Tình trạng nhà thầu thi công chậm tiến độ, chủ đầu tư có thể xử lý như thế nào?
Trong việc ký kết hợp đồng thi công xây dựng, nhà thầu phải bảo đảm tiến độ cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến việc thi công chậm tiến độ. Việc này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của chủ đầu tư. Như vậy, trong trường hợp nhà thầu thi công chậm tiến độ thì chủ đầu tư có thể lựa chọn cách xử lý như thế nào? Bài viết này sẽ đề cập đến những vấn đề pháp lý liên quan đến việc thi công chậm tiến độ và giải pháp mà chủ đầu tư có thể áp dụng.
1. Chủ đầu tư có thể xử lý như thế nào sau khi nhà thầu thi công chậm tiến độ
Trường hợp nhà thầu thi công chậm tiến độ, chủ đầu tư có thể áp dụng một, một số hoặc toàn bộ các biện pháp xử lý sau đây:
a) Tạm dừng hoặc chấm dứt thực hiện Hợp đồng
Theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư có quyền tự thực hiện thi công xây dựng công trình nếu có đủ năng lực hoạt động thi công xây dựng công trình. Tuy nhiên, trên thực tế, chủ đầu tư thường lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng. Việc thi công sẽ được thực hiện trên cơ sở các bên ký kết hợp đồng thi công xây dựng.
Căn cứ theo điểm c khoản 2 Điều 113 Luật Xây dựng 2014, nhà thầu có trách nhiệm đảm bảo chất lượng, tiến độ thi công. Trong trường hợp nhà thầu thi công chậm tiến độ, căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 145 Luật Xây dựng 2014, bên giao thầu có quyền tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng khi bên nhận thầu không đáp ứng yêu cầu về tiến độ theo hợp đồng đã ký kết. Như vậy, chủ đầu tư có thể tạm dừng thực hiện hợp đồng mà không cần phải có hành vi vi phạm hay lỗi của bên nhận thầu.
Căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 145 Luật Xây dựng 2014, nếu việc thi công bị chậm tiến độ là do bên nhận thầu từ chối hoặc liên tục không thực hiện công việc theo hợp đồng thì bên giao thầu có quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng thi công. Trong đó, bên giao thầu có thể là chủ đầu tư hoặc đại diện của chủ đầu tư hoặc tổng thầu hoặc nhà thầu chính; bên nhận thầu là tổng thầu hoặc nhà thầu chính khi bên giao thầu là chủ đầu tư, là nhà thầu phụ khi bên giao thầu là tổng thầu hoặc nhà thầu chính.
Tóm lại, nếu chủ đầu tư trực tiếp ký hợp đồng thi công xây dựng với nhà thầu chính và nhà thầu chính không chuyển nhượng công việc cho nhà thầu phụ thì chủ đầu tư sẽ là bên giao thầu và nhà thầu chính là bên nhận thầu. Chủ đầu tư có quyền tạm dừng hoặc chấm dứt hợp đồng thi công đối với nhà thầu, tùy theo việc chậm tiến độ có hay không có hành vi vi phạm hoặc lỗi của nhà thầu. Trong trường hợp chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng thi công, chủ đầu tư có quyền ký hợp đồng với một nhà thầu mới tiếp tục thực hiện thi công xây dựng để đảm bảo tiến độ của dự án.
b) Yêu cầu nhà thầu bồi thường thiệt hại
Căn cứ vào điểm a khoản 3 Điều 146 Luật Xây dựng 2014, bên nhận thầu phải bồi thường thiệt hại cho bên giao thầu khi chất lượng công việc không bảo đảm với thỏa thuận trong hợp đồng hoặc kéo dài thời hạn hoàn thành do lỗi của bên nhận thầu gây ra.
Như vậy, trường hợp nhà thầu có lỗi khiến cho tiến độ thi công dự án chậm, kéo dài thời hạn hoàn thành thì chủ đầu tư có quyền yêu cầu nhà thầu bồi thường thiệt hại. Việc bồi thường thiệt hại không cần phải được ghi trong hợp đồng.
c) Phạt hợp đồng đối với nhà thầu
Chủ đầu tư có quyền yêu cầu nhà thầu chịu phạt hợp đồng xây dựng nếu các bên có thỏa thuận và ghi trong hợp đồng điều kiện và mức phạt hợp đồng.
Căn cứ vào khoản 2 Điều 146 Luật Xây dựng 2014, đối với các công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Còn đối với các công trình không sử dụng vốn nhà nước, mức phạt hợp đồng được áp dụng theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng.
2. Phòng tránh rủi ro việc nhà thầu thi công chậm tiến độ trước khi ký Hợp đồng
Tại phần 1 của bài viết, chúng tôi đã nêu ra các căn cứ pháp lý cũng như cách xử lý cho chủ đầu tư khi nhà thầu không đảm bảo tiến độ thi công dự án. Tuy nhiên, việc phòng tránh rủi ro ngay từ ban đầu luôn đem lại lợi ích lớn hơn so với việc xử lý, khắc phục hậu quả. Vì thế, với kinh nghiệm của BSL chúng tôi, các chủ đầu tư cần lưu ý để có thể ngăn chặn việc xảy ra tình huống này bằng cách:
- Quy định rõ trong hợp đồng về tiến độ của từng giai đoạn thi công;
- Quy định mức phạt, bồi thường thiệt hại, các trường hợp tạm ngừng hoặc chấm dứt thực hiện hợp đồng nếu nhà thầu thi công chậm tiến độ tương ứng với từng giai đoạn;
- Việc nhà thầu thi công chậm tiến độ diễn ra rất phổ biến trên thực tế. Có trường hợp chậm do nguyên nhân khách quan, cũng có trường hợp do nguyên nhân chủ quan. Để bảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của mình, chủ đầu tư nên xem xét mọi nguyên nhân có thể dẫn tới việc thi công chậm tiến độ để từ đó quy định các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả thích hợp ngay trong hợp đồng.
Trên đây là bài viết về việc nhà thầu thi công chậm tiến độ so với hợp đồng thi công xây dựng đã ký với chủ đầu tư. Hy vọng bài viết này có ích với bạn.
Trân trọng!