Phân tích các nguyên tắc thực hiện hợp đồng thương mại
Việt Nam đang trên đà phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang ngày càng được đẩy mạnh nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nước nhà; kéo theo đó là sự gia tăng của các giao dịch thương mại, thể hiện qua hợp đồng thương mại. Vậy các nguyên tắc trong việc thực hiện hợp đồng thương mại là gì?
1. Khái niệm hợp đồng thương mại:
– Hợp đồng thương mại là khái niệm khá quen thuộc đối với các cá nhân tham gia kinh doanh, mua bán hàng hóa, cũng như điều hành doanh nghiệp. Thực tế, hợp đồng thương mại có mối quan hệ mật thiết, liên quan trực tiếp đến hoạt động thương mại, và được điều chỉnh bởi Luật Thương mại.
– Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005 giải thích về hoạt động thương mại như sau:
“Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”.
Như vậy, có thể hiểu hợp đồng thương mại là sự thỏa thuận giữa các bên để thực hiện hoạt động thương mại nhằm mục đích sinh lợi. Hay nói cách khác, hợp đồng thương mại là hình thức pháp lý của hành vi thương mại, là sự thỏa thuận giữa hai hay nhiều bên (ít nhất một trong các bên phải có tư cách thương nhân) nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc thực hiện các hoạt động thương mại.
2. Các nguyên tắc thực hiện hợp đồng thương mại:
2.1. Nguyên tắc giao kết hợp đồng thương mại:
Điều 117 Bộ luật Dân sự nă 2015 quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự có thể hiểu hợp đồng thương mại được giao kết với những nguyên tắc sau:
– Thứ nhất, tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng là các bên được toàn quyền quyết định về việc giao kết hợp đồng, giao kết hợp đồng với đối tác nào, thời điểm, địa điểm, nội dung, phương thức giao kết hợp đồng… Nguyên tắc này thể hiện sự tự do trong giao kết. Tức các bên tự do thể hiện ý chí của cá nhân trong việc thỏa thuận xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự, được pháp luật bảo đảm. Tuy nhiên, mọi sự tự do trong thỏa thuận, giao kết phải không vi phạm các chế tài, quy định của pháp luật. Như vậy, tự do giao kết hợp đồng thương mại cũng phải bảo đảm nội dung không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội, kể cả đạo đức trong kinh doanh.
– Thứ hai, tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng.
Khi giao kết hợp đồng thương mại, các thương nhân hoàn toàn tự do trong việc thể hiện ý chí, không có sự áp đặt, cấm đoán, cưỡng đoạn, ngăn cản bên nào. Có thể hiểu, nguyên tắc này thể hiện các bên đều bình đẳng, không được phân biệt thành phần kinh tế, quy mô, loại hình tổ chức, ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, kể cả ngành nghề độc quyền… Ngoài ra, trong quá trình ký kết hợp đồng thương mại các bên cần thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng… đây là các thái độ tâm lý của các bên phù hợp với ý chí tự nguyện gia kết hợp đồng nhằm bảo đảm sau khi giao kết, các bên đều thuận lợi khi thực hiện hợp đồng.
2.2. Nguyên tắc thực hiện hợp đồng thương mại:
Hợp đồng thương mại được thực hiện dựa trên những nguyên tắc cụ thể sau đây:
– Thứ nhất, nguyên tắc thực hiện đúng hợp đồng.
Thực hiện đúng hợp đồng được xem là nguyên tắc chủ đạo, quan trọng nhất của hợp đồng thương mại. Khi bắt đầu thực hiện hợp đồng thương mại, các bên phải đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại thời hạn, phương thức và các thỏa thuận khác. Hay nói cách khác, các bên có nghĩa vụ thực hiện đúng và đầy đủ theo các điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng cũng như các điều khoản mang tính tất yếu theo quy định của pháp luật. Nguyên tắc này đòi hỏi mọi cam kết, thỏa thuận trong hợp đồng đều được các bên tôn trọng và bảo đảm thực hiện. Điều đó cũng có nghĩa là không phải chỉ trong quá trình giao kết mà các bên bình đẳng với nhau cả trong quá trình thực hiện hợp đồng thương mại. Hơn hết, nguyên tắc này giúp tối ưu hóa giá trị pháp lý của bản hợp đồng, mà ở đó, các bên chủ thể sẽ tôn trọng và tuân thủ các thỏa thuận đã lập nên.
– Thứ hai, nguyên tắc thực hiện một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau.
Hợp đồng thương mại được tạo lập nên dựa trên ý chí, mục đích và định hướng của các bên. Thực hiện hợp đồng trung thực là một bảo đảm để nguyên tắc thực hiện đúng trên thực tế. Bởi nếu một trong số các bên thực hiện hợp đồng không trung thực có thể dẫn đến hiện tượng lừa dối đối với một hoặc các bên còn lại trong hợp đồng thương mại. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến ý chí, nguyện vọng của các bên còn lại. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên phải tuân thủ theo nguyên tắc trung thực và tin tưởng lẫn nhau. Nguyên tắc này đặt ra yêu cầu rằng, trong quá trình thực hiện hợp đồng mỗi bên cần quan tâm, tôn trọng quyền lợi của bên kia trong cùng hợp đồng chứ không chỉ biết đến các lợi ích của mình. Có như vậy, giá trị thỏa thuận của hợp đồng cũng như quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia mới được đảm bảo một cách tối đa nhất.
– Thứ ba, không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Bất kỳ một giao dịch, một hợp đồng được thỏa thuận ký kết phải đảm bảo tính hợp pháp. Hợp pháp ở đây không chỉ tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật, mà còn phải bảo vệ, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; tôn trọng, tuân thủ các quy định chung của Nhà nước và pháp luật. Nếu trong giao kết hợp đồng thương mại các bên phải bảo đảm không trái pháp luật và đạo đức xã hội thì trong quá trình thực hiện hợp đồng thương mại các bên phải bảo đảm không xâm hại đến lợi ích của người thứ ba đó là lợi ích của nhà nước, cộng đồng và các tổ chức, cá nhân khác. Kể cả trong trường hợp việc thực hiện hợp đồng thương mại không thuộc phạm vi các hoạt động thương mại bị pháp luật cấm nhưng lại xâm hại đến lợi ích của nhà nước, cộng đồng và các tổ chức, cá nhân khác thì các bên không được thực hiện các hoạt động đó.
Như vậy, khi thực hiện hợp đồng thương mại, các bên tham gia phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc theo quy định của pháp luật. Có như vậy, quá trình giao kết cũng như thực hiện hợp đồng mới được diễn ra một cách khách quan, rõ ràng, phát huy đến mức tối đa vai trò của bản hợp đồng thương mại. Cùng với đó, các nguyên tắc này sẽ góp phần tham chiếu, định hướng, bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tham gia một cách tối đa nhất.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp lý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn !
Bài viết cùng chuyên mục
Ví dụ: đơn ly hôn, ly hôn đơn phương, tư vấn luật, tư vấn pháp luật, ...