THUÊ MUA NHÀ Ở XÃ HỘI LÀ GÌ? ĐIỀU KIỆN THUÊ MUA NHÀ Ở XÃ HỘI
Thuê mua nhà ở xã hội là gì? Có nên thuê mua nhà ở xã hội không? Đây là loại nhà ở được nhận sự hỗ trợ từ Nhà nước. Dành cho những đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định. Nếu bạn đang tìm hiểu về vấn đề này, hãy cùng Luật Sao Sáng đọc ngay bài viết sau:
Nhà ở xã hội là loại nhà ở được nhận sự hỗ trợ của Nhà nước dành cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Luật nhà ở năm 2014.
1. Thuê mua nhà ở xã hội là gì?
Theo quy định của luật pháp, thuê mua nhà ở xã hội là việc bên cho thuê mua nhận 20% giá trị nhà ở từ bên thuê mua. Nếu người thuê mua có điều kiện thanh toán thêm, thì được tăng mức trả trước nhưng không được vượt quá 50% giá trị nhà ở.
Số tiền còn lại sẽ được chia đều thành tiền thuê nhà hàng tháng trong một khoảng thời gian nhất định. Sau khi hết hạn hợp đồng thuê mua và thanh toán hết số tiền còn lại, người thuê mua có quyền sở hữu đối với nhà ở đó.
Như vậy, thuê mua Nhà ở xã hội được hiểu rõ hơn là việc người thuê mua nhà ở xã hội sẽ được công nhận sở hữu đối với nhà ở sau thời gian chi trả tiền theo quy định của pháp luật.
Quy định này nhằm đảm bảo các đối tượng có thu nhập thấp hoặc trung bình được thuê mua nhà ở xã hội. Đảm bảo khả năng chi trả trên 15 năm, không quá 20 năm, đồng thời khắc phục tình trạng đầu cơ, mua đi bán lại nhà ở xã hội để trục lợi.
Khi hết hạn hợp đồng, bên thuê mua được phép làm thủ tục để cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Trong thời gian làm thủ tục, người thuê mua không có quyền chuyển nhượng nhà ở xã hội cho người khác với bất kỳ lý do gì.
2. Điều kiện thuê mua nhà ở xã hội
Theo đó, việc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội phải đúng quy định tại Điều 62 Luật nhà ở năm 2014 quy định về nguyên tắc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội.
Trong cùng một thời gian, mỗi đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật nhà ở năm 2014 sẽ chỉ được thuê hoặc thuê mua hay mua một căn nhà ở xã hội, đối với học sinh tại các trường dân tộc nội trú công lập thì không phải trả tiền thuê nhà ở và các dịch vụ trong quá trình sử dụng.
Thời hạn của hợp đồng thuê mua nhà ở xã hội tối thiểu là 05 năm và thời hạn thanh toán tiền thuê mua nhà ở xã hội tối thiểu là 05 năm kể từ ngày ký hợp đồng thuê mua nhà ở.
Bên thuê, thuê mua nhà ở xã hội không được bán, cho thuê lại, cho mượn nhà ở trong thời gian thuê, thuê mua, nếu bên thuê, thuê mua không còn nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở thì chấm dứt hợp đồng và phải trả lại nhà ở này.
Mọi trường hợp cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội không đúng quy định của Luật nhà ở năm 2014 thì hợp đồng cho thuê, thuê mua, mua bán nhà ở không có giá trị pháp lý và bên thuê, thuê mua, mua phải bàn giao lại nhà ở cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội; trường hợp không bàn giao lại nhà ở thì Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh nơi có nhà ở tổ chức cưỡng chế để thu hồi lại nhà ở đó.
Việc xử lý tiền thuê, tiền mua nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự; việc xử lý tiền thuê mua nhà ở xã hội được thực hiện theo quy định tại Điều 135 của Luật nhà ở năm 2014.
3. Một số điểm khác biệt giữa thuê nhà ở xã hội và thuê mua nhà ở xã hội
Như vậy, các điều luật viện dẫn trên đã có thể cho thấy sự khác biệt giữa thuê mua nhà ở (xã hội) và thuê nhà ở (xã hội):
Thuê nhà ở: là bên đi thuê chỉ có quyền sử dụng trong một thời gian với các điều kiện theo Hợp đồng thuê nhà ở; khi hết hạn phải trả lại nhà cho chủ sở hữu (nếu không gia hạn thời gian thuê); trên giấy đăng ký quyền sở hữu nhà vẫn đứng tên chủ đầu tư (bên cho thuê).
Thuê mua nhà ở: được hiểu là một hình thức chuyển giao quyền sở hữu nhà ở từ bên cho thuê sang bên thuê trong một thời hạn nhất định, theo những điều kiện mà hai bên thoả thuận. Quyền sở hữu bất động sản chỉ được chuyển giao cho bên thuê mua bên thuê mua đã thanh toán hết toán bộ tiền mua và khi kết thúc hợp đồng thuê mua.
Thông thường, khi thuê mua nhà ở xã hội thì người mua phải trả trước 20% giá trị nhà ở thuê mua và trả số tiền còn lại theo thời gian do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định, nhưng không thấp hơn 15 năm và không vượt quá 20 năm. Khi hết thời hạn thuê mua nhà ở thì người mua nhà mới được làm thủ tục để cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Trong suốt thời gian đó, người thuê mua nhà sẽ không có quyền sang nhượng nhà cho người khác. Việc thuê mua nhà ở nói chung (bao gồm cả thuê mua nhà ở xã hội) gần giống như hình thức “bán hàng trả góp” nhưng có ưu điểm hơn: Sau một thời gian sử dụng ban đầu; nếu bên thuê mua nhận thấy không thích hợp thì có thể không phải tiếp tục “mua” lại căn nhà (vì trong thời gian này căn nhà vẫn thuộc sở hữu của bên cho thuê).
Hợp đồng cho thuê nhà ở và hợp đồng thuê mua nhà ở cũng dẫn đến những sự khác biệt. Điều này đương nhiên sẽ làm ảnh hưởng tới quyền lợi của bên thuê (hoặc thuê mua) nhà ở. Đó là, đối với hợp đồng thuê mua nhà ở, thì từ việc trả trước một khoản tiền để có thể trở thành chủ sở hữu của căn nhà sau một thời gian thuê thì với người thuê nhà ở chỉ có thể trả tiền thuê mà không thể mua căn nhà. Nếu muốn mua nhà ở, hai bên phải thiết lập lại một hợp đồng mới khi mà cả bên thuê và bên cho thuê đều đi đến một thống nhất chung.Để có thể cung cấp tư vấn chi tiết hơn, chúng tôi cần có hồ sơ và tài liệu có liên quan tới việc thuê nhà ở xã hội của quý Vị.
Các về vấn đề liên quan đến việc thuê và thuê mua nhà ở xã hội, quý vị có thể tham khảo các Chương IV của Luật Nhà ở năm 2014 (từ Điều 49 đến Điều 64); Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 20 tháng 10 năm 2015 quy định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để có được câu trả lời chính xác.
Trên đây là nội dung Luật Sao Sáng gửi đến Quý bạn đọc về vấn đề Thuê mua nhà ở xã hội hiện nay. Nếu có vấn đề nào còn thắc mắc hoặc cần được hỗ trợ vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: Luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936 65 36 36 – 0972172757 để được tư vấn, hỗ trợ nhanh nhất.