Quy định mới về ngành nghề đầu tư của Luật Đầu tư 2020
Ngày 17/6/2020, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đầu tư 2020 thay thế Luật Đầu tư 2014 và sẽ có hiệu lực kể từ 01/01/2021.
Luật Đầu tư năm 2020 có nhiều điểm mới về quy định ngành, nghề đầu tư đã góp phần hoàn thiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh, đồng thời cắt giảm một số ngành, nghề không cần thiết, bất hợp lý nhằm tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.
Ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh
Điểm đặc biệt của Luật Đầu tư 2020 là “khai tử” dịch vụ đòi nợ thuê khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, mà chính thức được chuyển vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Đối với các hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ ký kết trước ngày Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành; các bên tham gia hợp đồng được thực hiện các hoạt động để thanh lý hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Luật Đầu tư 2020 đã bổ sung hoạt động mua bán xác, bào thai người vào ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư 2020.
Như vậy, theo quy định Luật Đầu tư 2020 có 8 ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh bao gồm: Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này; Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này; Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này; Kinh doanh mại dâm; Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người; Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người; Kinh doanh pháo nổ; Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Đặc biệt, Luật Đầu tư năm 2020 cũng bổ sung một số chất mới vào Danh mục các chất ma túy cấm đầu tư kinh doanh tại Phụ lục I như Lá Khat, Thuốc phiện và các chế phẩm từ thuốc phiện (trừ trường hợp ethyl este của acid béo iod hóa trong dầu hạt thuốc phiện mà không còn chứa chất ma túy từ thuốc phiện). Ngoài ra, nhiều loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản cũng được bổ sung vào Danh mục loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm tại Phụ lục III như Vượn má vàng trung bộ, Vượn siki, Cầy gấm, Đại bàng đầu nâu, Kền kền Ấn Độ, Kền kền Bengan, Cắt lớn, Trĩ sao, Gà lôi trắng, Tắc kè đuôi vàng, Thằn lằn cá sấu, Cá sấu nước lợ (Cá sấu hoa cà), Cá sấu nước ngọt (Cá sấu xiêm),…
Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư 2020 gồm có 227 ngành, nghề.
Đáng chú ý, Luật Đầu tư năm 2020 đã bổ sung nhiều ngành, nghề kinh doanh có điều kiện như: Kinh doanh dịch vụ cai nghiện thuốc lá, điều trị HIV/AISD, chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em; kinh doanh nước sạch (nước sinh hoạt); Kinh doanh dịch vụ kiến trúc; Đăng kiểm tàu cá; Đào tạo, bồi dưỡng thuyền viên tàu cá,...
Nhằm tiếp tục thể chế hóa nguyên tắc Hiến định về bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà luật không cấm, đồng thời góp phần xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, Luật Đầu tư 2020, tiếp tục bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cần thiết, bất hợp lý, gây cản trở quá trình gia nhập thị trường của người dân, doanh nghiệp gồm 22 ngành, nghề quy định tại Phụ lục IV Luật Đầu tư 2014. Một số ngành, nghề bị bãi bỏ bao gồm: Hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại; Nhượng quyền thương mại; Kinh doanh dịch vụ Logistic; Kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển; Kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; Kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ;… Có thể thấy, hầu hết các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện bị bãi bỏ đều là những ngành, nghề đang có xu hướng phát triển, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Thay đổi này trước hết nhằm bảo đảm quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân, đồng thời tạo cú hích trong việc tạo lập môi trường đầu tư, giúp Việt Nam thu hút được nhiều hơn nguồn lực để đầu tư cho phát triển kinh tế – xã hội.
Ngành nghề ưu đãi, hỗ trợ đầu tư
Luật Đầu tư 2020 đã sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề ưu đãi đầu tư nhằm bảo đảm thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chất lượng theo Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, các Luật thuế và các Luật liên quan.
Quy định về ngành nghề ưu đãi đầu tư cũng được mở rộng hơn trước. Cụ thể, Luật Đầu tư năm 2020 bổ sung một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư như sau: Giáo dục đại học; Sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ; Sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; Bảo quản thuốc, sản xuất trang thiết bị y tế; Sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.
Luật Đầu tư 2020 đã bãi bỏ ngành, nghề “kinh doanh các loại chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp vừa và nhỏ; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa” trong những ngành, nghề được ưu đãi đầu tư.
Việc bổ sung ngành, nghề “Sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành” là một chiến lược được đánh giá cao, vì kích thích sản xuất cũng đồng nghĩa với việc kích cầu, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng giá trị của thị trường Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề trên, khách hàng cần giải đáp, xin liên hệ hotline công ty Luật Sao Sáng – 09366653636 để được hỗ trợ.
Trân trọng!