Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

CHẾ ĐỘ THAI SẢN CỦA NGƯỜI CHỒNG KHI NGƯỜI VỢ SINH CON

14:27 CH
Thứ Bảy 20/05/2023
 419

Khi người vợ sinh con là thời gian mà cả người vợ và người chồng bước vào giai đoạn phải lo toan nhiều thứ cho gia đình và cuộc sống. Đây là giai đoạn mà cả hai người cần phải chuẩn bị cả về vật chất lẫn tinh thần để có thể có một môi trường và điều kiện thật tốt đón đứa con của họ ra đời. Chính vì vậy mà không chỉ người vợ, người chồng cũng sẽ cần có thêm thời gian để có thể đảm đương các công việc và chăm sóc cho người vợ. Vậy chế độ thai sản của người chồng khi người vợ sinh con được pháp luật quy định như thế nào? Mời quý độc giả hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây!

1. Căn cứ pháp lý

Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH

2. Điều kiện để người chồng được hưởng chế độ thai sản

     Theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:

“1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.”

     Theo quy định trên người chồng sẽ được hưởng chế độ thai sản trong các trường hợp sau đây:

-    Là người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi

-    Là người lao động thực hiện biện pháp triệt sản

-    Là người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con

     Như vậy khi người vợ sinh con thì người chồng sẽ được hưởng chế độ thai sản khi là người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội.

3. Thời gian được hưởng chế độ thai sản của người chồng

     Khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ khi sinh con của lao động nam như sau:

“2. Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:

a) 05 ngày làm việc;

b) 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;

c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;

d) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.”

     Theo quy định trên, người chồng là lao động đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản: 05 ngày làm việc; 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày làm việc nếu như người vợ sinh đôi, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi người con thì người chồng được nghỉ thêm 03 ngày; nếu người vợ sinh đôi mà phải phẫu thuật thì sẽ được nghỉ 14 ngày làm việc. Lưu ý là thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản Khoản 2 Điều 34 chỉ được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

4. Hồ sơ, thủ tục để được hưởng chế độ thai sản của chồng

     Căn cứ theo khoản 4 Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về Hồ sơ hưởng chế độ thai sản như sau: “4. Trường hợp lao động nam nghỉ việc khi vợ sinh con phải có bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh của con và giấy xác nhận của cơ sở y tế đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.”

     Như vậy để được hưởng chế độ thai sản khi người vợ sinh con thì người chồng cần phải có bản sao giấy chứng minh hoặc bản sao giấy khai sinh của con và giấy xác nhận của cơ sở ý tế đối trường hợp sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.

5. Mức hưởng chế độ thai sản của chồng

     Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về Mức hưởng chế độ thai sản như sau:

“1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:

a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;

b) Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 của Luật này được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;

c) Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.”

     Như vậy, mức hưởng sẽ bằng mức lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng thai sản chia cho 24 sau đó nhân với số ngày nghỉ. Nếu đóng bảo hiểm xã hội dưới 6 tháng thì mức bình quân tiền lương sẽ là tiền lương của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

6. Quy định về nhận trợ cấp 1 lần khi có chồng tham gia bảo hiểm xã hội

     Ngoài việc được hưởng các ngày phép theo quy định thì người lao động còn được hưởng mức trợ cấp thai sản 1 lần. Căn cứ theo quy định tại Điểm a và Điểm c, Khoản 2, Điều 9 của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH quy định như sau:

“2. Điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi sinh con được hướng dẫn cụ thể như sau:

a) Đối với trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con;

c) Trường hợp người mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con mà người cha đủ điều kiện quy định tại điểm a khoản này thì người cha được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con theo Điều 38 của Luật Bảo hiểm xã hội.”

     Căn cứ theo quy định trên, điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi sinh con đối với trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội (mẹ không tham gia tham gia bảo hiểm xã hội hoặc không đủ điều kiện hưởng) thì cha phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nếu người mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con mà người cha đủ điều kiện quy định tại điểm a khoản này thì người cha được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con theo Điều 38 của Luật Bảo hiểm xã hội:

Điều 38. Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi

Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.

Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.”

     Trên đây là nội dung Công ty Luật TNHH Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về chủ đề Chế độ thai sản của người chồng khi người vợ sinh con. Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 – 0972.17.27.57 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .