Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Pháp luật quy định như thế nào về làm việc không trọn thời gian ?

15:24 CH
Thứ Bảy 13/07/2024
 320

Trong cuộc sống bận rộn hiện nay, việc cân bằng linh hoạt giữa công việc và cuộc sống cá nhân luôn được ưu tiên trong quá trình tìm việc. Việc làm không trọn thời gian giúp người lao động có nhiều thời gian cho công việc cá nhân của họ hơn. Nhưng những trường hợp nào người lao động được làm việc không trọn thời gian? Và họ được hưởng những quyền lợi và nghĩa vụ gì?

1. Thế nào là làm việc không trọn thời gian?

Theo khoản 1 Điều 32 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động làm việc không trọn thời gian là người lao động có thời gian làm việc ngắn hơn so với thời gian làm việc bình thường theo ngày hoặc theo tuần hoặc theo tháng được quy định trong pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.

Và tại Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 thì pháp luật có quy đinh thời giờ làm việc bình thường như sau:

  • Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
  • Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
  • Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.
  • Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.

Như vậy, làm việc không trọn thời gian hay còn được gọi là làm việc bán thời gian (part-time job) là trường hợp người lao động có thời gian làm việc ngắn hơn so với thời gian làm việc bình thường theo quy định của pháp luật. 

2. Những trường hợp người lao động được làm việc không trọn thời gian

Trong khoản 2 Điều 32 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:Người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động làm việc không trọn thời gian khi giao kết hợp đồng lao động”. Người lao động có thể là bất kì cá nhân nào đều có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động lượng thời gian làm một ngày, làm một tuần hay thời gian làm một tháng cho phù hợp.

Theo Điều 60 nghị định 145/2020/NĐ-CP về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động thì tổng số giờ làm việc không trọn thời gian theo thỏa thuận bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày.

Bên cạnh đó, căn cứ theo Khoản 2 và 4 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 cũng có quy định về trường hợp làm việc không trọn thời gian đối với lao động nữ:

“2. Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 1 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

4. Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.”

Ngoài ra, pháp luật cũng có quy định người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian tại khoản 2 Điều 148 Bộ luật Lao động 2019.

Hiện nay, Nhà nước cũng có đưa ra chính sách khuyên khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ và lao động nam đều có thể làm việc không chọn thời gian.

3. Quyền lợi của người lao động làm việc không trọn thời gian thế nào?

Căn cứ vào khoản 3 Điều 32 Bộ luật Lao động 2019 quy định:

“3. Người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương; bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ với người lao động làm việc trọn thời gian; bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.”

Như vậy, người lao động làm việc không trọn thời gian không bị giới hạn quyền lợi so với người lao động làm việc trọn thời gian.

Theo khoản 1 Điều 95 về Nguyên tắc trả lương thì Người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc. Vì vậy những người làm việc không trọn thời gian có thể thỏa thuận mức lương tính theo tháng hay theo giờ dựa trên mức lương tối thiểu vùng quy định tại Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP về Quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Người lao động làm việc không trọn thời gian được bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ như những người lao động khác quy định tại Điều 5 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể:

Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của người lao động

1. Người lao động có các quyền sau đây:

a) Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

b) Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;

c) Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;

d) Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc;

đ) Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

e) Đình công;

g) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Người lao động có các nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác;

b) Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động;

c) Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.”

Vậy nên, những người làm việc không trọn thời gian có thể là bất kì cá nhân nào nếu có thỏa thuận với người sử dụng lao động về thời gian làm việc, yêu cầu công việc, mức lương thỏa thuận,…theo pháp luật quy định. Đồng thời, người làm việc không trọn thời gian đều được hưởng những quyền lợi, nghĩa vụ một cách bình đẳng, không được phân biệt đối xử và các cơ hội phải ngang nhau.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp lý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn !

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .