng pháo hoa hợp pháp
Để ngăn chặn tình trạng tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, sử dụng pháo trái phép, cần thiết phải đẩy mạnh các biện pháp kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn, quản lý thị trường, đấu tranh với các đường dây buôn lậu... Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, không sử dụng các sản phẩm pháo cấm, đồng thời đáp ứng nhu cầu chính đáng về sử dụng pháo của người dân trong những dịp lễ, Tết...
Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27-11-2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo nghiêm cấm các hành vi sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, mua bán, sử dụng pháo nổ, bao gồm cả pháo hoa nổ (trừ các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định). Đồng thời, nghị định cũng cho phép các cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa (không gây tiếng nổ) trong các dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị... Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Theo đại diện Nhà máy Z121 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng), hiện nay, nhà máy là cơ sở duy nhất được phép sản xuất, kinh doanh các loại pháo hoa (không gây tiếng nổ) phục vụ nhu cầu của người dân. Nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu đa dạng của khách hàng, nhất là trong những dịp lễ, Tết, xây dựng thói quen sử dụng các sản phẩm pháo hoa hợp pháp trong cộng đồng, góp phần ngăn chặn tình trạng sử dụng pháo trái phép, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhà máy đã đầu tư nghiên cứu sản xuất, kinh doanh nhiều loại pháo hoa với giá thành hợp lý trên nguyên tắc đặt lợi ích của cộng đồng, xã hội lên trên mục tiêu lợi nhuận.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện nay, Nhà máy Z121 đã tổ chức được gần 60 điểm bán sản phẩm pháo hoa ở hơn 50 tỉnh, thành phố trên cả nước. Sản phẩm của nhà máy khá đa dạng về chủng loại, bảo đảm về chất lượng, an toàn trong sử dụng, điển hình như các sản phẩm: Ống phun nước bạc, cánh hoa xoay, ống phun hoa lửa cầm tay, giàn phun viên, giàn phun hoa... Thời gian tới, nhà máy tiếp tục mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, sản lượng, đa dạng hóa chủng loại pháo hoa để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của khách hàng.
Trên đây là bài viết về sử dụng pháo hoa hợp pháp, các mức phạt, xử lý trách nhiệm hình sự mà BSL chúng tôi muốn gửi tới mọi người.
Trân trọng!