Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Cách xử lý khi bị đăng tải hình ảnh nhạy cảm lên mạng xã hội

15:18 CH
Thứ Năm 22/07/2021
 1784

Giới trẻ hiện nay thường sử dụng cách đăng tải hình ảnh nhạy cảm của người yêu lên mạng xã hội, để “hành hạ” tinh thần, ép người yêu chu cấp tiền, ép người yêu quan hệ tình dục, hoặc để thỏa mãn “thú tính” trong tình yêu.

Bên cạnh đó, việc “đánh ghen” thời đại 4.0 cũng được thực hiện thông qua hình thức đăng hình ảnh phản cảm, nhạy cảm của “đối thủ” lên mạng xã hội.

Những việc làm nêu trên, hoặc bất kỳ hành động nào đăng tải hình ảnh nhạy cảm làm ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm của cá nhân, uy tín của tổ chức đều có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Đăng tải hình ảnh nhạy cảm của cá nhân vi phạm quy định nào?

Đăng tải hình ảnh nhạy cảm của cá nhân có thể bị xử phạt vi phạm hành chính

Điểm g Khoản 3 Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp: “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” là từ 10.000.000 đồng – 20.000.000 đồng.

Đăng tải hình ảnh nhạy cảm của cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Việc đăng tải hình ảnh nhạy cảm của cá nhân, kèm theo những dòng trạng thái sỉ nhục, lăng mạ hoặc chửi bới, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015; hành vi vu không theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015… Cụ thể như sau:

Điều 155. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

“Điều 156. Tội vu khống

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với 02 người trở lên;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;

đ) Đối với người đang thi hành công vụ;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;

h) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Vì động cơ đê hèn;

b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

c) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm“.

Cách xử lý khi bị đăng tải hình ảnh nhạy cảm lên mạng xã hội

Trước tiên, bạn nên chụp ảnh, ghi hình lại hành vi đăng hình ảnh nhạy cảm để có căn cứ, chứng cứ giao nộp cho công an, tránh trường hợp người đăng tải xóa hình ảnh nhạy cảm để che giấu hành vi sai trái.

Nếu biết rõ thông tin, địa chỉ người đăng tải hình ảnh

Về nguyên tắc, cơ quan điều tra của công an nhân dân có trách nhiệm tổ chức trực ban hình sự 24/24 giờ để tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm (Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 28/2020/TT-BCA). Tức là, đối với mọi tin báo về tội phạm, bạn có thể gửi đến bất kỳ cơ quan công an nào gần nhất và thuận tiện nhất. Ví dụ: Công an xã/phường nơi bạn cư trú, công an huyện nơi bạn cư trú, công an nơi bạn đang tiện trên đường,…

Tuy nhiên, để đảm bảo đơn thư được giải quyết nhanh và đúng thẩm quyền, bạn nên gửi đơn tố giác đến Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an cấp huyện, hoặc Phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an cấp tỉnh của người mà bạn cho rằng có hành vi đăng tải hình ảnh nhạy cảm của bạn lên mạng xã hội.

Nếu không biết thông tin, địa chỉ người đăng tải hình ảnh

Nếu không biết thông tin của người đăng tải thông tin, bạn nên gửi đơn tố giác đến Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an cấp huyện gần nhất hoặc Phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an cấp tỉnh gần nhất để được giải quyết.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .