Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

LIỆU CÓ VIỆC TOÀ ÁN TỪ CHỐI GIẢI QUYẾT VỤ VIỆC DÂN SỰ VỚI LÝ DO KHÔNG CÓ ĐIỀU LUẬT ÁP DỤNG?

15:21 CH
Thứ Năm 05/10/2023
 465

Nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng lần đầu tiên được quy định trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam (BLTTDS 2015). Quy định này ra đời góp phần đảm bảo tốt các quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức và nâng cao hiệu quả trong công tác giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án. Cụ thể nội dung các nguyên tắc giải quyết này ra sao, thứ tự áp dụng quy phạm pháp luật như thế nào, tất cả sẽ được Luật Sao Sáng giải đáp thông qua bài viết sau đây!

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS 2015);
  • Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015);
  • Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP;
  • Quyết định 120/QĐ-TANDTC.

I. Nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự khi chưa có điều luật áp dụng là gì?

     Vụ việc dân sự là các tranh chấp, các yêu cầu về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và lao động được Tòa án thụ lý, giải quyết theo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự trên cơ sở có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

     Khái niệm vụ việc dân sự chưa có điều luật áp dụng được quy định tại Khoản 2 Điều 4 BLTTDS 2015:

Điều 4. Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

2. Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng”.

* Lưu ý: Không phải vụ việc nào Tòa án cũng thụ lý giải quyết mà chỉ là các vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự, tức là mang tính thân nhân hoặc tính tài sản mà chưa có điều luật áp dụng tại thời điểm phát sinh và được cơ quan, tổ chức cá nhân yêu cầu thì Tòa án mới giải quyết.

     Nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự khi chưa có điều luật áp dụng được hiểu là tư tưởng pháp lý xuyên suốt, chỉ đạo, định hướng cho hoạt động giải quyết vụ việc dân sự khi chưa có điều luật áp dụng của Toà án.

II. Nội dung nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự khi chưa có điều luật áp dụng.

     Khoản 2 Điều 4 BLTTDS 2015 quy định:

“2. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật dân sự và Bộ luật này quy định.”

     Điều 45 BLTTDS 2015 quy định nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự khi chưa có điều luật áp dụng. Theo đó, pháp luật đưa ra năm (05) nguồn Toà án sẽ áp dụng, lần lượt theo trình tự: (1) Áp dụng tập quán; (2) Áp dụng tương tự pháp luật; (3) Áp dụng nguyên tắc cơ bản của pháp luật, án lệ, lẽ công bằng.

1. Áp dụng tập quán

     a, Khái niệm tập quán

     Theo quy định tại Điều 5 BLDS 2015, một quy tắc xử sự được xác định là tập quán khi có đủ các tiêu chí sau: (i) Có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể; (ii) Được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài; (iii) Được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự.

     b, Quy định pháp luật về áp dụng tập quán trong giải quyết vụ việc dân sự

     Trong BLDS, việc áp dụng tập quán được ghi nhận rải rác trong nhiều quy định: Điều 5 - nguyên tắc áp dụng tập quán; khoản 2 Điều 26 - tập quán được áp dụng đối với quyền có họ, tên; áp dụng tập quán trong việc giải thích giao dịch dân sự - Điều 121; giải thích hợp đồng - Điều 404; họ, hụi, biêu, phường - Điều 471… Bên cạnh luật nội dung là BLDS, việc áp dụng tập quán trong giải quyết vụ việc dân sự được quy định trong pháp luật tố tụng tại khoản 1 Điều 45 BLTTDS 2015 như sau: 

     Khi yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng, đương sự có quyền viện dẫn tập quán để yêu cầu Tòa án xem xét áp dụng. Trường hợp các đương sự viện dẫn các tập quán khác nhau thì tập quán có giá trị áp dụng là tập quán được thừa nhận tại nơi phát sinh vụ việc dân sự.

     Tòa án có trách nhiệm xác định giá trị áp dụng của tập quán. Tập quán được áp dụng để giải quyết vụ việc dân sự khi có đủ các điều kiện: (i) Các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định về nội dung giải quyết vụ việc dân sự đó; (ii) Tập quán không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 BLDS 2015.

2. Áp dụng tương tự pháp luật 

     a, Khái niệm áp dụng tương tự pháp luật 

     Khái niệm “áp dụng tương tự pháp luật” chưa từng được quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam, nhưng được ghi nhận và phân tích trong các tác phẩm khoa học pháp lý liên quan. 

     Dưới góc nhìn của các nhà khoa học pháp lý thuộc lĩnh vực Lý luận về nhà nước và pháp luật, thuật ngữ được sử dụng là “áp dụng pháp luật tương tự”, với định nghĩa cụ thể là “việc các chủ thể có thẩm quyền áp dụng pháp luật tiến hành giải quyết những trường hợp không có quy phạm pháp luật điều chỉnh theo nguyên tắc tương tự”. Theo đó “áp dụng pháp luật tương tự” bao gồm “áp dụng tương tự quy phạm pháp luật”, tức việc giải quyết vụ việc thực tế trên cơ sở quy phạm pháp luật điều chỉnh trường hợp khác có nội dung gần giống với vụ việc cần giải quyết và “áp dụng tương tự pháp luật”, nghĩa là việc giải quyết vụ việc thực tế trên cơ sở những nguyên tắc chung của pháp luật hiện hành, ý thức pháp luật, kết hợp với các quy phạm xã hội khác. 

     Trong pháp luật dân sự và tố tụng dân sự, thuật ngữ “áp dụng tương tự pháp luật” được hiểu tương tự với định nghĩa về “áp dụng tương tự quy phạm pháp luật” nêu trên. 

     b, Quy định pháp luật về áp dụng tương tự pháp luật

     Việc áp dụng tương tự pháp luật trong giải quyết vụ việc dân sự được quy định tại Khoản 2 Điều 45 BLTTDS 2015: 

“Tương tự pháp luật được áp dụng để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng theo quy định tại Điều 5 của Bộ luật Dân sự và Khoản 1 Điều này.

Khi áp dụng tương tự pháp luật, Toà án xác định rõ tính chất pháp lý của vụ việc dân sự, xác định rõ trong hệ thống pháp luật hiện hành không có quy phạm pháp luật nào điều chỉnh quan hệ đó và xác định quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.”

     Vậy việc áp dụng tương tự pháp luật trong giải quyết vụ việc dân sự cần đáp ứng những điều kiện sau: (i) Những vụ việc cần phải quyết phải là vụ việc có liên quan đến quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật dân sự, (ii) Vào thời điểm giải quyết, các bên không có thoả thuận, pháp luật không có quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp và không có tập quán được áp dụng. (iii) có quy phạm pháp luật điều chỉnh vụ việc khác có nội dung tương tự. 

3. Áp dụng nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự

     a, Khái niệm về nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự

     Nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là những tư tưởng pháp lý chỉ đạo, định hướng cho việc xây dựng và thực hiện pháp luật dân sự và được ghi nhận trong các văn bản pháp luật dân sự. Việc áp dụng các nguyên tắc cơ bản này sẽ đảm bảo rằng các tranh chấp dân sự được giải quyết một cách công bằng và có trật tự, cũng như bảo đảm quyền của các bên được thực hiện đầy đủ và trung thực.

     b, Quy định pháp luật về áp dụng nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự

Điều 3 BLDS 2015 quy định các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là: 

  • Nguyên tắc bình đẳng

Nguyên tắc này có nghĩa là đã là chủ thể trong quan hệ dân sự đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong quá trình xác lập, thực hiện, giải quyết các tranh chấp, không có bất kỳ sự phân biệt nào trong các quan hệ dân sự nhân thân và tài sản; các bên bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm trong xác lập, thực hiện quan hệ dân sự. Quan hệ dân sự không đảm bảo yếu tố bình đẳng có thể bị coi là vô hiệu.

  • Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận

Nguyên tắc này đảm bảo cho các bên đương sự được xác lập quan hệ dân sự hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện, không bị đe dọa, cưỡng ép. Do đó, những quan hệ được xác lập thông qua các giao dịch dân sự không dựa trên sự tự nguyện sẽ không được bảo đảm phát sinh hiệu lực. Nguyên tắc tôn trọng ý chí của các bên chủ thể được xem là dấu hiệu đặc trưng nhằm phân biệt quan hệ xã hội do Luật Dân sự điều chỉnh với các quan hệ pháp luật hình sự và các quan hệ pháp luật hành chính, vốn sử dụng nguyên tắc mệnh lệnh, quyền uy. 

  • Nguyên tắc thiện chí, trung thực

Thiện chí, trung thực là không gian dối và luôn có ý thức thực hiện đúng, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết với các bên chủ thể khác. Nguyên tắc này đảm bảo cho các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự có thể tiếp cận được với những nguồn thông tin chân thực để xác lập,thực hiện, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Người có hành vi không trung thực khi xác lập, thực hiện, chấm dứt quan hệ pháp luật dân sự có thể phải chịu trách nhiệm dân sự. 

  • Nguyên tắc tôn trọng lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác

Nguyên tắc thể hiện giới hạn quyền hành xử của các cá nhân, pháp nhân khi xác lập, thực hiện quan hệ dân sự. Trong quan hệ dân sự (bao gồm cả việc xác lập, thực hiện) vì lợi ích của một chủ thể mà làm ảnh hưởng hoặc xâm phạm đến “lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác” thì quan hệ dân sự đó không được pháp luật dân sự công nhận, bảo hộ. 

  • Nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự

Tự chịu trách nhiệm dân sự là cơ sở pháp lý nhằm đảm bảo cho mọi quan hệ dân sự đã được các chủ thể xác lập luôn luôn được thực hiện nghiêm minh. Trong các quan hệ dân sự mỗi chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự cụ thể phải chịu trách nhiệm về các hành vi và hậu quả của hành vi đó. Nếu bên vi phạm không tự nguyện thực hiện thì có thể bị cưỡng chế thực hiện.

Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được Tòa án áp dụng để giải quyết vụ việc trong trường hợp các bên không có thoả thuận, pháp luật không có quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp, không có tập quán được áp dụng và không có quy phạm pháp luật tương tự. 

4. Áp dụng án lệ 

     a, Khái niệm án lệ

     Trong tố tụng dân sự, khái niệm chính thức về án lệ được ghi nhận tại Điều 1 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP do Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ban hành:Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.”

     b, Quy định pháp luật về áp dụng án lệ

  • Điều kiện áp dụng án lệ

Căn cứ theo Điều 45 BLTTDS, để giải quyết vụ việc dân sự khi chưa có điều luật áp dụng thì Tòa án áp dụng theo thứ tự: tập quán, tương tự pháp luật và sau cùng là nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng. 

Ngoài điều kiện không có các nguồn luật khác thì thì cần xác định vấn đề pháp lý của các vụ án có tương tự nhau hay không để áp dụng án lệ. Ví dụ: Án lệ số 55 có nội dung: “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác lập trước ngày 1/1/2017 chưa được công chứng/chứng thực nhưng bên nhận chuyển nhượng đã thực hiện ⅔ nghĩa vụ của mình thì toà án công nhận hiệu lực của hợp đồng”. Đặt ra giả thiết: hợp đồng chuyển nhượng nhà chung cư đã thực hiện 2/3 nghĩa vụ hợp đồng, tuy nhiên chưa công chứng hợp đồng thì hợp đồng có được công nhận hiệu lực hay không? Như vậy, để áp dụng được án lệ số 55 thì cần xem xét hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và hợp đồng chuyển nhượng nhà chung cư có được xem là vấn đề pháp lý tương tự.

  • Tính bắt buộc của áp dụng án lệ

Tính bắt buộc của việc áp dụng án lệ được thể hiện tại Khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, quy định về nghĩa vụ cả Thẩm phán và hội thẩm, đối với tình huống pháp lý tương tự thì việc áp dụng án lệ mang tính bắt buộc, nếu không áp dụng án lệ thì thẩm phán, hội thẩm phải nêu rõ lý do. 

Luật chưa có quy định về việc nếu thẩm phán áp dụng sai hoặc không áp dụng án lệ đối với vụ việc có vấn đề pháp lý tương tự thì sẽ bị xử lý như thế nào. Tuy nhiên, thực tế đã có quyết định Giám đốc thẩm hủy bản án khi không áp dụng án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 44/2020/DS-GĐT ngày 11/08/2020 của Chánh án TAND tối cao Hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 155/2019/DS-PT “Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không tính công sức nêu trên của bà Hương không phù hợp với thực tiễn và tinh thần án lệ số 02/2016/AL ngày 6/4/2016 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao”.

  • Quy định về viện dẫn án lệ

Sau 30 ngày kể từ ngày án lệ được công bố thì án lệ đó được nghiên cứu, áp dụng trong hoạt động xét xử. Trường hợp Tòa án áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc bắt buộc phải viện dẫn nội dung án lệ đó trong phần “Nhận định của toà án”. Nội dung án lệ cần viện dẫn gồm: (i) Số, tên án lệ; (ii) Tình huống pháp lý của án lệ; (iii) Giải pháp pháp lý của án lệ.

Tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn toàn bộ hoặc một phần nội dung của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết vụ việc tương tự.

5. Áp dụng lẽ công bằng 

     a, Khái niệm lẽ công bằng

     Theo quy định tại khoản 3 Điều 45 BLTTDS 2015 thì “Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong VVDS đó”. Việc áp dụng lẽ công bằng trong quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự sẽ đảm bảo các tranh chấp được giải quyết một cách thấu tình và đạt lý.

     b, Quy định của pháp luật về lẽ công bằng 

     Áp dụng lẽ công bằng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự là quy định mới được ghi nhận trong BLDS 2015 và BLTTDS 2015. Việt Nam là quốc gia thuộc hệ thống pháp luật dân sự (Civil Law) nên pháp luật thành văn luôn đóng vai trò quan trọng và luôn được ưu tiên áp dụng đầu tiên. Chính vì thế lẽ công bằng chỉ được áp dụng trong trường hợp vụ việc không có quy định pháp luật, tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và án lệ áp dụng. Việc áp dụng lẽ công bằng có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo các vụ việc dân sự được giải quyết một cách nhanh chóng, kịp thời từ đó bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân. 

   Như vậy, không thể xảy ra việc Tòa án từ chối thụ lý giải quyết vụ việc dân sự với lý do chưa có điều luật áp dụng tại thời điểm phát sinh tranh chấp dân sự. Trường hợp thẩm phán cố tình không thụ lý hồ sơ với lý do không có điều luật áp dụng thì sẽ phải nhận các chế tài xử lý nhất định theo nội dung tại Quyết định số 120/QĐ-TANDTC.

III. Chế tài xử lý khi Tòa án từ chối giải quyết vụ việc dân sự khi chưa có điều luật áp dụng

     Điểm d Khoản 1 Điều 9 Quyết định 120/QĐ-TANDTC năm 2017 quy định khi thẩm phán có hành vi trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự không đúng quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của TAND thì thẩm phán đó sẽ bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị. Nếu đã bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị nhưng sau đó thẩm phán vẫn tiếp tục từ chối giải quyết vụ việc dân sự khi chưa có điều luật áp dụng thì sẽ bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức tạm dừng thực hiện nhiệm vụ được giao trong thời gian 30 ngày theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Quyết định 120/QĐ-TANDTC. 

     Bên cạnh đó, theo Khoản 2 Điều 4 Quyết định 120/QĐ-TANDTC, người bị xử lý trách nhiệm sẽ không được xem xét, đề nghị người có thẩm quyền khen tặng danh hiệu thi đua từ “Lao động tiên tiến” trở lên khi kết thúc năm công tác. Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, người bị xử lý trách nhiệm có thể phải chịu các hậu quả khác như: không được xem xét quy hoạch chức vụ lãnh đạo, quản lý; không được xem xét cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị; không được xem xét đề nghị bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; không được tham gia kỳ thi tuyển chọn, nâng ngạch trong thời gian bị xử lý trách nhiệm. 

     Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email luatsaosang@gmail.com hoặc qua hotline: 0936.65.36.36 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .