Trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự cấp phúc thẩm
Bản án xét xử sơ thẩm vụ án dân sự nếu không có kháng nghị (của Viện kiểm sát), kháng cáo (của cá nhân, tổ chức có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) thì sẽ có hiệu lực theo quy định của pháp luật. Trường hợp bản án có kháng nghị, kháng cáo thì vụ án phải đưa ra xét xử phúc thẩm.
Trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự ở cấp phúc thẩm được thực hiện khi có các căn cứ sau:
Kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm
– Người có quyền kháng cáo (Điều 271):
⇒ Đương sự; Người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.
– Thời hạn kháng cáo (Điều 273):
⇒ Đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án;
Đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.
⇒ Đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của Bộ luật này.
Kháng nghị bản án, quyết định sơ thẩm
– Thẩm quyền kháng nghị (Điều 278):
⇒ Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.
– Thời hạn kháng nghị (Điều 280):
⇒ Đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án.
⇒ Đối với quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 10 ngày, kể từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định.
Thủ tục giải quyết vụ án tại tòa án phúc thẩm
Thủ tục giải quyết vụ án tại tòa án phúc thẩm được thực hiện qua các bước sau:
Bước 1: Thụ lý vụ án
Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lý.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Bước 2: Chuẩn bị xét xử phúc thẩm
– Trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án, tùy từng trường hợp, Tòa án cấp phúc thẩm ra một trong các quyết định sau đây:
- Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;
- Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;
- Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không được quá 01 tháng.
– Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.
Bước 3: Mở phiên tòa xét xử phúc thẩm
– Phạm vi xét xử phúc thẩm quy định Điều 293 BLTTDS 2015 Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị.
– Những người tham gia phiên tòa phúc thẩm theo Điều 294 BLTTDS 2015 gồm:
- Người kháng cáo, đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải được triệu tập tham gia phiên tòa. Tòa án có thể triệu tập những người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa nếu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị.
- Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp tham gia phiên tòa phúc thẩm.
– Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án dân sự gồm ba thẩm phán (Điều 64). Việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán tiến hành (Điều 65).
– Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (Khoản 6 Điều 313).