Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Pháp luật quy định như thế nào về thỏa ước lao động tập thể?

10:24 SA
Thứ Tư 10/07/2024
 71

Thỏa ước lao động tập thể doanh không phải văn bản pháp luật do cơ quan nhà nước quy định nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình người lao động làm việc cho người sử dụng lao động. Nó đã được xây dựng, ký kết trên cơ sở đàm phán, thương lượng giữa hai bên, là cơ sở để bảo đảm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp.

1. Thỏa ước lao động tập thể là gì? Phân loại thỏa ước lao động tập thể?

Căn cứ tại khoản 1 Điều 75 Bộ luật lao động 2019 có quy định: Thỏa ước lao động tập thể là thỏa thuận đạt được thông qua thương lượng tập thể và được các bên ký kết bằng văn bản.

- Thỏa ước lao động tập thể bao gồm:

+ Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp

+ Thỏa ước lao động tập thể ngành

+ Thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp

+ Các thỏa ước lao động tập thể khác

Vậy thì, thỏa ước lao động tập thể được hình thành từ việc đàm phán, thương lượng giữa hai bê và được ký kết dưới hình thức văn bản. Những điều khoản trong văn bản này không được phép vi phạm pháp luật hiện hành và phải bao gồm những lợi ích có lợi hơn cho người lao động.

2. Nội dung của thỏa ước lao động tập thể

Tại Điều 75 Bộ luật lao động 2019 có đề cập rằng nội dung của Thỏa ước không được trái với pháp luật và phải có lợi cho người lao động hơn so với pháp luật quy định.

Nhưng nội dung mà một bản thỏa ước lao động tập thể cần có và được đẩm bảo thực hiện bao gồm:

- Tiền lương, trợ cấp, nâng lương, thưởng, bữa ăn và các chế độ khác

- Mức lao động và thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, nghỉ giữa ca;

- Bảo đảm việc làm đối với người lao động;

- Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện nội quy lao động;

- Điều kiện, phương tiện hoạt động của tổ chức đại diện người lao động; mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động;

- Cơ chế, phương thức phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động;

- Bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ thai sản, nghỉ hằng năm; phòng, chống bạo lực và quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

- Nội dung khác mà một hoặc các bên quan tâm.

(Điều 67 Bộ luật lao động 2019)

3. Thẩm quyền kí kết thỏa ước lao động tập thể

Thỏa ước lao động tập thể được tham gia ký kết bởi đại diện hợp pháp của các bên tham gia quá trình đàm phán. Trong trường hợp thỏa ước lao động tập thể liên quan đến nhiều doanh nghiệp và được tiến hành thông qua Hội đồng thương lượng tập thể, thỏa ước này sẽ được ký kết bởi Chủ tịch Hội đồng thương lượng tập thể cùng với đại diện hợp pháp của các bên thương lượng.

Theo Điều 77 Bộ luật lao động 2019 thì sau khi ký kết thành công, Thỏa ước lao động tập thể phải được gửi cho mỗi bên ký kết và người sử dụng lao động tham gia thỏa ước phải gửi 01 bản thỏa ước lao động tập thể đến cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính trong thời hạn 10 ngày.

Đối với thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động tập thể liên quan đến nhiều doanh nghiệp, từng người sử dụng lao động và từng tổ chức đại diện người lao động tại các doanh nghiệp tham gia đàm phán phải nhận được một bản thỏa ước.

Đồng thời, sau khi thỏa ước lao động tập thể được ký kết, người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động của họ biết về nội dung của thỏa ước này.

 

4. Thời hạn của thỏa ước lao động tập thể

Thỏa ước lao động tập thể có thời hạn từ 01-03 năm. Thời hạn cụ thể sẽ do các bên thỏa thuận mà được ghi trong thỏa ước lao động tập thể. Các bên đều có quyền thỏa thuận thời hạn cụ thể thời hạn khác nhau đối với các nội dung trong thỏa ước lao động tập thể.

(Khoản 3 Điều 78 Bộ luật lao động 2019)

5. Hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể

* Thời điểm phát sinh hiệu lực:

Theo khoản 2 Điều 78 Bộ luật lao động 2019 thì thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực tại ngày được ghi trong thỏa ước; còn nếu các bên không đưa ra thỏa thuận về ngày có hiệu lực thì thỏa thuận sẽ có hiệu lực kể từ ngày ký kết.

Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp có hiệu lực áp dụng đối với người sử dụng lao động và toàn bộ người lao động của doanh nghiệp. Thỏa ước lao động tập thể ngành và thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp có hiệu lực áp dụng đối với toàn bộ người sử dụng lao động và người lao động của các doanh nghiệp tham gia thỏa ước lao động tập thể. (Khoản 3 Điều 78 Bộ luật lao động 2019)

* Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu:

Căn cứ theo Điều 86 Bộ luật lao động 2019 thì thỏa ước lao động có thể bị vô hiệu từng phần hoặc vô hiệu toàn phần:

Điều 86. Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu

1. Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu từng phần khi một hoặc một số nội dung trong thỏa ước lao động tập thể vi phạm pháp luật.

2. Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu toàn bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Toàn bộ nội dung thỏa ước lao động tập thể vi phạm pháp luật;

b) Người ký kết không đúng thẩm quyền;

c) Không tuân thủ đúng quy trình thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể

Bên cạnh đó thì pháp luật cũng có quy định về thẩm quyền tuyên bố cũng như cách xử lý thỏa ước bị vô hiệu tại Điều 87 và Điều 88 Bộ luật lao động 2019 như sau

- Toà án nhân dân có thẩm quyền tuyên bố thỏa ước lao động tập thể bị vô hiệu.

- Ngay sau khi thỏa ước lao động bị tuyên là vô hiệu thì mọi quyền lợi, nghĩa vụ và lợi ích của các bên được ghi trong đó tương ứng với một phần hay toàn bộ nội dung bị vô hiệu sẽ được giải quyết theo pháp luật và các thỏa thuận hợp pháp trong hợp đồng lao động.

Việc thỏa thuận và ký kết thỏa ước lao động tập thể đã góp phần tạo nên cộng đồng quyền lợi và trách nhiệm giữa hai bên. Thỏa ước lao động tập thể phần nào đã điều hòa lợi ích, ngăn ngừa mâu thuẫn xung đột trong quan hệ lao động. Đồng thời, thỏa ước lao động cũng được xem như là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết các tranh chấp lao động và là quy phạm đặc biệt bổ sung cho luật lao động.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp lý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn !

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .