Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Điều kiện thành lập doanh nghiệp theo quy định hiện hành

10:23 SA
Thứ Sáu 29/10/2021
 630

Để có thể đi vào hoạt động, một doanh nghiệp cần đáp ứng được những điều kiện, quy định mà pháp luật đề ra. Điều này có ý nghĩa trên nhiều phương diện, có thể kể đến như việc xác lập tính chính danh cho Doanh nghiệp trên thương trường, tạo dựng niềm tin đối với khách hàng,... và đối với Nhà nước, việc một Doanh nghiệp thành lập dựa trên sự thỏa mãn những điều kiện luật định, sẽ giúp khâu hỗ trợ Doanh nghiệp, cũng như khâu quản lý diễn ra một cách thuận lợi, dễ dàng hơn. Bài viết này sẽ mang đến cho quý bạn đọc những thông tin tổng quan về điều kiện thành lập doanh nghiệp, theo quy định hiện hành.

1. ĐIỀU KIỆN VỀ CHỦ THỂ

Trước nhất, thành lập doanh nghiệp là hoạt động đăng ký kinh doanh với cơ quan có thẩm quyền. Yếu tố đầu tiên cần lưu tâm khi có dự kiến thành lập Doanh nghiệp, chính là điều kiện về chủ thể thành lập. Theo quy định hiện hành, nếu không thuộc một trong các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì tất cả cá nhân, tổ chức đều có quyền thành lập cũng như quản lý Doanh nghiệp tại Việt Nam. Các đối tượng không được thành lập Doanh nghiệp bao gồm:

- Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình.

- Cán bộ, công chức, viên chức

- Sĩ quan, hạ sĩ quan, cán bộ, công nhân, viên chức thuộc đơn vị Quận đội, Công an. Trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;

- Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước. Trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác.

- Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân.

- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

- Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Như vậy, nếu không thuộc các nhóm đối tượng nêu trên, quý bạn đọc hoàn toàn có đủ điều kiện để thành lập Doanh nghiệp, xét trên phương diện chủ thể.

2. ĐIỀU KIỆN VỀ NGÀNH, NGHỀ ĐĂNG KÝ KINH DOANH

Tuy rằng, theo quy định hiện hành Doanh nghiệp có thể đăng ký kinh doanh với tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm, nhưng, có một số ngành nghề đặc thù với những quy định riêng, yêu cầu các doanh nghiệp muốn thành lập phải đáp ứng được. Những ngành nghề này được quy định tại Luật Đầu Tư năm 2020, bao gồm 227 ngành nghề (theo phụ lục IV)

Ngoài ra, có một số ngành nghề có yêu cầu về vốn pháp định (tức là yêu cầu về vốn điều lệ tối thiểu phải có khi đăng kí kinh doanh). Khi tiến hành thành lập doanh nghiệp, quý bạn đọc nên lưu tâm tới những quy định này. Dưới đây, chúng tôi xin trích lại yêu cầu của pháp luật về vốn pháp định đối với một số ngành nghề cụ thể, để quý bạn đọc tiện tham khảo:

Ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Mức vốn tối thiểu

Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

5 tỷ đồng

Cho thuê lại lao động

2 tỷ đồng

Kinh doanh dịch vụ kiểm toán

6 tỷ đồng

Kinh doanh dịch vụ môi giới chứng khoán

25 tỷ đồng

Sản xuất phim

200 triệu đồng

Bán lẻ theo phương thức đa cấp

10 tỷ đồng

Kinh doanh vận tải đa phương thức

80.000 SDR (đơn vị tính toán do Quỹ tiền tệ quốc tế quy định)

Cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng

30 tỷ đồng

Dịch vụ đòi nợ

2 tỷ đồng

Kinh doanh dịch vụ môi giới mua bán nợ, tư vấn mua bán nợ

5 tỷ đồng

Kinh doanh hoạt động mua bán nợ

100 tỷ đồng

Ngân hàng thương mại

3.000 tỷ đồng

Ngân hàng liên danh

 

Ngân hàng thương mại 100% vốn nước ngoài

 

Ngân hàng thương mại cổ phần

 

Ngân hàng đầu tư

 

Ngân hàng hợp tác

 

Ngân hàng phát triển

5.000 tỷ đồng

Ngân hàng chính sách

 

Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương

3.000 tỷ đồng

Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở

0,1 tỷ đồng

Chi nhánh ngân hàng nước ngoài

15 triệu USD

Công ty tài chính

500 tỷ đồng

Công ty cho thuê tài chính

150 tỷ đồng

Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm hưu trí) và bảo hiểm sức khỏe

600 tỷ đồng

Kinh doanh bảo hiểm; bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm liên kết đơn vị hoặc bảo hiểm hưu trí

800 tỷ đồng

Kinh doanh bảo hiểm; bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm liên kết đơn vị và bảo hiểm hưu trí

1.000 tỷ đồng

Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe

300 tỷ đồng/ 200 tỷ đồng đối với chi nhánh nước ngoài

Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh

350 tỷ đồng/ 250 tỷ đồng đối với chi nhánh nước ngoài

Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh

400 tỷ đồng/ 300 tỷ đồng đối với chi nhánh nước ngoài

3. ĐIỀU KIỆN VỀ TRỤ SỞ CHÍNH

Điều kiện về trụ sở chính được quy định tại điều 42 Luật Doanh nghiệp 2020: Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).”

Ngoài ra, doanh nghiệp không được đặt trụ sở của mình ở trong nhà chung cư hoặc nhà tập thể cao tầng. Nếu trụ sở đặt ở trong khu văn phòng của các tòa nhà; thì phải có chức năng kinh doanh, và khi nộp hồ sơ thành lập phải nộp kèm theo hồ sơ các giấy tờ chứng minh chức năng văn phòng đó.

4. ĐIỀU KIỆN VỀ HỒ SƠ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP

Hồ sơ mà cá nhân, tổ chức có nhu cầu thành lập doanh nghiệp cần chuẩn bị, bao gồm các giấy tờ sau đây:

- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

- Điều lệ công ty.

- Bản sao chứng thực giấy tờ chứng thực cá nhân của người đại diện theo pháp luật.

- Bản sao chứng thực giấy tờ chứng thực cá nhân của các thành viên góp vốn là cá nhân, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và văn bản ủy quyền cho người đại diện quản lý phần vốn góp đối với tổ chức.

5. Điều kiện về tên Doanh nghiệp

Tên là yếu tố để xác định và phân biệt doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác. Pháp luật cũng quy định rất chặt chẽ về nội dung này, để thuận lợi trong quá trình doanh nghiệp hoạt động cũng như quá trình quản lý của Nhà nước.

Thứ nhất, theo điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020, tên của Doanh Nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự “Loại hình Doanh Nghiệp – Tên riêng”. Ví dụ: “Công ty trách nhiệm hữu hạn C”

Một số điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp như:

- Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký.

-  Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

- Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Để nắm rõ hơn quy định của pháp luật về tên doanh nghiệp, quý bạn đọc có thể đọc các điều 37, 38, 39, 40, 41 của Luật Doanh Nghiệp 2020.

Trên đây là một số nội dung cơ bản về điều kiện thành lập Doanh nghiệp, do đây là một chủ đề lớn, giới hạn trong bài viết này, chúng tôi không thể cung cấp đầy đủ, chi tiết các quy định. Chúng tôi sẽ mang tới cho quý bạn đọc những thông tin chi tiết trong các loạt bài tiếp theo. Cảm ơn sự theo dõi của bạn đọc. Trân trọng!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .