KIỆN ĐÒI TÀI SẢN THEO QUY ĐINH PHÁP LUẬT
Ở Việt Nam, tùy theo từng trường hợp, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền sở hữu tài sản của mình theo các phương thức khác nhau trong đó có kiện đòi tài sản. Trên thực tế, việc kiện đòi tài sản cũng diễn ra khá nhiều bởi hiện nay có nhiều quan hệ dân sự phát sinh làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của đương sự trong việc bảo vệ tài sản của mình. Chính vì thế, cần nắm rõ quy định về kiện đòi tài sản để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức.
1. Kiện đòi lại tài sản là gì?
Kiện đòi lại tài sản là việc chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp yêu cầu tòa án buộc người có hành vi chiếm hữu bất hợp pháp phải trả lại tài sản cho mình. Đòi lại tài sản là một trong những phương thức bảo vệ quyền của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp.
Quyền đòi lại tài sản được quy định tại Điều 166 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) như sau: Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật. Tuy nhiên, đối với những tài sản đang được chiếm hữu bởi chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản đó.
2. Quy định của pháp luật về kiện đòi tài sản:
2.1 Điều kiện để đòi lại tài sản
Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà việc đòi lại tài sản cần phải có những điều kiện khác nhau. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết bắt buộc có ở mọi trường hợp là đối tượng khởi kiện đòi lại tài sản phải có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Các trường hợp khác đó là:
- Đối với trường hợp “Quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình” thì điều kiện để đòi lại tài sản như sau:
+ Tài sản có được này phải thông qua hợp đồng không có đền bù (hoặc hợp đồng có đền bù trong trường hợp động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu)
+ Chủ thể là người đang thực tế chiếm hữu/sử dụng tài sản đó không có căn cứ do pháp luật quy định.
+ Chủ sở hữu phải chứng minh được tài sản chiếm hữu không có căn cứ pháp luật đó là tài sản của chính mình.
- Đối với trường hợp “Bị đơn là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng chiếm hữu ngay tình tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu, thông qua hợp đồng có đề bù và theo ý chí của người chiếm hữu có căn cứ pháp luật như cho mượn, cho thuê…”: chủ sở hữu trong trường hợp này sẽ không được kiện đòi lại tài sản của người đang thực tế chiếm hữu tài sản đó mà sẽ kiện người mình đã chuyển giao tài sản kia.
- Đối với trường hợp “Bị đơn là người chiếm hữu không có căn pháp luật nhưng ngay tình đối với bất động sản và tài sản phải đăng ký quyền sở hữu”: chủ sở hữu có quyền yêu cầu đòi lại tài sản.
- Hồ sơ để đòi lại tài sản
Để khởi kiện đòi lại tài sản, quý khách hàng cần chuẩn bị những hồ sơ, giấy tờ sau:
+ Các giấy tờ chứng minh nhân thân của mình, của người có liên quan như: giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu….
+ Các tài liệu chứng cứ chứng minh việc khởi kiện đòi lại tài sản là có căn cứ và đúng với quy định của pháp luật.
+ Các tài liệu, chứng cứ chứng minh lỗi hay dấu hiệu vi phạm của những chủ thể có liên quan.
+ Biên lai đã nộp lệ phí/ tạm ứng án phí theo quy định của pháp luật.
+ Các tài liệu khác có liên quan.
2.2 Đối tượng của kiện đòi lại tài sản
Khoản 1 Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Tuy vậy do đặc thù của phương thức kiện đòi lại tài sản nên không phải tất cả những tài sản trên đều là đối tượng của kiện đòi lại tài sản.
Vật trong kiện đòi lại tài sản chỉ bao gồm vật có thực và đang còn tồn tại trên thực tế. Vật là đối tượng của kiện đòi lại tài sản hiện còn tồn tại có thể là vẫn còn nguyên ở trạng thái ban đầu hoặc về cơ bản vẫn còn nhưng đã bị giảm sút hoặc gia tăng về giá trị. Nếu vật không còn tồn tại do đã bị mất hoặc bị tiêu hủy thì không thể áp dụng phương thức kiện đòi lại tài sản được.
Tiền là đối tượng của kiện đòi lại tài sản khi chủ sở hữu biết rõ số seri của những tờ tiền đó mà hiện đang bị người khác chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Đối với trường hợp tiền đã được bao gói niêm phong mà bị người khác chiếm hữu trái pháp luật và hiện số tiền đó vẫn còn nguyên bao gói thì việc kiện đòi lại tài sản ở đây là kiện đòi lại tài sản là vật chứ không phải là tiền.
Giấy tờ có giá có thể là đối tượng của kiện đòi lại tài sản. Giấy tờ có giá chính là giấy tờ minh chứng cho quyền tài sản vô danh, giá trị của giấy tờ chính là giá trị của quyền tài sản mà nó minh chứng.
Quyền tài sản là loại tài sản vô hình, do vậy không thể thực hiện quyền chiếm hữu đối với loại tài sản này. Căn cứ vào đặc điểm của phương thức kiện đòi lại tài sản thì quyền tài sản không phải là đối tượng của phương thức này.
2.3 Phương thức kiện đòi lại tài sản
Kiện đòi tài sản được pháp luật quy định khá rõ ràng và đầy đủ về phương thức bao gồm: chủ thể có quyền, đối tượng khởi kiện, quan hệ hợp đồng giữa nguyên đơn và bị đơn…. Phương thức kiện đòi lại tài sản này cũng như các phương thức kiện đòi dân sự khác, nó đều tạo điều kiện thuận lợi và dễ dàng cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp để họ có thể chủ động bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chính mình một cách nhanh chóng và thuận tiện
2.4 Các trường hợp áp dụng kiện đòi lại tài sản
Những trường hợp được áp dụng kiện đòi lại tài sản theo quy định của pháp luật là:
+ Trường hợp đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình
+ Bị đơn là người chiếm hữu không có căn pháp luật nhưng ngay tình đối với bất động sản và tài sản phải đăng ký quyền sở hữu
2.5 Các trường hợp không được kiện đòi lại tài sản
Tuy pháp luật quy định chủ thể có liên quan có thể khởi kiện đòi lại tài sản nhưng không phải lúc nào họ cũng có quyền này, trong một số trường hợp nhất định thì họ sẽ không được kiện đòi lại tài sản.
Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó. Đơn cử như trường hợp: Bị đơn là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng chiếm hữu ngay tình tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu, thông qua hợp đồng có đề bù và theo ý chí của người chiếm hữu có căn cứ pháp luật như cho mượn, cho thuê…
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 – 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!