MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÍ VỀ BÍ MẬT KINH DOANH
Bí mật kinh doanh là một trong những tài sản trí tuệ quan trọng, đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Về mặt pháp lý, bí mật kinh doanh được bảo vệ thông qua các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ tại nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam. Hiểu rõ và áp dụng đúng các quy định pháp luật là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi hợp pháp và phát triển bền vững.
1. Bí mật kinh doanh là gì?
Bí mật kinh doanh là một loại tài sản sở hữu trí tuệ (IPR) có giá trị cao và hữu ích. Theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), mọi bí mật có được trong hoạt động kinh doanh (VD: phương thức bán hàng, phương thức phân phối, thông tin người dùng, chiến lược quảng cáo, danh sách nhà cung cấp và khách hàng, quy trình sản xuất,...) mà chúng có giá trị thương mại lớn đối với các doanh nghiệp và tạo cho doanh nghiệp một lợi thế cạnh tranh đáng kể, đều có thể được coi là bí mật kinh doanh.
Bí mật kinh doanh bao gồm bí mật sản xuất, bí mật công nghiệp cũng như bí mật thương mại, bao gồm bí quyết kỹ thuật, sản phẩm mới hoặc mô hình kinh doanh, hướng dẫn vận hành kinh doanh, công thức, thông tin khách hàng và nhà cung cấp, kỹ thuật đặc biệt được sử dụng bởi một doanh nghiệp trong sự phát triển của một sản phẩm hoặc dịch vụ, sẽ đều được bảo vệ chặt chẽ bởi các chủ sở hữu của nó.
Thông thường có ba điều kiện chung mà một thông tin cần đáp ứng để được xem là bí mật kinh doanh theo Điều 39 của Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), theo đó một bí mật kinh doanh thường được định nghĩa là:
“Thông tin không được rộng rãi công chúng biết đến (được giữ như một bí mật);
Tạo ra lợi ích kinh tế cho người nắm giữ nó (trong đó lợi ích này phải xuất phát cụ thể từ thông tin không được biết đến nói chung, không chỉ từ giá trị của thông tin – nói cách khác: nó phải có giá trị thương mại vì đó là bí mật);
Người nắm giữ thông tin có những nỗ lực hợp lý để bảo vệ sự bí mật của thông tin đó (ví dụ: thông qua các thỏa thuận bảo mật)”.
Tại Việt Nam, theo Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009, 2019): “Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh”.
Bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
“Điều 84. Điều kiện chung đối với bí mật kinh doanh được bảo hộ
Bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;
2. Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;
3. Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được”.
Từ đó, có thể thấy rằng các điều kiện để thông tin được xem là bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam là tương tự với các điều kiện được đưa ra bởi Hiệp định TRIPS.
2. Quyền của Chủ sở hữu của bí mật kinh doanh
(a) Áp dụng bí mật kinh doanh để sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ, thương mại hàng hoá;
(b) Bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán, nhập khẩu sản phẩm được sản xuất do áp dụng bí mật kinh doanh.
Theo quy định của Luật Sở hữu Trí tuệ, các hành vi sau sẽ bị xem là hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh:
Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh đó;
Bộc lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó;
Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, xui khiến, mua chuộc, ép buộc, dụ dỗ, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập hoặc làm bộc lộ bí mật kinh doanh;
Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người nộp đơn theo thủ tục xin cấp phép kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của cơ quan có thẩm quyền;
Sử dụng, bộc lộ bí mật kinh doanh dù đã biết hoặc có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được có liên quan đến một trong các hành vi quy định tại các điểm i, ii, iii and iv mục này;
Không thực hiện nghĩa vụ bảo mật.
Tuy nhiên, quyền của chủ sở hữu bí mật kinh doanh không phải là vô hạn. Theo đó, chủ sở hữu bí mật kinh doanh không được quyền ngăn cấm người khác:
Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh thu được khi không biết và không có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được một cách bất hợp pháp;
Bộc lộ dữ liệu bí mật nhằm bảo vệ công chúng;
Sử dụng dữ liệu bí mật không nhằm mục đích thương mại;
Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra một cách độc lập; và
Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra do phân tích, đánh giá sản phẩm được phân phối hợp pháp với điều kiện người phân tích, đánh giá không có thoả thuận khác với chủ sở hữu bí mật kinh doanh hoặc người bán hàng.
3. Căn cứ xác định hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh
Theo Điều 5 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP, hành vi bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh khi có đủ các căn cứ sau đây:
- Đối tượng của hành vi bị xem xét là bí mật kinh doanh đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
- Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
- Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ sở hữu bí mật kinh doanh và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Trong đó, chủ sở hữu bí mật kinh doanh là tổ chức, cá nhân có được bí mật kinh doanh một cách hợp pháp và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó.
Bí mật kinh doanh mà bên làm thuê, bên thực hiện nhiệm vụ được giao có được trong khi thực hiện công việc được thuê hoặc được giao thuộc quyền sở hữu của bên thuê hoặc bên giao việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
- Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam.
Hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam.
4. Làm thế nào để bảo vệ bí mật kinh doanh?
Các thông tin càng quan trọng thì các yêu cầu bảo mật càng cao. Do đó, chủ sở hữu thông tin cần tiến hành phân loại các thông tin thương mại quan trọng với công ty để tạo ra được giải pháp tối ưu, cụ thể:
Các biện pháp kỹ thuật như: Hệ thống bảo mật CNTT phù hợp, các rào cản truy cập, mã hóa thông tin liên lạc...
Bảo vệ bí mật thương mại phải được công nhận là một vấn đề cần tuân thủ nghiêm. Đưa ra các điều khoản hợp đồng liên quan đến bí mật thương mại để thiết lập các mức bảo vệ tối thiểu, bảo vệ vừa đủ và các mức độ bảo vệ nâng cao khi hoàn cảnh yêu cầu.
Nắm vững các quy định tại các khu vực pháp lý giữa liên quan đến việc bảo vệ các bí mật thương mại tại khu vực nơi mà các thông tin bí mật kinh doanh có thể được sử dụng.
Xây dựng kế hoạch về cách ứng phó trong trường hợp có các vi phạm về việc bảo vệ bí mật kinh doanh.
Hạn chế quyền truy cập vào thông tin bí mật cho những cá nhân trên cơ sở cần biết.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp ý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!