THEO DÕI NGƯỜI KHÁC CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT KHÔNG?
Vì nhiều mục đích khác nhau, mà nhiều người có hành vi theo dõi người khác. Vậy hành vi này có xâm phạm đời sống riêng tư của cá nhân mỗi người hay không?
1. Quyền được bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân
Theo Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân được pháp luật bảo vệ về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, cụ thể:
- Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
- Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
- Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định…
2. Theo dõi người khác có phải là hành vi vi phạm pháp luật?
Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà hành vi theo dõi người khác được xếp vào hành vi có vi phạm pháp luật hoặc không vi phạm. Theo quy định tại Hiến pháp 2013 thì:
– Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
– Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
Như vậy trường hợp cá nhân đi theo dõi người khác, sau đó thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân rồi công khai với mọi người là vi phạm pháp luật, trừ khi phải được người đó đồng ý.
3.Hành vi theo dõi người khác bị xử phạt hành chính như thế nào?
Theo quy định tại Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì:
Điều 54. Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
b) Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình;
c) Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này;
b) Buộc thu hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh đối với hành vi quy định tại các điểm a và c khoản 2 Điều này.
Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng 2018, người có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cũng được xem là hành vi vi phạm pháp luật.
4. Một số trường hợp người theo dõi người khác có thể bị truy cứu TNHS
- Người nào theo dõi, điều tra người khác thông qua đồ dùng cá nhân như điện thoại, thư tín có thể bị truy cứu TNHS nếu rơi vào các trường hợp quy định tại Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.
Mức phạt cao nhất đối với tội danh này có thể lên đến 3 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
- Trong trường hợp người theo dõi thông qua việc xâm nhập nơi ở của người khác có thể bị truy cứu TNHS đối với Tội xâm phạm chỗ ở của người khác quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).
Theo đó, người có hành vi khám xét, xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Mức phạt tối đa đối với người phạm tội này có thể lên đến 5 năm tù.
Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 – 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!