Những điều cần biết về hợp đồng nhượng quyền thương mại
Hợp đồng nhượng quyền thương mại là sự thỏa thuận của các bên trong quan hệ nhượng quyền thương mại làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động nhượng quyền thương mại.
Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải dựa trên sự thỏa thuận, thống nhất ý chí, tự do định đoạt, đồng thời các điều khoản trong hợp đồng phải đảm bảo không trái với các quy định pháp luật cũng như đạo đức xã hội. Tạo điều kiện cho hoạt động nhượng quyền thương mại phát triển lành mạnh, điều tiết lợi ích của các bên tham gia nhượng quyền và lợi ích chung của toàn xã hội.
Về hình thức của hợp đồng
Hình thức pháp lý của hợp đồng nhượng quyền thương mại được quy định rõ ràng tại điều 285 Luật Thương mại 2005 như sau: “Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương”. Trong đó, các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Nếu giao kết bằng hình thức khác, như lời nói hoặc hành động, hợp đồng sẽ không được pháp luật bảo hộ, nếu có tranh chấp xảy ra mà giải quyết tại tòa án thì hợp đồng này có thể bị tuyên bố vô hiệu.
Về chủ thể của hợp đồng
Chủ thể của hợp đồng bao gồm bên nhượng quyền và bên nhận quyền. Cả hai bên chủ thể đều phải là thương nhân, có thể là thương nhân Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài.
Bên nhượng quyền là thương nhân cấp quyền thương mại, bao gồm cả Bên nhượng quyền thứ cấp trong mối quan hệ với Bên nhận quyền thứ cấp (Theo quy định tại khoản 1 điều 3 Nghị định 35/2006/NĐ-CP). Bên nhượng quyền cũng phải đáp ứng những điều kiện sau đây thì mới được cấp quyền thương mại: Thứ nhất, hệ thống kinh doanh dự định nhượng quyền đã hoạt động được ít nhất 01 năm, nếu thương nhân Việt Nam là bên nhận quyền sơ cấp từ bên nhượng quyền nước ngoài thì thương nhân Việt Nam phải kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại ít nhất 01 năm ở Việt Nam trước khi tiến hành cấp lại quyền thương mại. Thứ hai, đã đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền (Theo quy định tại điều 5 Nghị định 35/2006/NĐ-CP).
Bên nhận quyền là thương nhân được nhận quyền thương mại, bao gồm cả Bên nhận quyền thứ cấp trong mối quan hệ với Bên nhượng quyền thứ cấp (Theo quy định tại khoản 2 điều 3 Nghị định 35/2006/NĐ-CP). Bên nhận quyền là bên sử dụng quyền thương mại của bên nhượng quyền để kinh doanh và phải trả phí nhượng quyền. Điều kiện đối với bên nhận quyền đó là: bên nhận quyền phải là thương nhân và chỉ được phép kinh doanh dưới hình thức nhượng quyền thương mại khi có đăng ký kinh doanh phù hợp với đối tượng của quyền thương mại được chuyển nhượng theo hợp đồng nhượng quyền thương mại (Theo quy định tại điều 6 Nghị định 35/2006/NĐ-CP).
Về đối tượng của hợp đồng
Đối tượng của hợp đồng nhượng quyền thương mại là “quyền thương mại”. Theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 Nghị định 35/2006/NĐ-CP, “quyền thương mại” được hiểu là một, một số hoặc toàn bộ các quyền sau đây:
- Quyền được bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành công việc kinh doanh cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ theo một hệ thống do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
- Quyền được bên nhượng quyền cấp cho bên nhận quyền sơ cấp quyền thương mại chung;
- Quyền được bên nhượng quyền thứ cấp cấp lại cho bên nhận quyền thứ cấp theo hợp đồng nhượng quyền thương mại chung và;
- Quyền được bên nhượng quyền cấp cho bên nhận quyền quyền thương mại theo hợp đồng phát triển quyền thương mại.
Quyền thương mại trong hợp đồng nhượng quyền thương mại cần phải được hiểu là một gói quyền bao gồm các quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, biểu tượng, khẩu hiệu, logo và các đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ khác. Các quyền này có sự gắn kết chặt chẽ với nhau trong một chỉnh thể thống nhất chứ không đơn giản là một tập hợp các quyền liên quan đến hoạt động nhượng quyền thương mại.
Hàng hóa kinh doanh trong nhượng quyền cũng phải đáp ứng các yêu cầu của pháp luật. Hàng hoá, dịch vụ được phép kinh doanh nhượng quyền thương mại là hàng hoá, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh. Trường hợp hàng hoá, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh, Danh mục hàng hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp chỉ được kinh doanh sau khi được cơ quan quản lý ngành cấp Giấy phép kinh doanh, giấy tờ có giá trị tương đương hoặc có đủ điều kiện kinh doanh (Theo điều 7 Nghị định 35/2006/NĐ-CP).
Nội dung chính của hợp đồng
Theo quy định điều 11 Nghị định 35/2006/NĐ-CP: Trong trường hợp các bên lựa chọn áp dụng luật Việt Nam, hợp đồng nhượng quyền thương mại có thể có các nội dung chủ yếu sau đây:
- Nội dung của quyền thương mại: Đây chính là điều khoản xác định đối tượng của hợp đồng, được coi là trung tâm của hợp đồng, nó có ảnh hưởng tới mọi điều khoản khác trong hợp đồng. Nội dung có thể bao gồm những quyền thương mại được chuyển giao và thỏa thuận về nhượng quyền lại;
- Quyền, nghĩa vụ của Bên nhượng quyền: Nếu các bên không có thỏa thuận khác thì quyền và nghĩa vụ của bên nhượng quyền được quy định tại điều 286 và điều 287 Luật thương mại 2005;
- Quyền, nghĩa vụ của Bên nhận quyền được quy định tại điều 288 và điều 289 Luật thương mại 2005 nếu các bên không có thỏa thuận khác;
- Giá cả, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh toán: Điều khoản này do các bên thỏa thuận. Pháp luật không quy định mức giá cố định cho từng hàng hóa mà các bên căn cứ vào uy tín của hàng hóa, khu vực nhượng quyền và nhu cầu của thị trường,… để quyết định giá, phí thanh toán. Đồng thời lựa chọn phương thức thanh toán cho phù hợp với điều kiện của các bên;
- Thời hạn hiệu lực của hợp đồng: Thời hạn của hợp đồng do các bên thỏa thuận (Khoản 1 điều 13 Nghị định 35/2006/NĐ-CP). Nếu các bên không có thỏa thuận gì khác thì hợp đồng NQTM có hiệu lực từ thời điểm giao kết, nếu có phần nội dung về chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ thì phần đó có hiệu lực theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ (Điều 14 Nghị định 35/2006/NĐ-CP);
- Gia hạn, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp: Hết thời hạn các bên có thể thỏa thuận gia hạn hợp đồng. Thông thường hợp đồng nhượng quyền thương mại sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau: Hết thời hạn thực hiện hợp đồng mà các bên không có thỏa thuận gia hạn; Hợp đồng chưa hết thời hạn thực hiện nhưng các bên có thỏa thuận chấm dứt; Đơn phương chấm dứt hợp đồng như quy định tại Điều 16 Nghị định 35/2006/NĐ-CP.
Hợp đồng NQTM là một loại hợp đồng trong thương mại nên cơ chế giải quyết tranh chấp cho hợp đồng này cũng giống cơ chế giải quyết tranh chấp cho những hợp đồng trong thương mại khác. Điều 317 Luật thương mại 2005 quy định hình thức giải quyết tranh chấp thương mại bao gồm: hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải; giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án. Xuất phát từ quyền tự do kinh doanh, các bên trong hợp đồng NQTM có quyền tự do lựa chọn một trong bốn hình thức giải quyết tranh chấp nói trên để giải quyết các tranh chấp có thể sẽ phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Liên quan đến vấn đề trên, khách hàng cần giải đáp, xin liên hệ hotline công ty Luật Sao Sáng – 09366653636 để được hỗ trợ.
Trân trọng!