Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Hợp đồng thương mại là gì? Các trường hợp chấm dứt hợp đồng thương mại theo quy định của pháp luật

10:57 SA
Thứ Năm 23/05/2024
 254

Hiện nay, trong thời buổi kinh tế hội nhập, hợp đồng thương mại đang được sử dụng rất phổ biến. Do đó, việc thực hiện và chấm dứt hợp đồng phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng để hạn chế các tranh chấp phát sinh ra từ hợp đồng. Vậy pháp luật quy định thế nào về các trường hợp chấm dứt hợp đồng?

1. Hợp đồng thương mại là gì?

Theo Điều 385 Bộ luật dân sự 2015 quy định về khái niệm hợp đồng thì hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Hợp đồng thương mại là một dạng của hợp đồng dân sự. Do đó, căn cứ vào quy định trên ta có thể hiểu hợp đồng thương mại là sự thỏa thuận giữa các thương nhân với thương nhân hay thương nhân với các bên có liên quan nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ giữa các bên trong hoạt động thương mại.

2. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng thương mại

Chấm dứt hợp đồng thương mại là việc kết thúc, ngừng thực hiện các thỏa thuận mà các bên đã đạt được khi giao kết hợp đồng. Khi đó, bên có nghĩa vụ không có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ và bên có quyền không thể buộc bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ nữa.

Vì hợp đồng thương mại là một dạng điển hình của hợp đồng dân sự. Do đó, các trường hợp chấm dứt hợp đồng thương mại cũng giống như chấm dứt hợp đồng dân sự.

Căn cứ vào Điều 422 Bộ luật dân sự 2015 quy định về chấm dứt hợp đồng, thì hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

  1. Hợp đồng đã được hoàn thành;
  2. Theo thỏa thuận của các bên;
  3. Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;
  4. Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;
  5. Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn;
  6. Hợp đồng chấm dứt khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản;
  7. Trường hợp khác do luật quy định;

Vậy căn cứ theo quy định trên, hợp đồng thương mại sẽ chấm dứt trong các trường hợp:

Thứ nhất, hợp đồng thương mại chấm dứt do hợp đồng đã hoàn thành: được hiểu là các bên đã thực hiện đúng, đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình với bên kia. Đây là trường hợp chấm dứt hợp đồng tốt nhất bởi các bên đều đạt được mục đích của mình khi giao kết hợp đồng của mình.

Thứ hai, hợp đồng thương mại chấm dứt theo thỏa thuận của các bên: hợp đồng thương mại là sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của các bên trong xác lập, kí kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng. Do đó, trong quá trình thực hiện hợp đồng thương mại, các bên có thỏa thuận chấm dứt hợp đồng dù cho nghĩa vụ của hợp đồng chưa được hoàn thành xong, tuy nhiên trong trường hợp này các bên phải thỏa thuận về việc xử lý hậu quả do việc chấm dứt hợp đồng gây ra.

Lưu ý: Trong trường hợp hợp đồng được xác lập vì lợi ích của người thứ ba thì việc chấm dứt hợp đồng phải có sự đồng ý của người thứ ba theo quy định tại Điều 417 Bộ luật dân sự 2015.

Thứ ba, hợp đồng thương mại chấm dứt khi cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện.

Trong trường hợp này hợp đồng thương mại chấm dứt phải đáp ứng đủ 2 điều kiện:

  • Hợp đồng phải do chính chủ thể đó thực hiện (ví dụ như trường hợp việc thực hiện hợp đồng gắn liền với nhân thân chủ thể giao kết).
  • Hợp đồng do cá nhân, pháp nhân khác thực hiện nhưng công việc không thể chuyển giao được cho chủ thể khác (không có ai thay thế để tiếp tục hợp đồng).

Hợp đồng vẫn có giá trị và không được xem là hoàn thành trong trường hợp có nhiều người hoặc nhiều pháp nhân phải thực hiện, khi một cá nhân chết hoặc một pháp nhân chấm dứt hoạt động thì những chủ thể còn lại vẫn phải thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo hợp đồng.

Thứ tư, hợp đồng thương mại chấm dứt khi bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện: trong quá trình thực hiện hợp đồng có nhiều trường hợp vì một vài lý do nào đó mà một bên muốn hủy bỏ hợp đồng hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng khi thời gian có hiệu lực của hợp đồng vẫn còn.

Về hủy bỏ hợp đồng: bao gồm hủy một phần hoặc hủy toàn bộ hợp đồng. Căn cứ theo quy định Điều 423 Bộ luật dân sự 2015 và khoản 4 Điều 312 Luật thương mại 2005 thì một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp:

  • Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận.
  • Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng.

Về đơn phương chấm dứt hợp đồng: bao gồm đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng luật và đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật.

  • Đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng luật: theo quy định tại khoản 1 Điều 428 Bộ luật dân sự 2015 thì một bên được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại nếu: bên còn lại vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
  • Đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật: là trường hợp đơn phương chấm dứt việc thực hiện hợp đồng không có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 428 Bộ luật dân sự 2015. Trong trường hợp này, bên đơn phương chấm dứt hợp đồng được coi là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm theo quy định của Bộ luật dân sự và Luật khác có liên quan do không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng.

Thứ năm, hợp đồng thương mại không thể thực hiện do đối tượng của hợp đồng không còn: Đối tượng là một trong những điều khoản quan trọng trong hợp đồng, là mục đích giao kết giữa các bên, do đó nếu như đối tượng trong thỏa thuận không còn thì dẫn đến việc các bên không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng, hợp đồng sẽ chấm dứt. Đối với trường hợp này các bên có thể thỏa thuận để thay đổi đối tượng của hợp đồng bằng cách chấm dứt hợp đồng cũ và giao kết hợp đồng mới hoặc bồi thường thiệt hại.

Thứ sáu, hợp đồng thương mại chấm dứt khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản:

Theo khoản 1 Điều 420 Bộ luật dân sự 2015 quy định các điều kiện hoàn cảnh thay đổi khi thực hiện hợp đồng gồm:

  • Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng.
  • Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh.
  • Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết với nội dung khác hoàn toàn.
  • Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên.
  • Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.

Vậy căn cứ quy định trên, hợp đồng thương mại bị chấm dứt do hoàn cảnh thay đổi khi có các điều kiện:

  • Ít nhất một bên bị ảnh hưởng đến lợi ích khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
  • Các bên không thỏa thuận được việc sửa đổi hợp đồng trong thời hạn hợp lý.
  • Có yêu cầu tòa án tuyên bố chấm dứt hợp đồng của một trong các bên.

Trên đây là toàn bộ nội dung Luật Sao Sáng gửi đến Qúy bạn đọc về nội dung Các trường hợp chấm dứt hợp đồng thương mại theo quy định của pháp luật. Nếu có vấn đề nào còn thắc mắc hoặc cần được hỗ trợ vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline 0936653636 – 0972172757 để được tư vấn, hỗ trợ nhanh nhất.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .