Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

THAY ĐỔI KẾT CẤU XE SẼ BỊ XỬ PHẠT RA SAO?

15:11 CH
Thứ Năm 02/03/2023
 256

Hiện nay, 1 bộ phận người trong xã hội khá ưa chuộng việc “Độ” những chiếc xe của mình lên (hay còn gọi là thay đổi kết cấu xe). Luật Giao Thông đường bộ thì chưa giải thích cụ thể thế nào là thay đổi kết cấu xe, tuy nhiên chúng ta có thể hiểu đơn giản thay đổi kết cấu xe là việc thay đổi kết cấu để xe đẹp hơn, độc lạ hơn, lắp ráp thêm, thay đổi các bộ phận ban đầu của xe khiến cho chiếc xe không còn hiện trạng như ban đầu, không giống với thiết kế của nhà sản xuất.Vậy việc thay đổi kết cấu xe này có vi phạm pháp luật hay không? Vấn đề này đang được luật quy định như thế nào?

I. Căn cứ pháp lý

Tại Điều 55 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về bảo đảm quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ như sau:

“1. Việc sản xuất, lắp ráp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng và nhập khẩu xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ phải tuân theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Không được cải tạo các xe ô tô khác thành xe ô tô chở khách.

2. Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.”

Theo quy định trên, việc sản xuất, lắp ráp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng và nhập khẩu xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ phải tuân theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Do đó, kết cấu của xe là thứ đã được thông qua phê chuẩn, phê duyệt, được sự công nhận của pháp luật. Căn cứ vào quy định trên thì chủ phương tiện không được phép tự thay đổi kết cấu của xe làm thay đổi thiết kế của xe đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Nếu như chủ phương tiện thực hiện thay đổi kết cấu xe thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật, cụ thể là theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

(Nguồn Internet)

II, Lỗi thay đổi kết cấu xe sẽ bị xử phạt bao nhiêu?

1. Đối với lỗi thay đổi kết cấu của xe máy

Điểm c Khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:

“ 5. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

c) Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe;”

Căn cứ vào quy định trên thì nếu chủ phương tiện tự ý thay đổi khung, máy, hình dạng, kích thước, đặc tính của xe so với kết cấu ban đầu thì sẽ bị xử phạt như sau:

Đối với cá nhân là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô: phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng;

Đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô: phạt tiền từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng.

2, Lỗi thay đổi kết cấu xe ô tô

Điểm a Khoản 9 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:

“ 9. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Tự ý thay đổi tổng thành khung, tổng thành máy (động cơ), hệ thống phanh, hệ thống truyền động (truyền lực), hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế đã đăng ký với cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe;”

Theo quy định trên thì hành vi vi phạm lỗi tự ý thay đổi kết cấu của xe ô tô bao gồm:

Đổi tổng thành khung;

Đổi tổng thành máy (động cơ);

Đổi hệ thống phanh;

Đổi hệ thống truyền động (truyền lực);

Đổi hệ thống chuyển động;

Tự ý thay đổi tính năng của xe

Lỗi thay đổi kết cấu xe ô tô sẽ đối với cá nhân bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng

Đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô phạt từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng.

3, Lỗi thay đổi kết cấu pô xe máy phạt bao nhiêu?

Việc thay đổi kết cấu pô xe là nhằm mục đích làm cho tiếng nổ của xe to hơn, gây sự chú ý. Từ thông dụng chúng ta vẫn thường nghe đó là “độ pô xe”.

Độ pô xe là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật giao thông đường bộ 2008. Cụ thể Điều 8 Luật này quy định về các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm cả hành vi lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng các thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới. Đồng thời nghiêm cấm việc sử dụng thiết bị âm thanh dẫn đến gây mất trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông.

Như vậy, hành vi độ pô xe máy nhằm tạo âm thanh to hơn so với thiết kế của nhà sản xuất là hành vi bị nghiêm cấm và sẽ bị xử phạt theo điểm c, khoản 5, điều 30 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.

Theo đó, với hành vi tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe sẽ bị phạt tiền:

- Cá nhân phạt từ 800.000 đồng – 2 triệu đồng

- Tổ chức bị phạt từ 1,6 triệu – 4 triệu đồng.

Bên cạnh đó, nếu gây tiếng ồn ảnh hướng đến người xung quanh còn bị xử phạt theo điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Cụ thể:

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau;”

Hình phạt bổ sung với hành vi này là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Ngoài ra, nếu vi phạm quy định về chuẩn tiếng ồn thì người vi phạm cũng có thể bị xử phạt theo Điều 22 Nghị định 45/2022/NĐ-CP với mức phạt cao nhất lên đế 160 triệu đồng.

3. Lỗi thay đổi kết cấu xe có bị tạm giữ xe không?

Bên cạnh việc bị phạt tiền, người Điều khiển phương tiện tham gia giao thông thực hiện các hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một số hình thức xử phạt bổ sung như sau đây:

-Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng theo điểm a Khoản 3 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP

-Tịch thu phương tiện tham gia giao thông, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng Điểm b Khoản 3 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Như vậy, hành vi thay đổi kết cấu của xe mà không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền là hành vi nguy hiểm dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến tai nạn giao thông đường bộ, đe dọa tính mạng và tài sản của chính chủ phương tiện nói riêng và cả người những người khác, điều này đã được thực tế chứng minh khi số vụ tai nạn giao thông, đua xe trái phép, cướp đi tính mạng, sức khỏe của rất nhiều người. Do đó hành vi vi phạm liên quan đến phương tiện giao thông nói riêng và hành vi thay đổi kết cấu của xe nói chung cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc.

Trên đây là nội dung Công ty Luật TNHH Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về mức xử phạt đối với Lỗi thay đổi kết cấu xe. Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 – 0222.223.98.88 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .