Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Vai trò của Đại hội đồng cổ đông nhìn từ vụ Telio thua kiện

0:35 SA
Thứ Tư 23/06/2021
 657

Tranh chấp về quyền lực, sự khác biệt trong quan điểm điều hành và mục tiêu, mục đích kinh doanh là những vấn đề “nan giải” điển hình đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Do đó, để hạn chế tranh chấp trong doanh nghiệp, đặc biệt là đối với công ty cổ phần, cần nâng cao vai trò của Đại hội đồng cổ đông và ưu tiên các biện pháp thương lượng, hòa giải trước khi các bên bước vào quá trình khiếu kiện kéo dài nhiều năm.

Từ vụ án Telio thua kiện: khi cổ đông “qua mặt” Hội đồng quản trị...

Mới đây, tờ Tech in Asia đưa tin, Tòa án cấp cao Singapore đã yêu cầu nhà sáng lập kiêm CEO công ty trách nhiệm hữu hạn Telio (Telio) - ông Bùi Sỹ Phong, chuyển nhượng cổ phần tại Telio cho công ty cũ của ông là OnOnPay Pte Ltd (OOPA) có trụ sở tại Singapore.

Bản án công bố ngày 16/6/2021 cho biết, ông Bùi Sỹ Phong xin Hội đồng quản trị (HĐQT) của OOPA thành lập Telio tại Việt Nam vào năm 2018. Telio được sử dụng các nguồn lực của OnOnPay, gồm nhân lực và mạng lưới kinh doanh để phát triển mảng thương mại điện tử theo hình thức B2B. OnOnPay đã vận hành dịch vụ top-up (dịch vụ nạp thẻ điện thoại trực tuyến cho khách hàng có tài khoản ngân hàng) và ví điện tử ở Việt Nam nhưng cả hai đều không thành công.

Sau đó, ông Phong liên hệ với các nhà đầu tư tiềm năng và Telio trở thành một trong 17 công ty nằm trong chương trình tăng tốc khởi nghiệp Surge – một chương trình được quỹ đầu tư khổng lồ Sequoia India khởi xướng hồi đầu năm 2019 dành cho các công ty khởi nghiệp tại Ấn Độ và Đông Nam Á. Tuy nhiên, ông Phong không thông báo hoạt động gọi vốn cho các cổ đông của OOPA. Ngày 19/12/2019, ông Phong đã huy động được hơn 25 triệu USD cho Telio từ các nhà đầu tư gồm Tiger Global, Sequoia Capital, GGV Capital và RTP Global khi tham gia chương trình accelerator (nơi tiếp nhận những ý tưởng sơ khai, sau đó sàng lọc thật kỹ và lựa chọn ra những ý tưởng hay dự án tiềm năng, hay còn gọi là các hạt giống). "Các giám đốc khác của OOPA không hề biết về mối liên quan giữa Telio và Surge mãi cho tới sau khi Surge thực hiện đầu tư", Thẩm phán Jeyaretnam cho hay.

OOPA đã đưa ra một kế hoạch hành động nhằm đòi quyền lợi của họ đối với Telio nhưng không được giải quyết. Do đó, OOPA đành phải đâm đơn kiện vào ngày 6/9/2019. Thẩm phán khẳng định: "Vấn đề không phải là việc ông Phong cho các nhà đầu tư OOPA cổ phần miễn phí trong Telio, mà vấn đề là Telio thuộc về OOPA".

Ngoài ra, ông Phong phải bồi thường cho OOPA số tiền 233.000 SGD, tương đương 174.000 USD (khoảng 4 tỷ đồng). Bản thân ông Bùi Sỹ Phong - chứ không phải công ty Telio - phải trả số tiền này. Đây là quyết định nằm trong bản án dài 38 trang của Tòa án cấp cao Singapore, công bố kết quả về vụ kiện giữa ông Bùi Sỹ Phong và OOPA.

Vụ kiện kéo dài trong 02 năm với nhiều câu hỏi vì sao khi các nhà đầu tư tiến hành thẩm định trước khi “rót” vốn lại không phát hiện được hồ sơ nội bộ của Telio có vấn đề khi thiếu ý kiến của Hội đồng quản trị OOPA đối với việc gọi vốn của công ty con? Ngược lại, Hội đồng quản trị của OOPA ở đâu khi ông Phong công khai đưa Telio tham gia chương trình gọi vốn?

…đến những tranh chấp điển hình trong công ty cổ phần…

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện nay, công ty cổ phần phải có tối thiểu 03 cổ đông. Cá nhân/ tổ chức được công nhận là cổ đông công ty cổ phần kể từ khi được ghi tên trong sổ đăng ký cổ đông. Cổ đông có quyền kiểm tra, tra cứu, trích lục, sao chép tên và địa chỉ liên lạc của cổ đông công ty trong sổ đăng ký cổ đông.

Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông được lập dựa trên sổ đăng ký cổ đông của công ty. Công ty càng có nhiều cổ đông, tranh chấp phát sinh càng nhiều và phức tạp. Do đó, cần phân nhóm các loại tranh chấp để tìm kiếm nguyên nhân và cách giải quyết vấn đề phù hợp, cụ thể:

- Theo đối tượng tham gia tranh chấp:

(i) Tranh chấp giữa nhóm cổ đông góp vốn và nhóm cổ đông trực tiếp quản lý, điều hành doanh nghiệp;

(ii). Tranh chấp giữa các cổ đông về việc góp vốn, chuyển nhượng cổ phần;

(iii). Tranh chấp giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước.

- Theo khách thể tranh chấp:

(i). Quyền tham dự cuộc họp ĐHĐCĐ của cổ đông phổ thông;

(ii). Quyền được ưu tiên mua cổ phần mới chào bán của cổ đông phổ thông;

(iii). Trình tự, thủ tục triệu tập, họp và thông qua quyết định của ĐHĐCĐ;

(iv). Chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập;

(v). Phân chia lợi nhuận, công  nợ chung;

(vi). Bầu bãi miễn thành viên HĐQT; bổ nhiệm/ thay thế người đại diện theo pháp luật do quyết định vượt thẩm quyền hoặc không thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ, Luật Doanh nghiệp.

(vii) Huy động vốn cho doanh nghiệp

Nhìn chung, các tranh chấp bắt nguồn từ một số nguyên nhân như: sự thiếu hiểu biết các quy định trong Luật Doanh nghiệp về công ty cổ phần; sự tranh chấp quyền lợi giữa các cổ đông; từ cơ cấu tổ chức và quản lý doanh nghiệp,…

…và vai trò của Đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần

Về tổ chức quản lý đối với công ty cổ phần, Điều 137, Luật Doanh nghiệp quy định có hai mô hình như sau:

Mô hình thứ nhất, gồm: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;

Mô hình thứ hai, gồm: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị. Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm toán quy định tại Điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động của Ủy ban kiểm toán do Hội đồng quản trị ban hành.

Theo đó, chúng ta biết rằng cơ quan có quyền quyết định cao nhất trong công ty cổ phần là đại hội đồng cổ đông. Tất cả cổ đông đều có quyền biểu quyết đối với các quyết định về các vấn đề quan trọng nhất của công ty như thông qua điều lệ công ty, cơ cấu bộ máy tổ chức, ban giám đốc, việc bầu, miễn nhiệm các chức danh quản lý, điều hành, quyền hạn của tổng giám đốc...

Quay trở lại vụ việc Telio thua kiện OOPA. Ở đây, các nhà đầu tư/cổ đông nước ngoài của công ty OOPA đã quản lý các công ty thành viên bằng cách thực thi các quyền hạn của cổ đông (*). Trong khi đó, Telio được được hình thành và phát triển từ đội ngũ của OnOnPay và trong quá trình hoạt động OnOnPay nên nó là tài sản của OOPA. Thêm nữa, Telio là một đối tượng đang được các giám đốc/cổ đông của OOPA thảo luận và hướng về việc OOPA sẽ sở hữu công ty mới thành lập trên nền tảng Telio, do đó, Telio là một kế hoạch/dự án kinh doanh của OOPA. Đây là hai cơ sở phía OOPA đưa ra và đã được Tòa án cấp cao Singapore chấp thuận.

Như vậy, OOPA đã sử dụng quyền quản trị, điều hành công ty của Hội đồng cổ đông để khởi kiện Telio ra Tòa án. Những quyền này có nhiều điểm tương đồng với quyền của Đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần ở nước ta như: Thông qua định hướng phát triển của công ty; xem xét, xử lý vi phạm của thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên gây thiệt hại cho công ty và cổ đông công ty,...

Sự tranh chấp về quyền lực, sự khác biệt trong quan điểm điều hành và mục tiêu, mục đích kinh doanh là những vấn đề “nan giải” điển hình đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Việc tranh chấp giữa Telio và OOPA kéo dài 02 năm cho chúng ta thấy thời gian giải quyết một vụ án thường kéo dài. Trong một vụ án dân sự nói chung, xét về lý thuyết quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự, thì thời gian giải quyết xét xử giai đoạn sơ thẩm là bốn tháng, thời gian giải quyết xét xử giai đoạn phúc thẩm là hai tháng. Nhưng đối với nhiều vụ án phức tạp như trong vụ án tranh chấp giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (TNH) với bị đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo - cổ đông sáng lập kiêm Phó giám đốc thường trực kiêm Phó chủ tịch Hội đồng quản trị TNH, chỉ riêng giai đoạn phúc thẩm đã kéo dài hơn ba năm.

Do đó, để hạn chế tranh chấp trong doanh nghiệp, đặc biệt là đối với công ty cổ phần, cần nâng cao vai trò của Đại hội đồng cổ đông bằng cách:

- Thực hiện đúng và đủ các quyền và nghĩa vụ Đại hội đồng cổ đông theo quy định tại Điều 138, Luật Doanh nghiệp;

- Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa Đai hội đồng cổ đông và các bộ phận, chức danh quản lý khác trong doanh nghiệp;

- Lựa chọn kĩ đối tác và có những cam kết ràng buộc đối với cổ đông góp vốn;

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các hoạt động của đơn vị mà doanh nghiệp có vốn góp;

- Cổ đông cần hiểu và thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong quản lý hoạt động của doanh nghiệp.

Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong pháp luật về doanh nghiệp là bảo đảm quyền tự do, tự chủ trong hoạt động kinh doanh. Không ai, không tổ chức nào có quyền can thiệp vào quyền tự chủ của doanh nghiệp. Vì vậy, đối với các tranh chấp trong doanh nghiệp, Luật Sao Sáng đề xuất Quý khách hàng ưu tiên phương thức thỏa thuận, hòa giải và khởi kiện luôn là biện pháp được lựa chọn cuối cùng.

(*) Singapore không có loại hình công ty cổ phần, chỉ có các loại hình doanh nghiệp sau:

  • Doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp một chủ)
  • Hợp danh
  • Công ty: Công ty trách nhiệm hữu hạn theo cổ phiếu, Công ty trách nhiệm hữu hạn theo bảo lãnh, Công ty trách nhiệm vô hạn.

Xét theo đặc điểm từng loại hình, công ty trách nhiệm hữu hạn theo cổ phiếu có cơ cấu tổ chức, quyền và nghĩa vụ của Hội đồng quản trị công ty gần giống với công ty cổ phần ở Việt Nam. 

Công ty luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi liên quan đến lĩnh vực doanh nghiệp để tư vấn cho Quý khách hàng những phương án tối ưu và hiệu quả. Trân trọng!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .