Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Phân biệt thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản và sự kiện bất khả kháng

8:45 SA
Thứ Bảy 13/07/2024
 75

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Theo đó, việc định nghĩa và giải thích thế nào và khi nào là sự kiện bất khả kháng và khi nào được coi là sự kiện hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi ký kết, thực hiện hợp đồng vẫn là ưu tiên thuộc về sự thỏa thuận của các bên dựa trên quy định của pháp luật để làm căn cứ xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ hay được miễn trừ trách nhiệm trong quá trình thực hiện hợp đồng. Bộ luật dân sự năm 2015 của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không định nghĩa theo hướng liệt kê trường hợp nào là trường hợp của sự kiện bất khả kháng và trường hợp nào là sự kiện hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Vậy khi nào được coi là sự kiện bất khả kháng và khi nào được coi là hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi thực hiện hợp đồng? và hậu quả pháp lý của sự kiện này là gì?

1. Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản

          Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản được quy định tại Điều 420 Bộ luật dân sự 2015. Khái niệm này xuất hiện lần đầu tiên trong Bộ luật dân sự 2015 để giải quyết cho các trường hợp phát sinh trong thực tiễn khi trong quá trình thực hiện Hợp đồng có những thay đổi về hoàn cảnh dẫn đến việc các bên không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng theo những điều khoản đã thoả thuận trước đó. Song, bên có khả năng bị thiệt hại do hoàn cảnh thay đổi vẫn muốn tiếp tục thực hiện Hợp đồng.

          Bộ luật dân sự 2015 hiện không quy định cụ thể về khái niệm của Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản mà xác định dựa trên 5 điều kiện. Điều kiện để áp dụng “Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản” bao gồm:

 - Hoàn cảnh thay đổi cơ bản do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng.

- Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không lường trước được về hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

- Hoàn cảnh thay đổi cơ bản lớn đến mức nếu các bên biết trước thì sẽ không giao kết Hợp đồng hoặc giao kết với những nội dung khác.

- Nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên.

- Bên có khả năng thiệt hại đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

2. Sự kiện bất khả kháng

Khoản 1, Điều 156 Bộ luật dân sự 2015 quy định “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Trong thực tiễn thỏa thuận và thực hiện hợp đồng cũng như trong quá trình áp dụng sự kiện bất khả kháng, cơ quan tố tụng và các bên thường hiểu và coi bất khả kháng là một sự kiện rủi ro không thể chống đỡ nổi khi nó xảy ra và không thể lường trước khi ký kết hợp đồng như: động đất, bão, lũ, lụt, lốc, sóng thần, lở đất hay hoạt động núi lửa, chiến tranh, dịch bệnh, đình công, cấm vận, thay đổi chính sách của Chính phủ hoặc các bên cũng có thể thỏa thuận những sự kiện khác miễn là đáp ứng các điều kiện của sự kiện bất khả kháng và khi sự kiện bất khả kháng xảy ra thì bên bị rủi ro của sự kiện bất khả kháng được miễn trách nhiệm, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.

3. Phân biệt hoàn cảnh thay đổi cơ bản với sự kiện bất khả kháng

Dựa trên định nghĩa về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản và sự kiện bất khả kháng, có thể phân biệt dựa trên những khía cạnh sau:

Thứ nhất, về điều kiện xác định

Hoàn cảnh thay đổi cơ bản (hardship), như trên đã phân tích, là sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh tới mức gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của một bên làm mất đi cân bằng kinh tế của hợp đồng, làm cho việc thực hiện hợp đồng trở nên rất khó khăn và tốn kém.

Các điều kiện xác định hoàn cảnh thay đổi về cơ bản phải đáp ứng các điều kiện (i) sự thay đổi phải là cơ bản; (ii) là sự kiện khách quan; (iii) các bên không lường trước được khi giao kết hợp đồng; (iv) bên bị thiệt hại không đáng phải gánh chịu.

Định nghĩa sự kiện bất khả kháng tại Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 có thể nói đã nêu được đặc điểm của sự kiện bất khả kháng như sau: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Một sự kiện được coi là bất khả kháng khi sự kiện đó phải: (i) xảy ra một cách khách quan, (ii) không thể lường trước được, (iii) không thể khắc phục được, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp. Trong đó, không thể lường trước bao gồm hai khía cạnh, đó là không thể lường trước được sự kiện đó sẽ xảy ra và không thể lường trước hậu quả. Chẳng hạn tình huống bất thường ngoài tầm kiểm soát như bão, lụt, sóng thần, động đất, núi lửa...

Thứ hai, về mức độ của hoàn cảnh

Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản làm cho việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng trở nên khó khăn hơn nhưng không phải là không thể thực hiện được. Như vậy, mức độ của hoàn cảnh là căn cứ quan trọng để phân biệt bất khả kháng hay Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Với bất khả kháng, sự kiện xảy ra phải không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép. Còn hoàn cảnh thay đổi thì hợp đồng vẫn có thể thực hiện được mặc dù rất khó khăn hoặc không còn ý nghĩa nữa.

Thứ ba, về mục đích

Mục đích của việc viện dẫn điều khoản Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản nhằm duy trì quan hệ hợp đồng trên cơ sở đàm phán lại, trong khi đó việc viện dẫn điều khoản bất khả kháng được đưa ra với mục đích lí giải về lí do không thực hiện hợp đồng với xu hướng hủy bỏ hợp đồng.

Thứ tư, về phạm vi áp dụng

Phạm vi áp dụng của Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản rộng rãi hơn, bất cứ sự kiện khách quan nào làm cho việc thực hiện hợp đồng trở nên nặng nề hơn đối với một bên vi phạm đều có thể viện dẫn Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ.Trong khi bất khả kháng lại được hiểu khá thống nhất ở các quốc gia và áp dụng khi việc thực hiện hợp đồng trở nên không thể. Bên cạnh đó, việc áp dụng Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản không có quy định rõ ràng về việc áp dụng cho loại hợp đồng nào, tuy nhiên, thường được áp dụng cho các hợp đồng dài hạn. 

Thứ năm, về hậu quả pháp lí

Bên vi phạm nghĩa vụ trong hoàn cảnh Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình. Theo Bộ nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế của UINDROIT (PICC) năm 2016 khi gặp hoàn cảnh Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên bất lợi có quyền yêu cầu đàm phán lại hợp đồng. Yêu cầu đàm phán lại không cho phép bên bị bất lợi tạm đình chỉ thực hiện nghĩa vụ của mình. Nếu xác định có hoàn cảnh Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản và nếu hợp lí, tòa án có thể chấm dứt hợp đồng hoặc sửa đổi hợp đồng nhằm thiết lập lại sự cân bằng, tạo điều kiện tiếp tục thực hiện hợp đồng. Điều này có nghĩa là, tòa án có thể quyết định chấm dứt hoặc sửa đổi hợp đồng nhưng với điều kiện hết sức nghiêm ngặt và có thể hiểu tòa án ưu tiên việc sửa đổi hợp đồng nhằm cân bằng quyền lợi hai bên.

Nếu là Sự kiện bất khả kháng, bên vi phạm được miễn hoàn toàn trách nhiệm hoặc các bên có thể gia hạn một thời gian hợp lí để tiếp tục thực hiện hợp đồng khi sự kiện bất khả kháng kết thúc. Điều khoản bất khả kháng có hậu quả pháp lí quá cực đoan “hoặc được tất cả hoặc không có gì”. Phải thấy rằng, trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên phải đối mặt với quá nhiều rủi ro, cho nên nếu giải quyết trong mọi trường hợp có sự kiện khách quan bất ngờ xảy ra làm đảo lộn sự mất cân bằng hợp đồng là bất khả kháng thì không đảm bảo sự công bằng cho các bên. Nếu như bất khả kháng là căn cứ để chấm dứt hợp đồng hoặc tạm ngừng hợp đồng thì điều khoản Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản nhằm mục tiêu đầu tiên là tiếp tục thực hiện hợp đồng. Các bên đàm phán lại để điều chỉnh hợp đồng cho phù hợp 2 Bộ nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế của Ủy ban Quốc tế về Nhất thể hóa Pháp luật tư – UINDROIT, (PICC).

Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp lý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn !

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .